Thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ Sở GD-ĐT TP.HCM lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 là kết quả của phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, tập trung trí tuệ thảo luận và nhất trí thông qua các báo cáo do Ban Chấp hành Đảng bộ Sở khoá VI trình Đại hội và đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo văn kiện của TP trình Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, văn kiện của Trung ương trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đảm bảo tính trung thực, thẳng thắn, khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội đã đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân của những ưu, hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở GD-ĐT trong 5 năm qua; từ đó, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn phát triển 5 năm tới.
Bước vào nhiệm kỳ mới, Báo Giáo dục TP.HCM có buổi trao đổi với Bí thư Đảng ủy Sở GD-ĐT TP.HCM (nhiệm kỳ 2020-2025) Nguyễn Văn Hiếu xung quanh vấn đề này.
Bí thư Đảng ủy Sở GD-ĐT TP.HCM (nhiệm kỳ 2020-2025) Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Sở GD-ĐT TP.HCM lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025
+ PV: Thưa ông, từ thành công của Đại hội Đại biểu Đảng bộ Sở GD-ĐT nhiệm kỳ 2020-2025, bước vào nhiệm kỳ mới, Đảng bộ Sở GD-ĐT đề ra những phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ gì?
Bí thư Đảng ủy Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu: Đại hội đề ra các mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2025, trong đó, phấn đấu đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi); 80% trường tiểu học được học 2 buổi/ngày, 60% trường THCS và 80% trường THPT học 2 buổi/ngày trên mỗi quận, huyện; 90% trẻ từ 3 tuổi học mẫu giáo; 99% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non không suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi; giảm tỷ lệ trẻ em béo phì còn dưới 10%. Có ít nhất 24 trường ở mỗi bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT thực hiện theo mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập.
Về chất lượng đội ngũ, đến năm 2025, 90% giáo viên mầm non tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, 95% giáo viên tiểu học, THCS và 100% giáo viên THPT có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.
Về trình độ ngoại ngữ và tin học, đến năm 2025, 50% học sinh TP sau khi tốt nghiệp THPT đạt được trình độ ngoại ngữ bậc 2 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, 30% học sinh phổ thông có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế, 90% học sinh tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, 30% học sinh có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế.
Và đến năm 2025, 100% các trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Sở công bố chuẩn đầu ra và thực hiện đúng cam kết chuẩn đầu ra, có 80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp ngành nghề đào tạo, có ít nhất 30% mã ngành đào tạo ở các trường công lập được công nhận là mã ngành trọng điểm.
Trong công tác xây dựng Đảng, Đại hội đề ra đến năm 2025, 100% trường học công lập các cấp đều có chi bộ độc lập, tỷ lệ đảng viên toàn ngành đạt 30% trở lên; kết nạp 25% đảng viên mới, trong đó quan tâm kết nạp đảng viên trong học sinh, sinh viên.
Trong công tác cải cách hành chính, tối thiểu 80% thủ tục hành chính đều được thực hiện theo Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 – 4, kết nối với Cổng Dịch vụ công trực tuyến quốc gia và TP. 100% các đơn vị cơ sở giáo dục kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của toàn Ngành. Hàng năm, kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện thủ tục hành chính và tỷ lệ hài lòng chung của người dân đối với dịch vụ giáo dục công đạt 90% trở lên.
Bên cạnh đó, sẽ thực hiện 19 chương trình, đề án phát triển giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó có các chương trình như: Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tiếng Anh tăng cường; Dạy Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam; Mô hình Trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.
Và các đề án: Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế; Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 – 2030… Đặc biệt, tiếp tục thực hiện Đề án Xây dựng Mô hình trường học tiên tiến thí điểm tại 5 trường THPT là: THPT Chuyên Lê Hồng Phong, THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Hiền và THPT Nguyễn Du; Đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TP.HCM theo định hướng chuẩn Quốc tế giai đoạn 2020 – 2030”; Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
+ Nhiệm kỳ 2015-2020, GD-ĐT TPHCM đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, nhưng vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Đây sẽ là khó khăn, thách thức tác động không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Sở GD-ĐT ở nhiệm kỳ mới. Đảng bộ sẽ khắc phục khó khăn như thế nào để đạt được các mục tiêu cụ thể mà Đại hội đã đề ra, thưa ông?
