Con hẻm nhỏ vòng vèo nằm trong khu lao động giữa thành phố Cần Thơ, có một ngôi nhà nhiều năm qua hàng ngày chỉ có một ông già rất hiền lành, ít nói ra vào. Ông chính là anh hùng Sơn Ton năm nay 77 tuổi.
Ông là anh hùng quân đội đầu tiên của Nam Bộ, là người dân tộc Khơme. Tên ông ngày nay được đặt tên cho ấp Sơn Ton, xã An Thạnh Nhì, Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng).
Ông được mệnh danh là “Vua lựu đạn gài”, hoạt động trong đội du kích Long Phú nổi tiếng với “Bài ca du kích Long Phú” của cố NSND Quốc Hương.
“Vua lựu đạn gài”
Anh hùng quân đội Sơn Ton bây giờ |
Sơn Ton sinh ra và lớn lên tại xã Lưu Nghiệp Anh (Trà Cú, Trà Vinh) trong một gia đình dân tộc Khơme rất nghèo.
Ông giải thích nghĩa chữ “Ton” rất dí dỏm “là cây gậy mà người Khơme hay cầm trên tay. Hoặc là cây ba-ton của mấy thằng cai Pháp, địa chủ, hội đồng hồi xưa đó…”.
Năm lên 9 tuổi, Sơn Ton theo cha mẹ làm mướn rồi dạt về Cù Lao Dung (Sóc Trăng) sinh sống.
Cù Lao Dung rộng khoảng 25.000 ha, là một “ốc đảo” nằm giữa sông Hậu đẹp như một tiên nữ giáng trần, vườn cây trái sum suê, có món “cá bống sao kho chồn” ăn một lần nhớ suốt đời vị thơm ngon.
Giờ đây, ai qua ngã tư Bến Bạ đầu thị trấn Cù Lao Dung, đến ấp Phước Hòa A vẫn thấy có Bia chiến thắng Rạch Già. Bên dưới bia khắc bài ca “Du kích Long Phú” do cố NSND Quốc Hương viết- bài hát một thời vang dội khắp chiến trường Nam Bộ đánh Pháp.
Bia chiến thắng ghi: “Nơi đây, năm 1947, khi mới ra đời, đội du kích Long Phú đã phục kích đánh tàu giặc, tiêu hao nhiều sinh lực địch, bảo vệ nhân dân. Những thắng lợi của đội du kích Long Phú đã tạo được niềm tin của quần chúng và vang lừng khắp non sông”…
Khoảng 17 tuổi, Sơn Ton gia nhập du kích xã An Thạnh Nhất. Sơn Ton rất thông thạo địa hình sông nước và nổi tiếng gan dạ. “Ai chỉ mà ông biết gài lựu đạn?”.
Anh hùng Sơn Ton nhớ lại: “Huyện đội tập huấn 15 ngày cách gài địa lôi và lựu đạn”. Hồi này súng trường chỉ có vài khẩu, chủ yếu là sử dụng lựu đạn và tự chế tạo địa lôi đánh tàu giặc trên sông.
…Một lần, tàu Pháp càn vào rạch Ông Tám, xã đội trưởng Phạm Ngũ Màu cho anh em đánh mõ báo động rồi rút lui, chỉ Sơn Ton và Lộc ở lại. Sơn Ton cài quả địa lôi ngay mép bờ, nơi xuồng ghe cập vào và chăng dây cáp ngang đi vướng là nổ. Sơn Ton chặt 2 buồng dừa bỏ dưới gốc, làm vẻ như đang uống dở bỏ chạy để lại cả con dao chặt dừa, bên dưới gài hai trái lựu đạn.
Tới bờ ruộng mía, Sơn Ton lấy cái mõ quăng ngay đầu bờ, bên dưới gài một trái lựu đạn. Bộ đội thời này hay dùng nóp để ngủ, Sơn Ton gài thêm quả lựu đạn dưới cái nóp nằm dưới gốc cây.
Gần một nhà dân, biết thế nào giặc cũng đốt nhà, bắt gà heo, Sơn Ton bắt một con gà trống nhốt trong cái nơm, bên dưới chân nơm cài một trái lựu đạn.
Quả nhiên khi tàu Pháp cập vào bờ, tiếng nổ địa lội vang lên như xé toạc bờ kinh, bọn giặc chết và bị thương khá nhiều. Tức tối điên cuồng, chúng bắn xối xả khắp nơi vẫn không thấy bóng người. Chúng bắt đầu tràn lên. Lần lượt những quả lựu đạn mà Sơn Ton gài đều nổ cả…
Cả đội du kích bái phục Sơn Ton và phong anh là “vua lựu đạn gài”. Anh cười: “Có gì đâu, thằng Tây nó ác lại tham lam. Mình đoán biết nó sẽ ăn, sẽ lấy, sẽ đi chỗ đó nên gài lựu đạn thôi…”.
Một hôm, khoảng 8 giờ tối tại Rạch Thầy Tư sông Bến Bạ, một lớp du kích đang tập huấn sơ hở để giặc bao vây tiếp cận sát nơi đóng quân. Sơn Ton với du kích Hoành chống xuồng về cứ, chạm trán xuồng bọn Tây đang ngụy trang dân chài. Hoành chèo lái, phát hiện giặc nhảy sông thoát, xuồng xoay vòng vòng.
