Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh đang thực hành thí nghiệm |
Môn vật lý rất dễ gây sự thích thú cho học sinh (HS). Bởi đặc thù của bộ môn này luôn có những tiết thực hành thí nghiệm. Đây cũng chính là “sân chơi” gợi mở ở HS nguồn sáng tạo và niềm đam mê khám phá. Vậy làm thế nào để gây hứng thú và sự say mê học tập không riêng với bộ môn này mà còn ở nhiều bộ môn khác?
Vai trò người thầy
Người thầy không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức mà trên hết là tạo sự hưng phấn, niềm đam mê học tập nơi HS. Theo cô Hồ Thị Thanh Nhựt, giáo viên (GV) vật lý Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM: “Người thầy phải không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng truyền đạt kiến thức đến HS. Bên cạnh đó, người thầy phải luôn lắng nghe, thu thập những phản hồi từ phía HS”. Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, không ít GV còn lúng túng trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Một số GV chưa gây được sự hứng thú, chưa phát huy tính tự chủ, sáng tạo của HS. Một GV THPT nói: “Thực trạng HS còn học vẹt, quen với kiểu đọc – chép hay học thuộc lòng quá phổ biến. GV muốn uốn nắn phải mất rất nhiều thời gian. Nhưng việc làm này cần đồng bộ, GV bộ môn này làm nhưng GV bộ môn khác không làm cũng rất khó. Thêm vào đó phòng học quá đông HS, phòng thí nghiệm thiếu dụng cụ và trang thiết bị thí nghiệm. Rồi phân phối chương trình vẫn còn bất cập. Tất cả những yếu tố này ít nhiều ảnh hưởng đến việc dạy và học, đăc biệt là bộ môn vật lý”. Không thể phủ nhận ý kiến trên, vì một số bài dạy bộ môn vật lý bắt buộc phải có đồ dùng dạy học. Ví dụ bài Định luật bảo toàn momen động lượng (Vật lý 12 thí điểm phân ban). Trong sách GV hướng dẫn cho HS thí nghiệm bằng cách ngồi trên ghế xoay, hai tay cầm hai quả tạ. Thí nghiệm này sẽ không thực hiện được nếu không có ghế xoay. Và ghế xoay không phải trường nào cũng có. Đòi hỏi người GV vừa lo soạn bài, chấm bài lại vừa lo đồ dùng dạy học, vô tình tạo thêm khó khăn. Tuy nhiên theo ý kiến của cô Hồ Thị Thanh Nhựt: “Theo tôi, người GV không nhất thiết phải rập khuôn và gói gọn kiến thức trong sách giáo khoa (SGK). GV phải biết chủ động hướng dẫn cho HS nắm bắt những kiến thức cơ bản trong SGK và mở rộng những kiến thức mới rất cần với cuộc sống mà SGK chưa đề cập đến. Tôi nghĩ, đây chính là năng lực và bản lĩnh của người GV”.
Học sinh là chủ đạo
Từ lâu nay, HS luôn mang nặng tư tưởng đến lớp chỉ để nghe giảng bài, chép bài và làm bài. Việc tham gia bài giảng cùng với GV, các em nghĩ rằng không đúng. Đó là suy nghĩ hoàn toàn sai. Thực ra, người GV không đóng vai trò chủ đạo trong tiết học mà chỉ có nhiệm vụ quản lý tiết học và gợi mở nhằm giúp HS tham gia, tiếp thu tốt bài học. Học trò đóng vai trò chủ đạo trong suốt tiết học. Cô Tống Thị Thiều Hương, GV môn ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thái Bình, TP.HCM đã chia HS ra từng nhóm nhỏ nhằm tạo sự thi đua giữa các em. Em Nguyễn Thị Thùy Trang, HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM nói: “Chúng em muốn làm chủ giờ học. Ở trường em, việc phân nhóm trong các tiết học ở các bộ môn đã diễn ra từ rất lâu (tùy nội dung bài học). Cách làm này tạo cho chúng em sự hứng thú, tập trung hơn trong việc học”. Không riêng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, một số trường như THPT: Lê Quý Đôn, Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Gia Định, Võ Thị Sáu, Thanh Đa, Nguyễn Hiền, Marie Curie… và ngay cả những trường xa như THPT: Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Hữu Huân, Thủ Đức, Tam Phú, Trung Phú, Củ Chi, Quang Trung, Lê Minh Xuân… cũng đã thực hiện từ khá lâu. Có trường còn sắp xếp bàn ghế lớp học theo từng cụm ô hình vuông. Tuy vậy, kết quả vẫn chưa làm nhiều người hài lòng.
Tạo sự hứng thú và lòng say mê học tập cho HS là mong muốn của nhiều cán bộ quản lý và GV. Tuy nhiên để thực hiện tốt việc này, đòi hỏi cần đầu tư thật đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học. Nhưng trên hết, người GV phải mạnh dạn vứt bỏ các phương pháp mang nặng tính từ chương và lỗi thời, HS phải ý thức tốt chuyện học hành đúng với vai trò lẫn trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và nhà trường.
T.T.Q
Bình luận (0)