Không chỉ có chức năng nhận biết tín hiệu đèn giao thông, cảnh báo vật cản, gậy thông minh còn báo hiệu cho người thân biết được vị trí người sử dụng gậy để đến hỗ trợ kịp thời khi có sự cố.
Cô Lê Thị Thúy cùng nhóm nghiên cứu giới thiệu cây gậy thông minh
Gậy thông minh là sản phẩm của hai học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) – Nguyễn Hữu Quốc Trung (học lớp 11A2) và Đỗ Anh Kiệt (học lớp 11A8).
Tình thương dành cho người già, người khuyết tật
Người khuyết tật hay người già thường gặp khó khăn trong việc di chuyển. Dù họ luôn được những người xung quanh hỗ trợ khi đi đường nhưng đôi lúc không tránh khỏi được sự nguy hiểm, nhất là khi đến những ngã tư có đèn tín hiệu giao thông hoặc qua đường. Đã có không ít trường hợp người khuyết tật, người già gặp tai nạn khi đi đường một mình, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Từ thực tế ấy, Quốc Trung và Anh Kiệt đã nhờ cô Lê Thị Thúy (giáo viên môn công nghệ của trường) tư vấn và nghiên cứu mô hình “Gậy dẫn đường thông minh công nghệ OCR”. Cô Thúy cho biết, khi Quốc Trung và Anh Kiệt bày tỏ mong muốn làm gậy thông minh giúp đỡ người già, người khuyết tật, cô rất xúc động. Bởi ở lứa tuổi các em, việc vận dụng kiến thức đã học trong sách vở vào thực tế là điều đáng được hoan nghênh. Vì vậy, cô đã dành thời gian hỗ trợ, tư vấn cho các em để cho ra đời sản phẩm tốt nhất với chi phí không quá đắt, bất cứ ai cũng có thể sử dụng. Những ngày đầu, Quốc Trung và Anh Kiệt đôn đáo tìm linh kiện sao cho phù hợp với sản phẩm. Các bộ phận cảm biến tìm rất khó nên hai em phải dành nhiều thời gian tìm kiếm trên các trang thương mại điện tử, chợ linh kiện điện tử, cửa hàng bán đồ cũ và những nơi sửa chữa đồ điện tử. Có những ngày Quốc Trung và Anh Kiệt phải hì hục nghiên cứu đến khuya, làm đi làm lại nhiều lần nhưng liên tục hỏng. Lúc bất mãn nhất, hai em vỗ vai nhau động viên quyết tâm cùng song hành và tin rằng mọi thứ sẽ ổn.
Gậy dẫn đường thông minh công nghệ OCR
Sau nhiều ngày nỗ lực nghiên cứu, Quốc Trung và Anh Kiệt đã cho ra sản phẩm đầu tay. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên sản phẩm đầu tiên nhìn còn khá thô sơ, chưa thẩm mỹ và thiếu chức năng. “Cây gậy ban đầu không thể di chuyển lên xuống. Bên cạnh đó chi phí làm nên cây gậy lại khá cao. Chúng em thấy như vậy không ổn nên đành… xé nháp làm lại. Để có được cây gậy như hiện tại là cả một quá trình đầy gian nan, thử thách”, Anh Kiệt cho biết. Nói về lý do chọn công nghệ OCR làm sản phẩm, Quốc Trung và Anh Kiệt cho biết, OCR tạm dịch có nghĩa là nhận dạng ký tự quang học. Đặc biệt, công nghệ OCR có thể đọc được nhiều tài liệu khác nhau như hóa đơn, hộ chiếu, danh thiếp… Với công nghệ này giúp người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị nhận biết được thông tin qua những hình ảnh trên đường.
Đảm bảo an toàn cho người sử dụng
Qua tư vấn của cô Thúy, Quốc Trung và Anh Kiệt đã thay đổi cách làm, sử dụng các vật liệu tối ưu hơn để làm cây gậy. “Chúng em nghĩ mình tận dụng cây dù đã qua sử dụng sẽ phù hợp hơn nhưng cuối cùng không thể di chuyển lên xuống. Sau đó, chúng em đổi vật liệu khác gồm: Ống nước mua ở tiệm, giấy các-tông sẵn có, một camera cùng một số linh kiện lặt vặt; trong đó, camera có giá cao nhất. Tổng chi phí để làm nên cây gậy thông minh khoảng 3 triệu đồng. Với giá thành này, ai cũng có thể mua về sử dụng”, Quốc Trung chia sẻ.
Đỗ Anh Kiệt (phải) và Nguyễn Hữu Quốc Trung đang tìm cách cải tiến sản phẩm
Theo Quốc Trung và Anh Kiệt, “Gậy dẫn đường thông minh công nghệ OCR” hiện tại gồm 2 phần: Phần trên có camera nhận biết đèn tín hiệu giao thông và phần hệ thống cảm biến các vật cản. “Khi người dùng di chuyển, camera của cây gậy sẽ ghi nhận thông tin, sau đó phát tín hiệu báo cho người sử dụng để tuân thủ Luật Giao thông. Còn phần cảm biến vật cản giúp người dùng tránh những vật cản trên đường, không bị vấp ngã”, Quốc Trung cho hay. Điểm đặc biệt của cây gậy còn có hệ thống định vị GPS (xác định vị trí) kết nối với điện thoại thông minh nhằm hỗ trợ người thân có thể giúp đỡ, quản lý vị trí người dùng từ xa. Bên trong thân gậy có thiết kế khe lắp sim giúp gửi các trạng thái sử dụng về điện thoại như số kilômét đã di chuyển, dung lượng pin… “Hiện tại, cây gậy thông minh dùng pin. Chúng em đang nghiên cứu để có thể sử dụng năng lượng mặt trời. Được như vậy sẽ rất tiện lợi, người dùng không cần phải sạc pin nữa”, Anh Kiệt cho biết. Theo cô Thúy, cây gậy thông minh do Quốc Trung và Anh Kiệt sáng chế có sự kết hợp từ kiến thức vật lý, tin học và cả công nghệ. Thông qua cây gậy, các em không chỉ ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế mà còn giúp được người già, người khuyết tật.
Với khả năng ứng dụng cao, “Gậy dẫn đường thông minh công nghệ OCR” từng đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học như: Giải ba cuộc thi Tin học Trẻ lần thứ 31 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức; giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2022 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức; lọt vào vòng chung kết cuộc thi Thiết kế, sáng tạo sản phẩm công nghệ dành cho người khuyết tật do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ Trẻ tổ chức. Mới đây, sản phẩm trên được cử tham dự cuộc thi Tin học Trẻ toàn quốc năm 2022 diễn ra tại tỉnh Hậu Giang.
“Thời gian tới, chúng em tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu thêm tính năng cho gậy thông minh. Chúng em sẽ cố gắng hết sức mình để giúp những người già, người khuyết tật trong xã hội”, Quốc Trung và Anh Kiệt chia sẻ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)