Bên cạnh các đại lý, cửa hàng gas làm ăn chân chính, trên thực tế vẫn còn một số nhóm người tìm cách sang chiết gas lậu để kinh doanh nhằm trục lợi. Cũng từ đó người tiêu dùng phải chịu nhiều thiệt hại nhưng nguy hiểm hơn là nguy cơ cháy nổ và chết người luôn chực chờ.
Thời gian gần đây, qua phản ánh của người dân, nhiều cơ sở kinh doanh gas đã bị cơ quan công an bắt quả tang sang chiết gas trái phép. Rõ ràng đây không còn là hiện tượng riêng lẻ mà trở thành xu hướng kinh doanh bất hợp pháp trong lĩnh vực chất đốt.
Thoải mái sang chiết gas lậu
Anh Phạm Đình Hoàng – chủ đại lý gas An Thuận, xã Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương) cho biết: “Người dân quen gọi gas giả nhưng thực ra không phải vì chỉ có gas sang chiết lậu mượn thương hiệu của các hãng gas có tên tuổi và uy tín mà thôi”. Cũng theo anh Hoàng, theo quy định trọng lượng của mỗi bình gas phải đủ 12kg không tính vỏ. Thế nhưng, đối với các bình gas sang chiết lậu chỉ có 9-10kg, có khi chỉ được 6-7kg. Nếu chỉ được nửa bình thì người tiêu dùng bị móc hầu bao gần 200.000 đồng, có nghĩa bên kinh doanh ngồi không chiếm đoạt số tiền đó. Nếu làm một phép tính mỗi ngày sang chiết 20 bình gas thì những kẻ làm ăn phi pháp cũng thu lợi được 3-4 triệu đồng. Một con số không hề nhỏ. Chính vì thế nhiều năm gần đây, một số cơ sở kinh doanh gas không chịu làm ăn lương thiện muốn làm giàu nhanh đã có “sáng kiến” sang chiết gas trái phép để thu lợi bất chính. Ngày 14-5 lực lượng Công an thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã phát hiện một công ty TNHH dầu khí tỉnh Thanh Hóa trữ hơn 10.000 vỏ bình gas của 16 hãng khác nhau để sang chiết gas trái phép. Vì sang chiết lậu nên công ty không xuất trình đủ các loại giấy tờ kinh doanh như hợp đồng ký kết trao đổi vỏ gas với đối tác và giấy ủy quyền sử dụng vỏ gas của các hãng khác. Đó cũng là câu chuyện sang chiết gas lậu của một công ty kinh doanh gas gây bức xúc người tiêu dùng cách đây 4 năm ở tỉnh Bình Dương.
Nhân viên đại lý gas Trường Giang, Q.Gò Vấp giao hàng |
Đầu tháng 5, Công an tỉnh Long An cũng đã phát hiện một cơ sở kinh doanh gas tại huyện Bến Lức có hàng trăm bình gas gồm các thương hiệu: Saigon Petro, Gia Đình gas, VT gas, Total gas… được chiết nạp trái phép. Thế nhưng, đại diện chủ sở hữu những thương hiệu trên khi được liên hệ khẳng định không ký bất cứ hợp đồng sang chiết nào với trạm chiết này. Đây cũng là lần thứ 5 kể từ năm 2011, cơ sở này bị phát hiện hành vi sang chiết gas lậu. Theo điều tra ban đầu của Công an tỉnh Long An, trung bình mỗi ngày họ sang chiết 800-900 bình gas. Với mức chênh lệch 80.000-100.000 đồng/bình khi bán lẻ ra thị trường, công ty này thu lợi 80-100 triệu đồng/ngày. Trừ các chi phí, lợi nhuận mỗi tháng của trạm chiết lên đến hàng tỉ đồng.
