Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

GD-ĐT TP.HCM: Vững bước trên đường hội nhập

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đang trò chuyện với những thủ khoa tốt nghiệp THPT 2009. Ảnh: T.T.Q

Trong không khí nô nức chào đón năm mới 2010 – năm Canh Dần, Báo GiáoDục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM ông Lê Hoàng Quân về những thành tựu ngành GD-ĐT thành phố đã đạt được. Đồng thời ghi nhận những ý kiến chỉ đạo của ông liên quan đến sự phát triển của GD-ĐT TP trong thời gian tới.
PV: Là người lãnh đạo cao nhất UBND TP, ông đánh giá như thế nào về sự nghiệp GD-ĐT của thành phố trong năm vừa qua?
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân: Trong năm qua, tình hình phát triển kinh tế – xã hội có những khó khăn nhất định nhưng sự nghiệp GD-ĐTvẫn giữ vững và phát triển, đáp ứng yêu cầu của xã hội, đảm bảo được chỗ học đạt chất lượng cho con em nhân dân. Chất lượng đào tạo được giữ vững và từng bước được nâng cao không những ở tỉ lệ lên lớp, tỉ lệ tốt nghiệp mà GD-ĐT thành phố đã rất quan tâm tổ chức giáo dục toàn diện cho học sinh. Chất lượng đạo đức, thể chất, thẩm mỹ và định hướng lao động của học sinh được nâng cao theo mục tiêu đào tạo của nhà trường. Phong trào đổi mới phương pháp dạy học được phát triển rộng khắp ở tất cả các ngành học và cấp học, tận dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức quản lý và dạy học, thu hút học sinh đến trường, chống lưu ban bỏ học hiệu quả; nâng cao trình độ nghiệp vụ của thầy, cô giáo nhằm tiếp cận với những tiêu chí giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới.
Công tác phổ cập giáo dục được duy trì, củng cố và đã thực hiện đạt chuẩn phổ cập bậc trung học 24/24 quận, huyện, góp phần nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực của thành phố, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII đề ra.
GD-ĐT thành phố cũng đã sớm triển khai chương trình phổ cập tin học và ngoại ngữ cho thanh – thiếu niên. Đây là một yêu cầu hết sức cần thiết đối với sự phát triển của địa phương trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và thực hiện chủ trương hội nhập.
Xã hội ghi nhận nhiều mặt thành tựu của ngành GD-ĐT, vậy với ông điều tâm đắc nhất đối với GD-ĐT trong năm qua là điều gì?
Như tôi đã nói ở trên, trong điều kiện kinh tế có khó khăn nhưng ngành GD-ĐT thành phố đã phát huy được những truyền thống vốn có của địa phương, quy mô và chất lượng của ngành vẫn phát triển. Đặc biệt, ngành GD-ĐT thành phố đã chủ động xây dựng thành công những mô hình tiên tiến ở các bậc học để thực hiện chủ trương hội nhập khu vực và quốc tế. Dư luận xã hội thường băn khoăn GD-ĐT nước nhà tại sao phát triển chậm chạp, nặng nề, phương pháp dạy học lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội ngày nay! Mô hình nhà trường tiên tiến mà ngành GD-ĐT thành phố xây dựng đã được trả lời một cách rõ ràng sự băn khoăn nói trên. Đó là cần thiết phải có thiết chế tổ chức nhà trường phù hợp, sĩ số trong lớp ít (dưới 30 HS/lớp), học sinh được tổ chức học tập và hoạt động cả ngày trong trường, trang thiết bị đầy đủ cho học sinh tự học, gắn bó chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành và thầy, cô giáo phải thực hiện dạy học cá thể, giáo viên phải chăm sóc từng em học sinh, gợi mở, hướng dẫn và tổ chức cho các em hoạt động để tự chiếm lĩnh tri thức và rèn luyện kỹ năng. Với thiết chế nhà trường được tổ chức như vậy thì chính đội ngũ thầy, cô giáo Việt Nam có thể tổ chức đổi mới nhà trường thành công để đạt chuẩn quốc tế, để chúng ta có nền giáo dục chất lượng cao phục vụ cho con em nhân dân không cần phải vay mượn hoặc thụ động chờ đợi. Đó là điều tôi tâm đắc nhất.
