Các trạm sang chiết, nạp lậu gas vẫn sống được nhờ luôn có đầu ra, giá bán lại rẻ hơn giá bán của doanh nghiệp gas từ 30.000 đến 40.000 đồng.
Mặc dù các doanh nghiệp (DN) đã ra sức “chiến đấu” nhưng tình trạng sang chiết, nạp gas lậu vẫn ngang nhiên tồn tại ở một số địa phương. Đáng lưu ý có những vụ việc dù cơ quan chức năng bắt quả tang nhưng sau cơ sở đó vẫn hoạt động bình thường. Nhiều vụ sang chiết gas trái phép, chiếm dụng vỏ bình bị đưa ra khởi tố hình sự nhưng không được xử lý nghiêm.
Xử phạt chưa nghiêm
Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), bức xúc kể từ cuối năm 2011 đến nay, trạm chiết Hoàng Linh tại Bến Lức (Long An) ba lần bị bắt quả tang sang chiết gas trái phép, không có giấy phép chứng nhận đủ điều kiện nạp gas vào bình. Họ chỉ bị xử phạt hành chính vài chục triệu đồng và tiếp tục hoạt động.
Bên cạnh đó là việc xử lý các DN thu gom, hoán cải vỏ bình gas không nghiêm, như vụ DN Thành Tài chiếm đoạt hơn 4.500 vỏ bình của các DN gas khác nhưng DN này chỉ bị xử phạt hành chính.
Theo Điều 30 Nghị định 105/2011/NĐ-CP, ngoài việc phạt tiền các hành vi hoán cải vỏ bình gas còn có quy định xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi tiêu hủy các bình đã bị hoán cải. Như vậy, nếu bắt được quả tang DN nào đang hoán cải vỏ bình gas thì cơ quan chức năng phải kiểm tra toàn bộ bình gas của DN đó. Các bình gas bị hoán cải sẽ không có hồ sơ và không đủ điều kiện lưu thông nên phải tịch thu tiêu hủy. Đằng này cơ quan chức năng cũng phớt lờ.
Hàng ngàn bình gas sang, chiết nạp lậu nếu tuồn ra thị trường sẽ gây nguy hiểm cho người tiêu dùng và thiệt hại cho DN chân chính. Ảnh: THẾ VĨNH
Bức xúc không kém, ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty CP Petrolimex, nói các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh gas còn một số bất cập đối với các trạm chiết nạp. Cụ thể là không quy định số lượng vỏ bình sở hữu của trạm chiết đó nên trở thành kẽ hở để các trạm này tung hoành, ai có nhu cầu thuê nạp cũng nạp ngay, từ đó xuất hiện hình thái chiếm dụng vỏ bình mà không có sự đồng ý của DN sở hữu. Thứ hai là chiếm dụng rồi cắt quai mài vỏ thành bình của mình. Điều này rất nguy hiểm vì không bảo đảm an toàn sử dụng, gây thiệt hại cho DN chân chính (chi phí sản xuất thấp) và trốn thuế nhà nước.
Cạnh tranh không lành mạnh
Theo một số DN, cần phải công bằng hơn trong vấn đề này, bởi chính sự cạnh tranh giữa các DN với nhau cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng sang chiết, nạp lậu tràn lan. Bình gas được chiếm dụng thông qua hệ thống phân phối tuồn ra góp phần làm cho tình trạng gas giả diệt hoài không hết. Để giữ thị phần, một số DN có vốn mạnh đã tăng chiết khấu hỗ trợ cho hệ thống phân phối 10.000 đồng/bình. Điều này vô hình trung tạo điều kiện cho các đại lý phân phối làm trái phép khi chiếm dụng vỏ bình của DN có chiết khấu cao, sang chiết gas rồi đẩy nhanh ra thị trường bán giá rẻ hơn. Ví dụ, các DN chiếm dụng vỏ bình, trốn thuế VAT, tiền khấu hao vỏ bình… thu lợi ít nhất 30.000-40.000 đồng/bình. Trước tình trạng gas lậu, gas giả như vậy, các DN lớn lại hạ giá cho bằng để giữ thị phần, các DN gas nhỏ hơn thì điêu đứng, trận địa còn lại là của đối tượng làm trái phép.
Do đó, ông Nguyễn Hoàng Anh (Petrolimex) cho rằng các DN gas còn chưa quyết liệt trong việc bắt tay hợp tác chống gas giả, gas lậu.
Nên công khai trạm chiết
Một giải pháp cho tình trạng trên được ông Nguyễn Hoàng Anh đưa ra là Sở Công Thương các tỉnh, thành phải công bố công khai danh sách, địa chỉ cụ thể các trạm sang chiết gas. Trạm chiết nạp dạng tổng đại lý thì phải có hệ thống đại lý, có hợp đồng chiết nạp với các DN, quy định kho chứa gas tối thiểu…
Đại diện Chi hội Gas miền Nam cho biết Bộ Công Thương đang vận động người tiêu dùng cùng cơ quan chức năng giám sát để chống gian lận thương mại. Chi hội đã nhiều lần kiến nghị muốn làm được như vậy nên quy định khu vực chiết nạp phải thông thoáng, tạo điều kiện cho việc giám sát hoạt động chiết nạp từ bên ngoài hàng rào, chứ hiện nay các trạm chiết nạp thuê đều bít bùng, tù mù.
Hiệp hội còn đề nghị Bộ Công Thương xem xét đưa các trạm chiết độc lập về trực thuộc một thương nhân đầu mối để dễ quản lý chặt chẽ. Nếu Bộ Công Thương đồng ý thì đây sẽ là bước tiến trong quản lý ngành gas. Mới đây, Bộ đã chỉ đạo các sở Công Thương địa phương rà soát, kiểm tra toàn bộ danh mục thương nhân đầu mối, thương nhân cấp 1, thương nhân xuất nhập khẩu thậm chí là các trạm sang, chiết nạp gas xem xét có đáp ứng đủ điều kiện theo quy định không.
Ngoài ra, Hiệp hội khuyến nghị các DN thành viên phải liên kết với nhau cải tiến công nghệ, nâng cao dịch vụ… để cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, Hiệp hội đang xem xét chuẩn hóa một loại tem không thể làm giả, qua đó giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt gas giả, gas thật.
TÚ UYÊN (PLO)
Bình luận (0)