Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Gầy dựng thiện cảm xe buýt từ việc nhỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Trong việc vực dậy và phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, bên cạnh những vấn đề vĩ mô, cơ quan chức năng cũng cần chú trọng gầy dựng thiện cảm về xe buýt trong tâm thức của cư dân đô thị. Việc gầy dựng thiện cảm về xe buýt ấy thực ra không khó và hơn nữa có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt.

Tên trạm… rùng mình

Một cách tổng quát, việc đặt tên trạm xe buýt trên địa bàn thành phố lâu nay chấp nhận được, tức là có sự hợp lý và làm tốt chức năng giúp cho hành khách dễ nhận biết vị trí xe buýt sắp đi qua. Nhìn chung cách đặt tên trạm chỉ đơn thuần là trạm nằm ở địa điểm, địa thế nào thì gọi ngay tên đó làm tên trạm. Bởi thế mới có những tên trạm như trạm Lăng Cha Cả, trạm Bà Chiểu, trạm Đại học Y dược… Thế nhưng vẫn rơi rớt một đôi chỗ, chính vì quá tuân thủ quy ước (nếu có quy ước như thế) đặt tên đường ấy nên mới có chuyện có tên trạm nghe rùng mình.

Xe buýt dừng hẳn khi tới trạm sẽ giúp hành khách xuống xe thuận lợi.

Những hành khách nào hay đáp các tuyến xe buýt số 55, số 7, số 148, số 3… và nếu có đi qua đường Phạm Ngũ Lão thuộc phường 4 quận Gò Vấp, nhất định đã từng được nghe tiếp viên xe buýt xướng tên trạm tỉnh khô như sau: “Cô bác nào ghé Nhà tang lễ Phạm Ngũ Lão không?”. Hóa ra trạm xe buýt đầu tiên trên đường Phạm Ngũ Lão, tính theo chiều lưu thông vì đây là đường một chiều, được đặt đối diện với nhà tang lễ thật.

Vấn đề là trong những trường hợp như thế, tại sao không có sự linh động trong cách quy ước tên trạm cho thiện cảm hơn, tức là dễ nghe hơn. Giả sử gọi ngắn gọn là “trạm Phạm Ngũ Lão” thì cũng tốt quá đi chứ và vẫn phân biệt được với trạm tiếp theo cũng trên đường này vốn có tên là “trạm Big C” (vì gần Siêu thị Big C ở ngã sáu Gò Vấp).

Thử tưởng tượng, nếu không phải là nhà tang lễ mà là nhà xác nào đó, thì với cách gọi tên trạm thiếu linh động cũng như với thói quen gọi tắt, thường bỏ bớt chữ “trạm” của rất nhiều tiếp viên xe buýt, hành khách sẽ còn “ớn lạnh” đến đâu nếu nghe tiếp viên “hồn nhiên” xướng: “Cô bác nào ghé nhà xác không?”.

Cái giá của thu vé tự động

Trên địa bàn thành phố hiện nay đang có ngót nghét một chục tuyến buýt áp dụng phương thức thu vé tự động, điển hình là tuyến xe buýt số 59. Về nguyên tắc, đây là cách làm hiện đại và giúp làm gọn nhẹ bộ máy điều hành xe buýt do không cần phải có tiếp viên làm động tác xé vé, thu tiền hành khách.

Cách làm này ổn nếu như khách lên xe tại từng trạm chỉ 1-2 người, nhưng khi số khách lên cùng trạm đông, 5-7 người thậm chí 9-10 người chẳng hạn thì sự bất cập sẽ xuất hiện trên xe. Người viết bài này đã nhiều lần ngồi trên xe buýt mã số 59 và nhiều lần chứng kiến tại không ít trạm dừng, đặc biệt các trạm trên đường Nguyễn Tri Phương, do có quá đông hành khách cùng lên ở một trạm đồng thời lại bị bác tài giục lên mau để xe lăn bánh tiếp, nên khách hối hả lên, người sau đẩy người trước dấn sâu vào đuôi xe để rồi ngay sau đó lại hối hả chen ngược trở lại đầu xe chờ trả tiền, xé vé. Tình hình còn rối hơn nữa nếu đó là đoạn đường sầm uất, khoảng cách giữa các trạm không xa và trạm nào cũng có đông người cùng lên.

Vấn đề đặt ra là phải có sự chọn lựa. Nếu đã chọn hình thức thu vé tự động, thì nhà xe và ngành vận tải bằng buýt cũng phải mặc nhiên chấp nhận mất thêm, mất nhiều thời gian hành trình hơn so với cách dùng tiếp viên xe buýt. Thời gian mất thêm đó chính là thời gian cần thiết để hành khách tuần tự, trật tự từng người bước lên xe và xé vé trả tiền. Thiển nghĩ, chẳng thà mất thêm thời gian dừng lại ở mỗi trạm còn hơn hối khách lên mau rồi xảy ra hỗn độn bên trong xe buýt. Thời gian hành trình lâu hơn này có thể xem là một sự trả giá cho phương thức thu vé văn minh nhưng đó là một sự trả giá… bình thường.

Lên xuống xe là cả một… thử thách

Có một điều đáng buồn là dù đã được công luận phản ánh nhiều lần, tình trạng xe buýt không chịu dừng hẳn khi ghé trạm, không chịu ghé sát trạm mà thích dừng lưng lửng phía ngoài đường, đến nay vẫn chưa được khắc phục, chưa thấy có chuyển biến. Các bác tài không hiểu do bị sức ép thời gian hành trình hoặc muốn tiết kiệm tiêu hao nhiên liệu nên đa phần nếu không muốn nói là tất cả các xe buýt đều không tuân thủ quy định phải dừng hẳn xe lại mỗi khi ghé trạm. Hệ quả của việc xe buýt vừa chạy vừa đón khách lên hoặc trả khách xuống này là vô hình trung biến một động tác lên xuống xe đơn giản trở thành một thử thách, một pha hồi hộp, đặc biệt đối với phụ nữ, người lớn tuổi hoặc người bị khuyết tật ở chân.

Người ta rất khó nếu không muốn nói là không thể có thiện cảm được với xe buýt nếu cứ luôn phải ở trong tư thế đánh đu leo lên hoặc bị mất thăng bằng khi bước xuống chỉ vì xe buýt không chịu dừng hẳn lại ở trạm để đón trả khách.

THIỆN NHÂN

Theo SGGP

Bình luận (0)