Như vậy xin ông cho biết những thuận lợi cơ bản của ngành và khó khăn còn gặp phải?
Trước hết chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo sâu sát đối với sự nghiệp GD-ĐT thành phố, đây là thuận lợi rất cơ bản. Tiếp đến là sự quan tâm của các cấp ủy và chính quyền thành phố và quận, huyện; phường, xã, thị trấn đã định hướng đúng đắn để phát triển sự nghiệp GD-ĐT trong giai đoạn đổi mới hiện nay. Bên cạnh đó là sự quan tâm của gia đình, của phụ huynh học sinh và sự nỗ lực, sáng tạo hiệu quả của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên thành phố với trên 75 ngàn giáo viên ở các bậc học và ngành học từ mầm non đến giáo dục chuyên nghiệp; thầy, cô giáo đã đoàn kết và tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức và năng lực sư phạm, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nền giáo dục của thế giới; phấn đấu vượt ra khỏi nề nếp, thói quen của quan điểm sư phạm phong kiến áp đặt, từ chương nặng nề.
Khó khăn chính hiện nay trên bước đường hội nhập của GD-ĐT thành phố là vấn đề cơ sở vật chất trường lớp, mâu thuẫn giữa mức đầu tư và yêu cầu chất lượng, mâu thuẫn giữa yêu cầu sư phạm đổi mới hiện nay và hệ quả đào tạo sư phạm vốn có.
Vậy, thưa ông những biện pháp nào thành phố cần tập trung chỉ đạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trên?
Những tồn tại nói trên chính là những nội dung cần tập trung chỉ đạo giải quyết để GD-ĐT thành phố phát triển.
– Về cơ sở vật chất từ năm 1999, năm giáo dục của thành phố, lãnh đạo đã quyết định đầu tư 20% ngân sách xây dựng cơ bản để xây dựng trường học theo cơ chế phân cấp, công tác quản lý xây dựng về quận, huyện. Năm 2003, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch trên toàn thành, làm cơ sở quy hoạch cho các quận, huyện vẽ bản đồ quy hoạch dành đất xây dựng trường học tại địa phương. Với cơ chế ấy, hàng năm TP.HCM có được hàng ngàn phòng học mới để không những đảm bảo chỗ học cho mọi con em nhân dân mà còn giảm sĩ số trong lớp và tăng số học sinh học 2 buổi trong ngày.
Tuy vậy, so với yêu cầu hội nhập quốc tế và số lượng học sinh nhập cư hiện nay, tiến độ xây dựng trường lớp nói trên thì các quận, huyện và các ban ngành liên quan trong năm mới phải phấn đấu tích cực.
– Cơ chế tự chủ nhà trường theo tinh thần Nghị quyết 05/2005/NQ-CP và Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ đã tháo gỡ những khó khăn về đầu tư và thực hiện cụ thể hơn chủ trương xã hội hóa giáo dục. Nhưng trong thời gian qua, chủ trương này cần phải tập trung nhiều hơn trong năm mới.
– Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã được ngành GD-ĐT thực hiện tốt trong thời gian qua. Trong năm 2010 và những năm tiếp theo, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các ban ngành liên quan tạo điều kiện tốt hơn nữa cho ngành thực hiện nhiệm vụ này, nhằm đảm bảo tốt yêu cầu Chỉ thị 40-CT/TW của Trung ương về xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa thời hội nhập.
Xuân Canh Dần đã đến, ông có nhắn nhủ gì với đội ngũ cán bộ quản lý và các thầy cô giáo thành phố?
Lãnh đạo thành phố đánh giá rất cao sự đóng góp tích cực về công sức và trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên ngành GD-ĐT thành phố trong nhiều năm qua. Năm 2010, với xu thế hội nhập và đất nước phát triển, tôi mong quý thầy, cô giáo cùng các bậc phụ huynh học sinh vì thế hệ trẻ, vì sự nghiệp trồng người, hãy đoàn kết, quyết tâm vượt qua thử thách tận dụng thời cơ tốt để sự nghiệp GD-ĐT thành phố tiếp tục phát triển.
Nhân dịp xuân về, thay mặt Thành ủy, UNBD thành phố, tôi chúc quý thầy, cô giáo, cán bộ quản lý, công nhân viên ngành GD-ĐT thành phố, phụ huynh và các cháu học sinh một năm mới hạnh phúc và thành công.
Xin cảm ơn ông!
Trần Thanh Quang (thực hiện)

Bình luận (0)