Sơn Ton cứ tưởng là xuồng kia là của xã đội, nên đến sát sạt, chúng chĩa súng hô: “Alê hấp, Việt Minh!”. Sơn Ton bình tĩnh phóng nhanh xuống nước như mũi tên và rút chốt lựu đạn thảy lại làm xuồng địch nổ tung.
Năm 1951, Sơn Ton được cử đi dự Hội nghị chiến sĩ thi đua khu Tây Nam Bộ và sau đó anh được rút về huyện Long Phú. Trước ngày các đơn vị bộ đội tập kết ra Bắc 1954, anh được cử ra miền Bắc trước để dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Lần gặp Bác Hồ đáng nhớ
… và ngày trẻ |
Để tìm được ông, tôi phải hỏi thăm nhiều cơ quan của ba nơi Trà Vinh, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Ông sống lặng lẽ nên hầu như không mấy người biết về ông. Căn bệnh “huyết áp” đe dọa ông mấy năm nay nên ông “bớt đi lại” nhưng trong lòng ông lúc nào cũng dạt dào niềm vui và tự hào vì đã từng gặp Bác Hồ kính yêu nhiều lần.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Lê – người bạn đời của ông từng là học sinh miền Nam cũng là người dân tộc Khơme Trà Vinh đã mất từ năm 1990. Bốn người con của ông có gia đình ở riêng.
Hai anh con trai (sinh 1971, 1975) làm ở Thành Đội Cần Thơ và Công an phường. Cô út Sơn Thị Kim Pha công tác ở Bệnh viện Nhi Đồng.
…Lần đầu tiên Sơn Ton gặp Bác tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần 2 tháng 5/1955. Lần ấy tuyên dương 36 anh hùng, có các anh hùng Đinh Núp (Tây Nguyên), Lê Văn Thọ (miền Đông Nam bộ), Sơn Ton (miền Tây Nam bộ). Ngoài ra còn có Mạc Thị Bưởi, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Ngô Mây, Trần Cừ, Chu Văn Mùi, Phùng Văn Khầu…
Một bữa, Bác bất ngờ đến thăm “Tổ anh hùng” gồm 12 anh hùng đang học tập. Tổ phó, Anh hùng La Văn Cầu nhìn thấy Bác reo lên, tất cả mừng vui đến nghẹn ngào.
Bác hỏi thăm tình hình ăn ở, học tập của tổ. Tướng Vương Thừa Vũ- Tổ trưởng, báo cáo Bác tình hình của tổ. Bác ân cần thăm hỏi anh hùng Núp và phê bình: Anh hùng Núp là bộ đội, phải mặc quân phục, không được đóng khố Tây Nguyên khi học tập trong doanh trại… Anh hùng Núp cười móm cả miệng và chấp hành ngay sau đó.
Quay sang, Bác hỏi: “Chú nào là người dân tộc Khơme, vừa mới được phong anh hùng?”. Thiếu úy Sơn Ton mừng vô kể đứng bật dậy: “Dạ thưa Bác, anh hùng người dân tộc Khơme là cháu đây”. Bác hỏi: “Cháu có biết chữ Pali không?”. Sơn Ton thành thật thưa: “Cháu không biết, vì lo đi đánh giặc, không vào chùa học chữ…”.
Bác lại hỏi Sơn Ton và anh Núp: Nếu muốn làm việc lớn mà có một người thì có làm được không? Sơn Ton muốn thưa với Bác, nhưng vốn từ vựng tiếng Việt quá ít ỏi, anh không biết nói thế nào nên chỉ biết nắm tay Bác và anh hùng Núp để thay lời nói: phải đoàn kết, phải có sức mạnh của mọi người, mọi dân tộc…
Bác khuyên Sơn Ton nên học cho giỏi chữ Pali, tiếng Khơme để về miền Nam vận động bà con dân tộc chống Mỹ. Bác cười và nói bằng tiếng Khơme: “Prochia-cheon Viet Nam-Campuchia -Lao sammaky veay com-chat anany cum Ba-răng – Cháu hiểu hết không ? ” (tạm dịch: Nhân dân Việt Nam- Campuchia- Lào đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp).
Sơn Ton thưa Bác là anh hiểu hết, Bác nói chuẩn như một người Khơme khiến anh bất ngờ và vô cùng kính phục vị cha già dân tộc.
Sau này, người anh hùng Sơn Ton còn được gặp Bác nhiều lần khác khi Bác đi thăm đồng bào chiến sĩ và được nghe nhiều lời dạy của Bác. Nhưng lần đầu tiên gặp Bác vẫn đáng nhớ nhất với ông.
Sơn Ton khắc ghi những lời Bác dạy và luôn phấn đấu học tập, lao động, chiến đấu và rèn luyện bản thân. Sau ngày đất nước Thống Nhất, ông tiếp tục chỉ huy, chiến đấu tại mặt trận Tây Nam, rồi công tác tại Tỉnh đội Hậu Giang cũ, Quân khu IX về nghỉ hưu với quân hàm Trung tá.
Cần Thơ, cuối năm 2008
Trần Hiếu
Ghi theo lời kể Trung tá, Anh hùng Sơn Ton
Bình luận (0)