Có thể thấy, GD-ĐT TP.HCM thời gian qua đã đạt được những thành tựu to lớn, nâng cao dân trí, góp phần vào những thành tựu chung của thành phố. Nhưng cũng phải nhìn nhận còn một số tồn tại, hạn chế như: tư duy trong công cuộc đổi mới nhà trường, chất lượng, tốc độ phát triển GD-ĐT và nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập của thành phố.
Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất còn chậm, nhất là các địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao, chưa theo kịp sự gia tăng dân số và yêu cầu phát triển của các ngành học, bậc học; công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, có yếu tố nước ngoài chưa có cơ chế hiệu quả.
Chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn hạn chế; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên vẫn còn thiếu, một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập. Công tác quản lý còn tồn tại một số bất cập, thiếu sót cần rút kinh nghiệm. Một số hạn chế trong công tác xây dựng Đảng còn chậm khắc phục.
Từ sự phân tích khoa học, thực tiễn kết quả đạt được và dự báo tình hình những năm sắp tới, Đảng bộ Sở sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở đối với cơ sở đảng, đảng viên và các đơn vị trực thuộc nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh những khuyết điểm, vi phạm. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm công dân của học sinh đối với cộng đồng, xã hội; gắn giáo dục tri thức, đạo đức với giáo dục truyền thống văn hóa, giáo dục thể chất; rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống.
Giờ học của thầy trò Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú) – Trường thực hiện Mô hình Trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế
Trong công tác quản lý, đổi mới công tác quản trị, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục; tập trung các giải pháp đột phá trong công tác cải cách hành chính nhằm nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công giáo dục. Đổi mới phương pháp giáo dục ở tất cả các cấp học thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và dạy học ở các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp.
Phát triển đội ngũ nhà giáo đủ chuẩn chất, đáp ứng cao nhất nhu cầu của sự nghiệp GD-ĐT trong tình hình mới, trong đó chú trọng phát triển cán bộ quản lý từ cấp thành phố đến cơ sở có đủ năng lực, trình độ, kỹ năng quản trị, phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh thích ứng trước những thách thức và đòi hỏi, sự quan tâm của xã hội.
Đảng bộ Sở tiếp tục lãnh đạo để tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố kịp thời ban hành chính sách, tăng cường đầu tư, khuyến khích nguồn lực xã hội đầu tư mở rộng hệ thống trường lớp, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật trên cơ sở hoàn thiện, cập nhật quy hoạch hệ thống trường lớp phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội, đô thị hóa và sự gia tăng dân số cơ học với tinh thần sẻ chia, vì cả nước, cùng cả nước và các địa phương; chủ động tham mưu giải quyết các khó khăn và bất cập về nhu cầu trường lớp trong ngắn hạn trước mắt và lâu dài.
+ Vậy làm sao để đưa Nghị quyết Đại hội thực sự đi vào cuộc sống, thưa ông?
Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI xác định trong mục tiêu tổng quát đến năm 2025, tầm nhìn 2030, là phải “không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh” và “là một trung tâm kinh tế, văn hóa, GD-ĐT và khoa học – công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á”.
Do đó, quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội thực sự đi vào cuộc sống, các cấp uỷ và tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết Đại hội đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội, cần tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với các kế hoạch phát triển đã được Thành phố phê duyệt và tình hình thực tế của từng đơn vị. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, cần xác định nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện, tránh dàn trải; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện để có giải pháp thúc đẩy kịp thời, năng động, sáng tạo, tạo ra sự bứt phá.
Đại hội kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức toàn ngành tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ là đoàn kết vượt mọi khó khăn, thách thức, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng bộ Sở đã đề ra.
+ Xin cảm ơn ông!
P.V
Bình luận (0)