Sự kiện giáo dụcTin tức

GDMN cho trẻ 5 tuổi ở Cần Thơ: Rối bời chuyện phổ cập

Tạp Chí Giáo Dục

Thành phố Cần Thơ đã triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non (MN) trẻ 5 tuổi, với một lộ trình được chuẩn bị để hoàn thành vào năm 2015. Đề án cũng đề ra giải pháp nhằm khắc phục những vấn đề “nóng” của ngành học này. Tuy nhiên, để đạt những mục tiêu đề ra, vẫn còn những điều cần bàn…
Phòng học, giáo viên: đụng đâu thiếu đó
Căn cứ theo tiêu chuẩn, ngoài quận Ninh Kiều, 8 quận – huyện còn lại đăng ký hoàn thành mục tiêu phổ cập vào năm 2014 hoặc 2015… hiện đang gặp nhiều khó khăn đối với ngành học MN… Không chỉ ở khu vực ngoại thành, vùng sâu, ngay quận Cái Răng, dù địa bàn kề cận quận Ninh Kiều nhưng cơ sở vật chất chỉ đủ cho 57,7% trẻ MN trên địa bàn ra lớp, trong đó số phòng học nhờ trường tiểu học hoặc mượn nhà dân chiếm gần một nửa. Toàn quận chỉ có 6 lớp được học 2 buổi/ ngày. Phường Thường Thạnh chưa có cơ sở riêng, 7 điểm dạy hoặc nơi làm việc của Ban giám hiệu phải mượn ở trường tiểu học, nhà dân hoặc nhà thông tin ấp!
Theo số liệu của Sở GD-ĐT Cần Thơ, nếu tính theo số trẻ trong độ tuổi và căn cứ vào quy chuẩn trường MN để đáp ứng tiêu chí phòng lớp (không kể hàng trăm phòng học tạm, phòng bị xuống cấp nặng), Cần Thơ còn thiếu 700 phòng học và thiếu gần 400 giáo viên. Hiện 13 xã phường chưa có trường mầm non; 12 trường chưa có cơ sở vật chất riêng; những trường này phải mượn đình, chùa, trường tiểu học, nhà dân để hoạt động. Giáo viên không thể trang trí phòng lớp theo đặc trưng ngành học hoặc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Trẻ chịu thiệt thòi nhiều mặt. Bên cạnh đó có những trường có đến 20 điểm lẻ, các điểm cách nhau khá xa; trong năm học nhiều hiệu trưởng cố gắng lắm cũng chỉ “ghé” đến mỗi điểm lẻ của trường một lần để kiểm tra, uốn nắn, hỗ trợ chuyên môn… Còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự giác và ý thức trách nhiệm trong chuyên môn của giáo viên đối với các cháu.
Theo kế hoạch từ đây tới năm 2015 Cần Thơ phải đào tạo mới, đào tạo đạt và trên chuẩn, cho 1.850 giáo viên nhưng để thu hút người học thì lại không đơn giản. Thời gian qua, ngoài số học viên do Trường CĐ Sư phạm Cần Thơ tuyển sinh và học tại trường, Sở GD-ĐT cho phép các quận, huyện chiêu sinh và phối hợp Trường CĐ Sư phạm Cần Thơ mở lớp đào tạo tại địa phương. Tuy nhiên, dù biết cơ hội việc làm của ngành mầm non rất cao nhưng do công việc vất vả, thu nhập lại thấp nên ngành học này chưa thu hút nhiều bạn trẻ. Năm 2010, Phòng GD-ĐT Cờ Đỏ được phân chỉ tiêu 80 để đào tạo tại huyện nhưng chỉ tuyển sinh được 50; tình trạng này cũng phổ biến tại các lớp đào tạo theo địa chỉ ở các quận, huyện khác. ThS. Trần Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT nêu: “Ngoài việc đề nghị các địa phương thông báo chiêu sinh rộng rãi trong nhân dân, chúng tôi đã chỉ đạo các trường THPT đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, đặc biệt với những nữ sinh, giúp các em hiểu về ngành học MN và triển vọng của ngành này. Nếu các em theo học và đồng ý làm cam kết phục vụ tại địa phương, các em sẽ được ngân sách hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo”…
Phụ huynh còn đứng ngoài cuộc
Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình hình trên là trước đây ngành MN không nằm trong bậc học mang tính bắt buộc, nhiều phụ huynh không “mặn” lắm với việc đưa con ra lớp. Không ít người, nhất là bà con khu vực vùng sâu, quan niệm: đây chỉ là nơi giữ trẻ, do vậy họ không cho con đi học nếu phải mất một số tiền để đóng học phí. Thực trạng trên khiến một số trường vì muốn duy trì sĩ số đã không dám nhắc phụ huynh, nếu họ “quên” đóng học phí cho con…
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi vừa được tổ chức, TS. Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu, các sở ban ngành phối hợp chặt chẽ ngành GD-ĐT và các địa phương để xây dựng nguồn kinh phí, quy hoạch mạng lưới trường lớp và dành quỹ đất đảm bảo thực hiện đúng tiến độ của kế hoạch. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thủy nêu ý kiến: “Để thực hiện một cách căn cơ, chúng ta nên cố gắng làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo nhằm nâng cao đời sống người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong hệ thống chính trị, cán bộ và nhân dân để mọi người hiểu và ủng hộ, vì nếu người dân không nhận thức đúng, coi việc học này là trách nhiệm của Nhà nước, của đoàn thể, của ngành giáo dục… thì sẽ rất khó trong vận động bà con đưa trẻ ra lớp”.
Quỹ đất xây trường chưa có
Theo kế hoạch thành phố cần 288ha đất để xây dựng trường lớp nhưng đến thời điểm hiện tại, do nhiều nguyên nhân, công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp toàn thành phố vẫn chưa hoàn thành. Và trở ngại lớn nhất hiện nay trong việc xây dựng trường lớp tại các quận, huyện là chưa có đất sạch. Thậm chí nhiều khu dân cư cũng chưa bàn giao Nhà nước phần đất quy hoạch xây trường như quy định. Tại quận Cái Răng, có những dự án quy hoạch kéo dài hàng chục năm mà chưa triển khai khiến chính quyền địa phương lúng túng không biết đường gỡ để bố trí đất xây trường… Là một trong số địa bàn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác GDMN, huyện vùng sâu Cờ Đỏ có 16 trường MN nhưng có đến gần 60 điểm lẻ, đa số lớp học là phòng tạm bợ hoặc học nhờ trường tiểu học. Ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng GD-ĐT Cờ Đỏ, trăn trở: “Do có nhiều điểm lẻ, ngành đã cố gắng động viên và tạo điều kiện để giáo viên đảm bảo chất lượng chuyên môn, bởi có đem lại hiệu quả trong công tác giáo dục mới thuyết phục phụ huynh, nhất là bà con dân tộc Khmer, đưa con đi học. Chúng tôi mong các cấp, ngành liên quan phối hợp ngành giáo dục thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp, mới có thể tháo gỡ được những khó khăn, giúp chúng tôi xây dựng đủ phòng học cho bậc MN, bà con mới an tâm đưa con tới trường”… 
Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)