Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gãy xương đùi là một chấn thương nặng

Tạp Chí Giáo Dục

Với tình hình tai nạn giao thông tăng cao như hiện nay thì các loại gãy xương đều tăng. Trong số các hãy xương hay gặp thì gãy xương đùi là chấn thương nặng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được xử trí kịp thời.
Gãy xương đùi là một chấn thương nặng 
Xương đùi gãy đã được đóng đinh nội tủy và cách sơ cứu cố định đơn giản cho nạn nhân bị gãy xương đùi

Xương đùi là xương to nằm giữa vùng háng và gối. Xương đùi được khối cơ rất lớn bao xung quanh. Đây là lợi điểm mà cũng là yếu điểm.

Lợi điểm của khối cơ bao xung quanh xương đùi là nguồn cung cấp máu dồi dào cho xương đùi nên xương đùi dễ lành hơn hai xương cẳng chân khi bị gãy. Lợi điểm thứ hai là gãy hở xương đùi ít khi bị thiếu cơ che phủ nên ít khi phải làm vạt da che phủ xương như hai xương cẳng chân.

Điểm yếu của khối cơ là khi xương đùi gãy hay bị di lệch do khối cơ co kéo nên ít khi nắn bó bột được, phải mổ đóng đinh hay làm nẹp vít để cố định xương gãy. Điểm yếu thứ hai là khi xương đùi gãy di lệch sẽ chọc vào khối cơ, gây ra tình trạng giập nát cơ làm chảy máu rất nhiều. Chảy máu và đau sẽ làm bệnh nhân dễ bị sốc và tử vong nếu không được cấp cứu đúng cách.

Ngoài ra, bệnh nhân gãy xương đùi còn có thể bị viêm tắc tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi, có thể bị tử vong vì biến chứng này.

Tai nạn không ai có thể lường trước được. Nếu chúng ta thấy nạn nhân bị tai nạn giao thông mà đùi bị vẹo đi hoặc cong queo thì cần phải cấp cứu cố định trước khi di chuyển nạn nhân. Tránh tình trạng vì quá nhiệt tình mà khiêng bệnh nhân lên xe máy hoặc xe hơi để chuyển đi mà chưa sơ cứu cố định.

Cách cố định cũng rất đơn giản, có thể dùng vật cứng, dùng áo hoặc dây cột đùi bị gãy vào vật cứng và đùi bên kia hoặc dùng 2-3 nẹp đặt suốt chiều dài đùi từ gót chân lên đến vùng hông lưng của nạn nhân và cột bằng dây.

Phương pháp xử trí gãy xương đùi thường là phải mổ kết hợp xương bằng đinh đóng trong lòng tủy hay làm nẹp vít.

Đây là cuộc mổ lớn nên thường phải chuẩn bị mọi thứ thật kỹ càng trước khi mổ. Do vậy người nhà nạn nhân cũng không nên quá nôn nóng nếu thấy bác sĩ giải thích mổ nhưng vẫn chưa được mổ liền. Đây là loại mổ cấp cứu trì hoãn hoặc có thể mổ chương trình, nên nhất thiết phải chuẩn bị mọi thứ thật cẩn thận.

Biến chứng trong và sau khi mổ có thể là tình trạng tắc mạch máu do mỡ hoặc biến chứng thuyên tắc phổi do cục máu đông ở chân chạy lên phổi, nhất là những người già, người có viêm tĩnh mạch, phụ nữ đang dùng thuốc ngừa thai…

Không ai muốn tai nạn xảy ra. Tốt nhất là nên phòng ngừa. Nếu đã bị gãy xương đùi, bạn nên được đưa đến bệnh viện có chuyên khoa chấn thương để được điều trị kịp thời.

 

TS TĂNG HÀ NAM ANH (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)