Y tế - Văn hóaThư giãn

Ghê rợn “Cái chết được báo trước”

Tạp Chí Giáo Dục

 Chuyện chết chóc ở đây là những “Cái chết được báo trước” – cũng là tên một clip đang phát sóng vào mỗi đầu chương trình và cùng lúc vào 20g trên các kênh của truyền hình cáp HTVC.

Mục đích là để cảnh báo về vấn đề an toàn, tai nạn giao thông.
Đúng như tên gọi rùng rợn của clip, những hình ảnh của clip được trích ra bởi những băng ghi hình trực tiếp từ các vụ tai nạn giao thông với nhiều cảnh chết chóc rất thật. Đó là hình ảnh những vụ xe giao thông đâm sầm vào nhau, những thân người bị bắn lên không trung. Không chỉ có những thảm cảnh đó, người xem còn thấy hình ảnh tang thương của những đứa trẻ mình bê bết máu me, những thân người bị chèn nát dưới bánh xe… Những hình ảnh khủng khiếp đó khiến người xem phải đặt câu hỏi: Cách cảnh báo tai nạn giao thông trên truyền hình có cần phải sử dụng những hình ảnh chết chóc như vậy không?
Thật ra dễ nhận thấy những hình ảnh từ clip phần lớn lấy từ những vụ tai nạn giao thông của Trung Quốc. Chất lượng hình ảnh rất xấu nhưng mức độ kinh hoàng của nó khiến người xem chỉ biết thót tim, rùng mình và… mau mau chuyển kênh khác (!).
Qua trao đổi, ông Lê Đức Hùng – giám đốc Trung tâm Truyền hình cáp HTVC  – cho biết đây là clip cho chương trình An toàn giao thông – một chương trình cần thiết, bởi theo ông, ý thức an toàn giao thông của nhiều người Việt Nam hiện nay còn rất kém. Do vậy, HTVC mong chương trình như một liều thuốc đắng mang tính cảnh tỉnh cho vấn nạn an toàn giao thông, “nhằm tạo một cái nhìn thật sự sâu sắc hơn cho mọi người về an toàn giao thông”. Ông Hùng cũng giải thích những hình ảnh của Cái chết được báo trước là lấy từ nguồn ở nước ngoài, vì hệ thống ghi nhận hình ảnh ở Việt Nam hiện nay chưa ghi lại được những tai nạn như vậy.
Quả thật, tai nạn giao thông là một vấn nạn nhức nhối, khi mà con số thống kê thương vong hằng năm khiến ai cũng giật mình, sợ hãi. Có thể chia sẻ mong muốn của HTVC trong việc làm một chương trình mang ý nghĩa cảnh báo. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sự cảnh báo nào cũng nên cân nhắc giữa mặt lợi và mặt hại, nếu không vô tình sẽ gây phản ứng ngược.
Ví như để cảnh báo sự chết chóc của chiến tranh, người ta không thể cứ đem hình ảnh những cơ thể con người bị bom đạn tàn phá ra mà lên án, cảnh tỉnh. Những hình ảnh đáng nhớ nhất của chiến tranh là những hình ảnh liên quan đến con người còn sống, bởi vì chính họ là những người phải hứng chịu những nỗi đau mất mát về thể xác, tinh thần.
Cũng vậy, hằng ngày có biết bao nhiêu người dân phải ra đường và họ thừa hiểu giao thông đang là mối ẩn họa đầy bất trắc. Có nên không khi cứ phải gieo thêm vào cõi tinh thần vốn đã đầy ắp những lo lắng, căng thẳng và nhọc nhằn bởi đời sống mưu sinh của mọi người bằng những hình ảnh rùng rợn, kinh khiếp đến như vậy (!).
“Khi chảy máu là khi đắt khách”?
Trong thời kỳ tin tức được phát 24/7 và bùng nổ mạng xã hội như hiện nay, có không ít người cổ súy cho việc đưa tin tức “đúng như những gì nó diễn ra”, “có sao đăng tải vậy”. “Khi chảy máu là khi đắt khách” – được cho là tiêu chí chọn lựa tin tức của nhiều tờ báo, đài truyền hình. Trách nhiệm của báo chí không chỉ là đăng tải những gì xảy ra mà còn là diễn giải, phân tích, bình luận, cảnh báo.
Những tai nạn giao thông máu me bê bết, người đắp chiếu, khói hương nghi ngút, bộ phận thi thể rơi vãi… là những cảnh thường thấy trên đường. Báo chí ở những nước đang phát triển thường sử dụng những hình ảnh này để đăng tải, phát sóng, và cho như vậy sẽ là lời cảnh báo để người đi đường cẩn thận hơn. Nhưng ở những nước phát triển, hình ảnh tai nạn giao thông sẽ không được báo chí dùng trực tiếp mà thường có xu hướng phục dựng tai nạn bằng đồ họa.
Đồ họa giúp giải thích rõ hơn về tai nạn, vẫn mang tính cảnh báo mà lại không gây ảnh hưởng tâm lý quá lớn cho người xem và hạn chế sự đau đớn cho người thân của nạn nhân. Bản tin về tai nạn giao thông ở Bắc Âu thường có hình ảnh những bó hoa ở vị trí người xấu số qua đời do tai nạn, nếu nạn nhân là trẻ em sẽ có đồ chơi, gấu bông hoặc những gì ngộ nghĩnh thuộc về thế giới của các em.
Để thay đổi hành vi đi lại cẩu thả trong giao thông cần cả một quá trình. Để xác định chương trình phát trên sóng có ích hay không cần có những khảo sát, đánh giá trước, trong và sau khi phát sóng. Ít ra, trước và trong khi phát sóng cần chạy những lời cảnh báo để người xem tự quyết định họ có nên xem hay không. Điều này đặc biệt quan trọng nếu chương trình được phát sóng vào giờ “vàng” và trẻ em vẫn có thể xem được.

Theo TTO

Bình luận (0)