Gia đình là nơi ta sinh ra, là mái trường đầu tiên, là điểm khởi phát số phận hay sự nghiệp, và cũng là cái đích cuối cùng của mỗi người. Cha, mẹ là những người thầy giáo đầu tiên của con cái. Vì vậy, bàn về việc gầy dựng và gìn giữ gia phong, tức là nói đến giáo dục gia đình – nền tảng của giáo dục xã hội – với những điều tốt đẹp nhất.
Ảnh minh họa. Ảnh: I.T |
“Gia phong” là phong cách, là nếp sống của mỗi gia đình. Với nghĩa ấy, có những gia đình có nếp sống tốt đẹp, nhưng cũng có những gia đình có nếp sống xấu. Thông thường, “gia phong” được dùng theo nghĩa tốt – tức là nếp nhà, là kỷ cương, nếp sống tốt đẹp có tính truyền thống của mỗi gia đình. Gầy dựng và gìn giữ gia phong là một vấn đề lớn và bức thiết, để cho mỗi gia đình Việt Nam vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thích ứng với cuộc sống hiện đại, nhằm nâng cao phẩm giá con người Việt Nam, đưa tầm vóc dân tộc ta sánh ngang với các dân tộc tiến bộ và văn minh trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có tốt, thì xã hội mới tốt”. Bác Hồ hết sức coi trọng vấn đề giáo dục con người, mà trước hết phải là giáo dục từ trong gia đình! Người nhận định: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Nhật ký trong tù, bản dịch). Bà Nguyễn Thị Bình, cựu Phó Chủ tịch nước, cũng nói về vai trò của gia đình: “Nói đến đạo đức xã hội, không thể không đề cập đến vấn đề gia đình. Trong lúc các nước phương Tây, sau một thời gian dài đề cao tự do cá nhân, cũng bắt đầu nhận thấy rằng vai trò của gia đình là rất quan trọng cho ổn định xã hội và phát triển bền vững của đất nước. Nhưng ở nước ta lại xuất hiện hiện tượng xem nhẹ trách nhiệm gia đình”.
Từ xưa đến nay, có nhiều gia đình có nếp sống tốt đẹp. Các giá trị đạo đức – văn hóa như: nhân ái, hiếu học, thông minh, sáng tạo, cần cù lao động, sống giản dị, khiêm tốn, tôn trọng đạo lý và pháp luật… được các bậc ông bà, cha mẹ có đức, có nhân dạy bảo con cháu đến nơi đến chốn, đời này truyền đến đời kia. Nhiều gia đình có mức sống bình thường, thậm chí nghèo túng, vẫn nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi, nhiều người có bằng cấp cao và thành đạt, hiển vinh. Nhiều cụ ông, cụ bà mẫu mực luôn luôn răn dạy con cháu: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, biết làm những điều nhân nghĩa, biết sống chân thực, thủy chung. Có gia đình, do cần cù, sáng tạo mà biết làm giàu chính đáng. Những gia đình như thế đều trên thuận, dưới hòa, sống tương thân tương ái. Những người sống trong các gia đình có gia phong thường là những người tử tế: ở nhà thì hiếu thảo, ra ngoài xã hội thì nhã nhặn, lịch sự, văn minh. Họ luôn luôn giữ được nếp nhà tốt đẹp. Những gia đình ấy là những gia đình gia giáo, được mọi người kính trọng.
Tuy nhiên, có rất nhiều gia đình sống không nền nếp, bất hòa, vi phạm các chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, không tuân thủ pháp luật – nhất là trong thời kỳ “mở cửa” về kinh tế – xã hội và hội nhập ngày nay.
Gia phong bắt nguồn từ sự giáo dục con cái một cách nghiêm túc và đúng đắn của mỗi gia đình, từ lòng tự tôn và tự trọng chính đáng của mỗi người về gia đình, dòng họ, quê hương và bản thân mình! Có thể gầy dựng được gia phong – khi các bậc ông bà, cha mẹ sống lương thiện, gìn giữ kỷ cương gia đình và luôn luôn biết làm gương tốt cho con cháu noi theo. Gia phong Việt Nam thời hiện đại, bên cạnh những yếu tố truyền thống, tất yếu phải điều chỉnh, bổ sung những giá trị mới, như dạy cho con cháu tinh thần ham mê khoa học, ham tiến bộ, bồi dưỡng tính tự lập, lòng tự trọng, mạnh dạn, sáng tạo, tự tin hòa nhập với cộng đồng dân tộc và thế giới; tinh thần tôn trọng pháp luật…
Trong bối cảnh ấy, việc gầy dựng và gìn giữ gia phong càng phải là yếu tố tiên quyết để “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” như Bác Hồ đã dạy, nhằm nâng cao chất lượng con người, chất lượng nền văn hóa dân tộc và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Đào Ngọc Đệ
(Giảng viên chính – Đại học Hải Phòng)
Bình luận (0)