Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Gầy… cũng khổ!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Muốn tăng cân, người gầy phải tăng cung cấp và giảm tiêu hao theo chỉ định của BS. 
Ảnh: T.L

So với chế độ ăn kiêng của người béo thì người gầy dường như sướng hơn nhiều vì được “ăn thỏa thích”. Tuy nhiên, oái oăm thay trong khi người béo thường rất thèm ăn thì người gầy lại chẳng thích ăn, ăn rất ít và cũng không ăn vặt. Muốn tăng cân, người gầy phải tăng cung cấp và giảm tiêu hao thì mới cải thiện được.
Nỗi niềm vì quá gầy
Bạn Kim Anh – sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chia sẻ: “Tôi 21 tuổi mà người gầy quá, ăn uống tẩm bổ cũng không cải thiện là bao. Tôi hay chóng mặt, nhanh mệt mỏi, nói chung là rất yếu, tôi phải cải thiện tình trạng này ra sao?”. Ở cái tuổi 35, trong khi bạn bè chung công ty ai cũng tăng cân và phải tìm cách… giảm béo bụng thì anh Phan L. lại gầy đến thảm hại. Trong khi anh L. rất buồn vì điều này thì các bạn anh lại rất muốn có được cơ thể như anh. Có thể do anh bị áp lực công việc quá lớn nên bà xã anh thường khuyên anh nên giảm bớt công việc, sống vui vẻ chứ cứ bi quan thì sẽ sinh ra nhiều bệnh tật khác.
Theo TS.BS Lê Thành Lý, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa – Bệnh viện Chợ Rẫy nguyên nhân của việc quá gầy là do thói quen ăn uống thất thường, nhịn ăn do sợ béo hoặc ăn quá ít. Thói quen lười vận động không chỉ gây ra béo phì mà cũng là nguyên nhân chính khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu cân trầm trọng. Việc thức khuya, mất ngủ hoặc ngủ quá ít luôn làm tiêu hao khá nhiều năng lượng. Tình trạng căng thẳng mệt mỏi kéo dài càng làm cơ thể bạn thêm gầy yếu. Ngoài ra, cơ thể bạn sẽ khó lên cân khi mắc phải một số căn bệnh liên quan tới đường tiêu hóa như đau dạ dày, viêm loét dạ dày… Bởi khi mắc các bệnh này, khả năng chuyển hóa trong cơ thể cao hơn nên năng lượng tiêu hao cũng nhiều hơn. Khi quá gầy, năng lượng không đủ để cung cấp cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể sẽ dẫn đến mệt mỏi, hụt hơi, chóng mặt, sinh lực kém, làm việc kém hiệu quả. Cơ thể luôn mệt mỏi càng làm mất đi cảm giác ngon miệng trong mỗi bữa ăn và cơ thể không hấp thụ được các chất dinh dưỡng trong các loại thức ăn.
Tăng cung cấp và giảm tiêu hao
TS.BS Lê Thành Lý cho biết việc tăng cung cấp là nên ăn nhiều bữa, bên cạnh 3 bữa chính thì nên có 2-3 bữa phụ. Bữa phụ là những thực phẩm giàu năng lượng như sữa, các loại hạt nhiều dầu. Ăn nhiều thức ăn trong bữa chính hơn trước đây, ăn tráng miệng bằng chè, trái cây ngọt. Những món ăn thường dùng mỗi ngày thì nên chú ý thêm những phần chất béo như ăn phở, hủ tiếu thì nên thêm nước béo vào, ăn cơm tấm thì phải có mỡ hành, ăn chè thì thêm nước cốt dừa… Không nên uống nước trước bữa ăn. Nếu không thể ăn nhiều hơn trước thì có thể dùng thực phẩm cao năng lượng (Ensure, Enplus) uống thêm sau bữa ăn chính, hoặc bổ sung vào bữa ăn phụ 1-2 ly mỗi ngày. Còn giảm tiêu hao gồm tập thể dục vừa phải để ăn ngon, ngủ ngon. Xổ lãi 6 tháng 1 lần vì nếu “nuôi” sán lãi trong bụng thì sẽ không đủ dinh dưỡng để “nuôi” mình.
Nên vệ sinh ăn uống, tránh bệnh đường ruột hoặc ngộ độc thực phẩm. Làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
BS. Lý cũng khuyến cáo: “Hiện nay, trên thị trường bày bán rất nhiều loại thuốc và sản phẩm dinh dưỡng giúp người gầy tăng cân, bạn không nên tùy tiện mua dùng nếu chưa được sự chỉ định của BS. Có những loại thuốc khi uống vào thì tăng cân vù vù, lúc nào cũng thèm ăn thèm ngủ nhưng khi ngưng thuốc thì cảm thấy chán ăn, chán ngủ ngay tức thì khiến người gầy rộc hơn cả trước. Tệ hơn còn gây ra những phản ứng phụ như phù thủng, loét dạ dày, loãng xương, lao phổi…”.
Thu HIền

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)