Đêm đêm, những đoàn ghe cào sử dụng xung điện đánh bắt cá càn quét ngang dọc trên đồng nước Long An, Tiền Giang tàn sát các loài thủy sản.
Sáng sớm, ông Lưu Văn Ưa (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An) bơi xuồng ra đồng thăm lưới thì tá hỏa khi thấy giàn lưới dài hàng trăm mét của mình biến mất. Cùng cảnh ngộ, nhiều ngư dân khác cũng bị mất sạch lưới cá giăng trên đồng nước.
Khốn khổ với cào điện
Những người dân gần đó kể rằng lúc nửa đêm họ nghe tiếng nhiều ghe máy chạy quần tới đảo lui khắp đồng nước, đèn pha mở sáng quắc. Nghe vậy, ông Ưa lắc đầu, than: “Vậy là tui bị đám ghe cào điện càn quét cuốn sạch lưới rồi, coi như trắng tay!”.
Ông Ưa và nhiều người dân xã Hưng Điền rất bất bình bởi từ khi vào mùa nước nổi đến nay, cứ vài đêm đoàn ghe cào điện công suất lớn từ Đồng Tháp lại kéo xuống quần đảo đánh bắt tôm cá trên các cánh đồng, các tuyến kênh của xã. Những chiếc ghe cào này trang bị động cơ xe hơi (loại đã qua sử dụng) nối với máy phát điện gắn vào giàn cào rộng 5-6 m, đi thành từng đoàn 4-5 chiếc chia nhau càn quét đồng nước. Nơi nào ghe cào quét qua thì nơi đó cá tôm đều bị bắt sạch hoặc chết sạch. “Không chỉ tận diệt tất cả các loại tôm cá lớn bé, những chiếc ghe cào còn hủy hoại toàn bộ câu, lưới của dân nghèo giăng trên đồng nước kiếm sống. Nhiều khi ghe cào nghênh ngang chạy công khai trên kênh Cái Bát như thách thức mọi người” – ông Ưa bức xúc nói.
Một trường hợp ghe cào điện bị lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tiền Giang bắt giữ. (Ảnh do Chi cục Thủy sản Tiền Giang cung cấp)
Ở huyện Cái Bè, Tiền Giang, kênh 28 được xem là “túi tôm cá” vì chạy thẳng từ Tiền Giang vào ruột Đồng Tháp Mười. Nhưng vài năm trở lại đây, con kênh này gần như cạn kiệt tôm cá vì nạn cào điện. Ông Trương Văn Gắng, lão ngư có hàng chục năm hành nghề câu cá lăng, cá ngát trên kênh 28, buồn rầu nói: “Lúc trước vào mùa nước nổi, một đêm tui câu được 10-15 kg cá nhưng nay một đêm kiếm đỏ con mắt mới được 1-2 kg cá, nhiều khi ngồi câu suốt đêm không được con cá nào. Con kênh này ngày nào cũng có ghe cào điện càn quét, thử hỏi tôm cá nào sống nổi!”.
Người dân nơi đây cho hay những đoàn ghe cào điện không chỉ càn quét kênh 28 mà còn hoành hành trên tuyến kênh Nguyễn Văn Tiếp và các con kênh nhỏ trong vùng khiến tôm cá ngày càng cạn kiệt. Tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Tiền Giang – Long An, từ khi mùa nước nổi bắt đầu, ghe cào điện đã hoạt động gần như công khai. Ông Lê Văn Hải ở xã Thạnh Tân, nói: “Trên tuyến kênh Bắc Đông giáp ranh với Tân Phước (Tiền Giang) và Thạnh Hóa (Long An), những đoàn ghe cào điện từ miệt Đồng Tháp thường xuyên ngược xuôi, càn quét trên các cánh đồng nước trong khu vực. Nếu Tiền Giang kiểm tra ngăn chặn, họ liền chạy sang Long An. Khi Long An kiểm tra, ghe cào dạt sang Tiền Giang…”.
Khó kiểm tra
Tình trạng ghe cào điện hoành hành khắp nơi, tàn sát các loài thủy sản không là chuyện mới ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng hầu như ngành chức năng các tỉnh đều cùng một câu trả lời: Rất khó kiểm tra, xử phạt. Ông Huỳnh Hữu Trí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang, nói: “Việc kiểm tra xử lý ghe cào điện phải phối hợp liên ngành, trong đó có cả cảnh sát đường thủy, cảnh sát môi trường, công an huyện, công an xã… Đã có tình trạng khi phục kích bắt giữ một ghe thì đương sự lập tức gọi điện thoại cho các ghe khác ào tới giải vây. Mặt khác, lực lượng kiểm tra phải trang bị canô cao tốc mới có thể truy đuổi ghe cào điện gắn máy xe hơi công suất lớn. Lúc bị truy đuổi, ghe cào điện bỏ chạy lên đồng nước nhưng canô lại không dám lên vì sợ… vướng chà chôm, cỏ rác gãy chân vịt. Hiện nay, nước đang tràn đồng, ghe cào điện ngang dọc khắp đồng nước mênh mông nên rất khó phát hiện xử lý”.
Theo Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Tiền Giang, tuy công tác tuần tra kiểm soát được tiến hành liên tục nhưng rất khó bắt giữ ghe cào điện vì khi phát hiện lực lượng kiểm tra, các chủ ghe sẵn sàng cắt bỏ dây điện, quăng máy phát điện để phi tang. Nếu chẳng may bị bắt, chủ ghe chỉ bị xử phạt vài triệu đồng, tịch thu giàn cào và máy phát điện, không bị tịch thu ghe. Vậy nên dân cào điện thường kháo nhau, sau khi nộp phạt chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng sắm giàn cào, máy phát mới; hoạt động một, hai đêm là gỡ vốn.
Hiện nay nạn ghe cào điện hoành hành hủy diệt nguồn lợi thủy sản đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Hằng năm, ngành nông nghiệp phải thả cá giống các loại vào vùng Đồng Tháp Mười để khôi phục nguồn lợi thủy sản nên việc ghe cào điện tận diệt tôm cá lớn nhỏ các loại là không thể chấp nhận được. Chính tôi đã rất nhiều lần yêu cầu ngành nông nghiệp các huyện phải xử lý triệt để nạn cào điện nhưng các địa phương chưa làm kiên quyết, một phần cũng do thiếu người, thiếu phương tiện.
Ông LÊ MINH ĐỨC, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An
Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Tiền Giang cho biết ngày 10-10, tàu tuần tra của đơn vị đã bắt được hai ghe cào điện của Lê Văn Tám và Lê Văn Quyến đang hành nghề ở khu vực xã Ngũ Hiệp và xã Mỹ Phước Tây (huyện Cai Lậy). Hai chủ ghe cào trên bị phạt tổng cộng 3.750.000 đồng, tịch thu giàn cào, máy phát, buộc làm cam kết không tái phạm.
|
HÙNG ANH
Theo Phap luật
Bình luận (0)