Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Gas mua rẻ, bán đắt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mặc dù giá thế giới giảm nhưng giá gas bán lẻ trong nước không rục rịch, thậm chí có thời điểm lại tăng giá. Trong khi đó, hai nguồn gas sản xuất trong nước được kỳ vọng sẽ tác động làm giảm giá bán lẻ thì nay đối chọi nhau vì giá.

Giá gas bán lẻ hiện quá cao so với giá thế giới – Ảnh: N.C.T.
Tình trạng trên kéo dài suốt từ đầu năm 2010 đến nay đã khiến người tiêu dùng phải gồng mình vì giá bán lẻ cao chót vót.
Giá thế giới giảm, trong nước tăng
Đầu tháng 4-2010, các công ty kinh doanh gas đã thông báo không giảm giá bán lẻ vì giá nhập khẩu chỉ giảm 2,5 USD/tấn. Nhìn vào biểu đồ giá gas thế giới từ đầu năm 2010 đến nay có thể thấy tháng nào giá gas cũng giảm, tổng cộng mỗi tấn gas giá giảm 17,5 USD, tương đương mức 4.000 đồng/bình 12kg. Trong khi đó tại VN cũng thời gian trên giá mỗi bình gas 12kg đã tăng từ 270.000 đồng lên 275.000 đồng.
Hưởng chênh lệch quá cao
Với giá gas nhập khẩu hiện nay cộng với các khoản thuế và chi phí khác, mỗi bình gas 12kg từ các công ty đầu mối bán ra giá đang ở mức 235.000 đồng. Nếu tính giá bán lẻ hiện nay là 275.000 đồng/bình, các tổng đại lý và đại lý đang hưởng chênh lệch 40.000 đồng, tương đương 17%. “Mức dành cho trung gian như vậy là quá cao!” – một chuyên gia trong ngành nhận xét.

Theo lý giải của các công ty kinh doanh gas, thời điểm tháng 3-2010 khi giá thế giới giảm hơn 13 USD mỗi tấn gas thì trong nước giá gas lại tăng 4.000 đồng vì tỉ giá VND/USD tăng. Ngoài lý do này, các DN kinh doanh gas viện lý do giá xăng, giá điện và nhiều chi phí khác đều tăng. Còn lại hai lần giá thế giới giảm trong tháng 2 và tháng 4 (mỗi bình gas 12kg đã giảm tương đương trên 1.000 đồng), các công ty kinh doanh gas cho rằng mức giảm trên không nhiều nên không giảm giá bán lẻ.

Ngoài giá gas nhập khẩu giảm, giá gas được sản xuất trong nước cũng rẻ hơn nhập khẩu rất nhiều, nhưng các công ty kinh doanh gas cũng không giảm giá bán lẻ.
Một lãnh đạo Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam xác nhận giá gas mua tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất rẻ hơn thị trường khoảng 2% là giá khuyến mãi do nhà máy này chưa hoạt động ổn định. Tuy nhiên, theo nhiều DN kinh doanh gas, hiện nay giá bán buôn từ các công ty cung cấp gas Nhà máy lọc dầu Dung Quất thấp hơn giá mua từ nguồn nhập khẩu và nguồn từ Nhà máy xử lý khí Dinh Cố 15- 25 USD/ tấn.
Gas trong nước: “chỉ rẻ giá bán buôn”
Giám đốc một công ty kinh doanh gas thừa nhận vừa chấp nhận chịu phạt để không nhận tàu gas đã ký hợp đồng mua từ Nhà máy Dinh Cố vì công ty của ông mua được nguồn gas Dung Quất rẻ hơn. Trước đó, trong cuộc đấu giá bán gas từ nguồn Nhà máy Dinh Cố vào cuối tháng 3-2010 cũng chỉ có 16 công ty tham gia, giảm một nửa so với hai lần trước. Giá đấu giá giảm mạnh và sản lượng mua của các công ty trúng giá cũng thấp hơn trước.
Không nói ra nhưng Tổng công ty Khí VN (PV Gas) thừa biết lý do: giá bán từ nguồn này không còn đủ hấp dẫn. Theo lãnh đạo một số công ty kinh doanh gas có mặt tại buổi ký hợp đồng mua gas của PV Gas ngày 19-3, do mua được giá rẻ từ nguồn gas Dung Quất nên không còn mặn mà với gas Dinh Cố.
Dù vẫn còn đang trong giai đoạn chưa nghiệm thu nhưng hiện mỗi tháng Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho ra thị trường một lượng gas không nhỏ, khoảng 30.000 tấn. Năm 2009, Tập đoàn Dầu khí chỉ định Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc và Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam bao tiêu. Năm 2010 có thêm hai đơn vị nữa là Công ty Kinh doanh sản phẩm khí (cả ba công ty đều là thành viên của PV Gas) và Tổng công ty Cổ phần dịch vụ dầu khí (Petrosetco).
Bốn đơn vị trên được cung cấp gas với giá bán buôn ưu đãi nhưng điều đó không làm giá bán lẻ thay đổi. Thay vì đấu giá bán tương tự nguồn gas từ Nhà máy Dinh Cố, nguồn gas từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang được cung cấp một cách phân tán với giá ưu ái.
Nhiều chuyên gia cho rằng nghịch lý thị trường gas trong nước cần phải giải quyết dứt điểm đó là tình trạng: người tiêu dùng đang chịu cảnh mua giá cao, còn các công ty được hưởng lợi từ nguồn gas sản xuất trong nước lại không hoàn thành vai trò bình ổn giá gas bán lẻ do hình thức phân phối đang bị phân tán.
LÊ NGUYÊN MINH / TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)