Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gặp tác giả trong SGK: Kỳ 2: Đàn ghita của Lorca

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày mới xuất hiện trong SGK, bài thơ Đàn ghita của Lorca được đón nhận không mấy hồ hởi.

Lời chê biến nhanh như lúc xuất hiện

Bài thơ Đàn ghita của Lorca của nhà thơ Thanh Thảo được in trong SGK Ngữ văn 12:

Đàn ghita của Lorca

Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn

(F.G.Lorca)

Những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn

 

Tây-Ban-Nha

hát nghêu ngao

bỗng kinh hoàng

áo choàng bê bết đỏ

Lorca bị điệu về bãi bắn

chàng đi như người mộng du

 

tiếng ghita nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghita lá xanh biết mấy

tiếng ghita tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghita ròng ròng

máu chảy

 

không ai chôn cất tiếng đàn

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng

 

đường chỉ tay đã đứt

dòng sông rộng vô cùng

Lorca bơi sang ngang

trên chiếc ghita màu bạc

chàng ném lá bùa cô gái Di-gan

vào xoáy nước

chàng ném trái tim mình

vào lặng yên bất chợt

 

li-la li-la li-la…

Nhà thơ Thanh Thảo cho biết: Bài thơ này tôi viết tại trại sáng tác Quân khu 5 – Đà Nẵng, thời gian khoảng mùa thu năm 1979. Khi đó tôi cũng sắp rời khỏi trại sáng tác này (do trại giải thể) để về Quy Nhơn, tham gia vào Hội Văn nghệ tỉnh Nghĩa Bình. Tôi viết bài thơ này trong một lúc “vô tích sự” chứ không có “hoàn cảnh” gì đặc biệt. Dạo đó tôi và nhà thơ Ngô Thế Oanh cùng nhà thơ Trần Kỳ Phương cùng xúm lại dịch một số bài thơ của Lorca qua bản tiếng Anh. Tôi với anh Oanh không biết tiếng Anh, nhưng anh Kỳ (Trần Kỳ Phương) thì giỏi tiếng Anh. Tôi với Oanh tham gia qua bản dịch nghĩa của anh Kỳ. Nhờ đó, Lorca sống lại trong tôi. Bởi cách đó khoảng 10 năm, tôi đã được đọc thơ Lorca qua bản dịch (từ tiếng Pháp) của nhà thơ Hoàng Hưng. Bản dịch rất tốt, và giúp cho tôi làm quen với thơ Lorca từ ngày đó. Rồi, trong một lúc đọc thơ Lorca mà mình có tham gia (phụ) dịch, tự nhiên tôi viết được bài thơ Đàn ghita của Lorca. Bài thơ này tôi viết khá nhanh, một lần và không sửa chữa gì. Viết xong đọc cho anh Oanh và anh Kỳ nghe. Rồi bài thơ nằm im trong sổ tay, sau khi được hai người bạn khen hay. Mãi tới năm 1985, tôi mới in được bài thơ này trong tập thơ Khối vuông ru-bích.

Nhà thơ Thanh Thảo

Nhà thơ Thanh Thảo khẳng định: “Đây không phải là bài thơ đầu tiên của tôi được đưa vào SGK, nên “cảm xúc” cũng không có gì thái quá. Chỉ có điều tôi ngạc nhiên là bài thơ này được chọn vào SGK. Vì như nhiều người biết, lâu nay thơ được chọn vào SGK không cùng “kênh” với bài thơ này của tôi. Có thể, đó là sự thay đổi của SGK, mà tôi không biết. Ngày mới xuất hiện trong SGK, bài thơ của tôi đã được đón nhận không mấy hồ hởi. May quá, cùng với thời gian, những bài viết về bài thơ này, những tìm hiểu khá sâu sắc và cặn kẽ về bài thơ đã khiến nó thành một bài thơ được đọc, viết, giảng, cảm nhận vào hàng nhiều nhất trên mạng internet. Và như thế, những lời chê cũng biến mất, nhanh như lúc chúng xuất hiện”.

Bài thơ hơi… lạ

Không ít học sinh và cả giáo viên cho rằng bài thơ Đàn ghita của Lorca là bài thơ khó nhưng với Thanh Thảo thì ngược lại, không cho bài thơ này là khó. Có thể nó là bài thơ hơi “lạ” so với những bài thơ lâu nay vẫn được chọn vào SGK. Trước lạ sau quen, bài thơ của ông đã dần được đón nhận, và ít nhất hai lần học sinh thi vào đại học đã phân tích bài thơ này. Thơ cần được cảm trước khi được hiểu. Và được thích trước khi thấy nó có gì gắn bó với mình. Cái “cảm giác ban đầu” ấy là hết sức quan trọng đối với người đọc thơ, và cả với người làm thơ. Nhưng, đã là thơ thì không thể “dễ”, hiểu theo nghĩa “dễ dãi”. Có lẽ lâu nay học sinh tiếp cận nhiều bài thơ “dễ” quá, nên khi đọc một bài thơ khác, không “dễ” nhưng không “khó”, đã có những phản ứng ban đầu không thuận lợi. Rồi khi đã quen, họ cảm thấy cái gọi là “khó” của bài thơ thật ra là điều kiện tạo nên sự gần gũi. 

Nghiền ngẫm Cây đàn ghita của Lorca càng thấy một Lorca số phận, bi thảm, liệu tâm trạng ấy có phải của chính nhà thơ? Tác giả thông tin: “Chắc chắn là không ! Vì tôi đâu có bị đưa ra bãi bắn như Lorca! Nhưng cảm nhận trạng thái trong thời điểm đặc biệt của số phận nhân vật khi viết về họ là điều kiện bắt buộc đối với người viết. Nếu khi đọc bài thơ này, học sinh cũng cảm nhận được số phận, những trạng thái đặc biệt của Lorca trước cái chết, thì thật may mắn cho người viết bài thơ là tôi. Đó là sự đồng cảm, nó thiết lập nên một trục mà một đầu là số phận Lorca cùng những bài thơ của ông, một đầu là những học sinh Việt Nam hôm nay đồng cảm với ông. Tôi và bài thơ nhỏ của tôi chỉ là gạch nối”.

Ngoài bài thơ Đàn ghita của Lorca, nhà thơ Thanh Thảo còn có một trích đoạn ngắn trong trường ca Trẻ con ở Sơn Mỹ được đưa vào SGK lớp 5. Trước đây, bài thơ Những dấu chân qua trảng cỏ của nhà thơ cũng được đưa vào SGK trung học, ở phần đọc thêm. Hiện nhà thơ Thanh Thảo đã về hưu, vẫn viết cả thơ và báo, và sống bình thường tại thành phố Quảng Ngãi, quê hương ông.

Bài, ảnh: Trần Trọng Tri

Để bài thơ này được đưa vào SGK, phải cảm ơn GS. Trần Đình Sử – người đã chọn bài thơ, và GS. Nguyễn Minh Thuyết – người đã ủng hộ sự lựa chọn này. Tôi may mắn được cả hai vị giáo sư thích bài thơ Đàn ghita của Lorca. Họ là những nhà tuyển chọn không định kiến, và ủng hộ cái mới, nhà thơ Thanh Thảo cho biết!

 

Bình luận (0)