Bài thơ Cô và mẹ được nhà giáo, nhà văn Trần Quốc Toàn viết cách đây khoảng 40 năm.
Vui buồn với Cô và mẹ
Bài thơ này được chọn in trong Tiếng Việt 1, tập 2:
Buổi sáng bé chào mẹ
Chạy tới ôm cổ cô
Buổi chiều bé chào cô
Rồi sà vào lòng mẹ
Mặt trời mọc rồi lặn
Trên đôi chân lon ton
Hai chân trời của con
Là mẹ và cô giáo
Nhà văn Trần Quốc Toàn giao lưu với các em học sinh. Ảnh: T.L |
Bài thơ được in trên Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), sau đó NXB Giáo dục đưa vào sách giáo khoa. Nhà văn chia sẻ, cá nhân tôi bài thơ được đưa vào sách giáo khoa là niềm vui của người viết, đặc biệt là người viết chuyên nghiệp. Chính xác đấy là công cụ chính danh để truyền bá tiếng mẹ đẻ, không phải chuyện vu vơ. “Có thơ sẽ lan tỏa không khí lớn cho người cầm bút. Lần đến thăm một trường học ở vùng sâu của huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), đồng nghiệp giới thiệu tôi là tác giả bài Cô và mẹ nhưng không đứa trẻ nào thuộc. Điều đó làm tôi rất buồn nhưng cảm xúc lại dạt dào trong tôi khi có một bà mẹ trẻ ẵm con và đọc thuộc”.
Khoảng hơn năm trở lại đây, khi nhà văn đến nói chuyện tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), cô Hiệu trưởng giới thiệu “Đây là bác Trần Quốc Toàn, tác giả bài thơ Cô và mẹ”, ngay lập tức học sinh đọc thuộc lòng bài thơ và sáng tạo vẽ bộ tranh theo cách hiểu của chúng về bài thơ này. “Sống mấy mươi năm trong nghề, đó là lần hiếm hoi xúc động, nó “sống” trong bạn đọc một cách hiển nhiên, là thơ như có âm vang như một bài ca”, nhà văn chia sẻ.
Có một nguyên mẫu
Trong Cô và mẹ nhà văn Trần Quốc Toàn viết cách nay đã 40 năm có một nguyên mẫu, nhân vật đứa bé trong bài đó là đứa cháu của nhà văn, tên Nguyễn Sinh Thắng. Lúc viết bài thơ ấy, Thắng chỉ là một đứa trẻ, nay đã là bố của hai con và là tổng giám đốc một công ty lớn. Nhà văn nhớ lại, một lần đi cùng người chị đến thăm cháu ở khu tập thể Kim Liên (Hà Nội), nơi gia đình người chị sinh sống và bài thơ ra đời tại không gian này.
Nhiều lần dự giờ về bài thơ của mình, nhà văn ấn tượng nhất là giờ dạy ở Trường Tiểu học Việt Mỹ. Giáo viên yêu cầu cả lớp (trong đó có cả nhà văn) đọc bài thơ theo kiểu tiếp sức. “Mình lớn tuổi nhưng trở lại là một cậu bé lớp 1 thì không còn gì thú vị bằng”, nhà văn kể lại.
Nhà văn Trần Quốc Toàn. Ảnh: TRỌNG TRI |
Nhân vật trong Cô và mẹ là những nhân vật bất hủ (mẹ, cô). Sáng chiều, cậu bé tí hon, đôi chân lon ton… gửi gắm, có sự luân chuyển, kêu gọi trân trọng thế hệ tương lai, người lớn phải cảm ơn nó.
Mặt trời mọc rồi lặn
Trên đôi chân lon ton
Hai chân trời của con
Là mẹ và cô giáo
Ban đầu nhà văn viết mặt trời mọc rồi lặn, sau sửa lại lặn rồi mới mọc, luôn luôn mở ra, có “bình minh” ở cuối bài thơ. Nhà văn tâm sự: Tôi ao ước giáo viên chuyển tải đến học sinh hiểu theo ý tác giả là “Vầng mặt trời trên đôi chân của một đứa trẻ, chính đứa trẻ đẩy cỗ xe thời gian chứ không ai khác”.
Cô và mẹ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc nhưng ông ưng nhất là bài do nhạc sĩ Khánh Vinh phổ. Không ít người nhầm lẫn tác giả Cô và mẹ là của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Cùng có tên Cô và mẹ nhưng của Trần Quốc Toàn, con ở đây là chủ lực của sức sống, sống động, còn Cô và mẹ của nhạc sĩ Phạm Tuyên là đề cao về cô giáo.
Nhà văn Trần Quốc Toàn đã xuất bản hơn 30 quyển sách, trong đó chủ yếu là sách dành cho thiếu nhi. Dự kiến trong tháng 6 này, nhà văn sẽ cho ra cuốn Những truyện hay nhất viết cho thiếu nhi. Dù đã về hưu nhưng nhà văn vẫn lên lớp ở Câu lạc bộ Sáng tác Bút mực tím (Nhà Văn hóa Q.5) và giữ chuyên mục chơi thơ trên Tạp chí Tài hoa trẻ.
Trần Trọng Tri
Nhà giáo, nhà văn Trần Quốc Toàn sinh 1949 tại Phú Xuyên, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông viết truyện ngắn, chùm truyện thiếu nhi, làm thơ, tản văn với nhiều bút danh như Viễn Giao, Kính Nhi, Tư Hai Mắt Kiếng… Ông từng đoạt giải thưởng truyện ngắn cuộc thi viết cho thiếu nhi do Bộ Văn hóa – Trung ương Đoàn và Báo Văn nghệ tổ chức năm 1987; tặng thưởng của Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam 1994-1995 cho tập thơ Viết đơn lên cát trắng. |
Bình luận (0)