Chưa đủ sức răn đe
Theo ý kiến của các chủ đại lý hiện nay việc quản lý đầu ra và đầu vào sang chiết gas còn bỏ ngỏ trong lúc quy định các điều khoản kinh doanh gas không được siết chặt mà càng ngày càng nới rộng, việc chế tài không đủ sức răn đe so với lợi nhuận khủng nên không ít kẻ lợi dụng “hành lang pháp lý” trên để kinh doanh bằng cách sang chiết gas lậu. |
Anh Đức, nhân viên cửa hàng kinh doanh gas Trường Giang trên đường Lê Đức Thọ, P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM cho biết, ở đây kinh doanh 6 loại gas theo màu sắc bên ngoài của từng bình gas. Dù trọng lượng vỏ có thể từ 11 đến 16kg nhưng trọng lượng “ruột” bao giờ cũng đúng 12kg. Không bao giờ thiếu trọng lượng để giữ uy tín với khách hàng. Theo anh Đức, giá gas do Nhà nước quy định như giá xăng nên tiền lời mỗi bình rất ít nhưng nhờ số lượng đông nên mới “tích tiểu thành đại”. Tuy nhiên, một số đại lý do “sốt ruột” với chuyện làm giàu nên đã tìm nhiều thủ thuật để qua mặt khách hàng mà phổ biến nhất là sang chiết gas bất hợp pháp. Theo anh Đức, sang chiết gas không chỉ ăn bớt được trọng lượng mà còn né đường để lậu thuế. Khi gas được chiết sang các bình gas có thương hiệu thì đương nhiên họ ăn cắp thương hiệu gây lũng đoạn thị trường. Nếu bị phát hiện thì các hãng gas có uy tín phải chịu oan vì “tình ngay lý gian” do ngoài vỏ có tên của hãng.
Chị Trần Thị Nghĩa – chủ đại lý gas ở TP.Biên Hòa cho biết: “Lâu lâu cũng có người đến hỏi lấy gas của hàng này hàng kia với giá rẻ nhưng vợ chồng tôi đều từ chối vì sợ gas chiết lậu”. Cũng theo lời kể của chị Nghĩa, trước đây khi mới mở đại lý do chưa có kinh nghiệm nên vợ chồng chị cứ thấy bạn hàng nào bỏ gas giá rẻ thì lấy nhưng sau này nghe khách hàng than thiếu cân thiếu ký mới biết đó là gas chiết lậu nên không dám mua của khách lạ nữa. “Muốn lấy của khách hàng mới thì phải xem kỹ giấy tờ, có tư cách pháp nhân kinh doanh, giấy ủy quyền sử dụng vỏ gas của các hãng khác và cả hợp đồng kinh tế nữa. Không nên mua đứt bán đoạn mà không có hồ sơ giấy tờ gì cả – chị Nghĩa chia sẻ. Điều mà anh Đức và chị Nghĩa cũng như chủ các đại lý gas “ngán” nhất là nguy cơ cháy nổ ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Bài, ảnh: Quang Phan
Cần siết chặt thị trường gas Theo ông Đoàn Trọng Thà, phụ trách pháp chế (Hiệp hội Gas Việt Nam), vấn nạn sang chiết, thu gom chiếm dụng bình đang diễn ra hết sức phức tạp. Việc chiếm dụng bình, sau đó cắt tai, mài vỏ, dán nhãn hiệu gas giả lên bình thật đang uy hiếp tính mạng người tiêu dùng. Theo quy định, để trở thành thương nhân đầu mối phải có 300.000 bình gas trở lên. Tuy nhiên, vì việc cấp nhãn hiệu gas quá dễ dàng nên không ai có thể nắm được trên thị trường gas hiện nay có bao nhiêu loại nhãn hiệu được gắn trên vỏ bình. Ông Trần Trọng Hữu, Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, không có nước nào trong khu vực Đông Nam Á, thị trường kinh doanh gas lại lộn xộn như ở Việt Nam. Đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến tính mạng của người sử dụng, nhưng việc cấp phép kinh doanh gas quá dễ dàng, trong khi chưa có chế tài rõ ràng. M.H |
Bình luận (0)