Tác giả (trái) với hướng dẫn viên người Hàn Quốc trên đường phố Seoul. |
Tôi đến Hàn Quốc vào những ngày tình hình thời sự giữa hai miền Bắc – Nam Triều Tiên đang cuốn hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Ngoài ra, những thông tin về sự cố nổ chìm tàu chiến Yeonan của Hàn Quốc gần biên giới vùng biển Triều Tiên cũng đang nóng hổi trên mặt báo.
Công nghệ du lịch Hàn Quốc
Từ phi trường quốc tế Incheon – Seoul, chúng tôi được hướng dẫn đi tham quan bên ngoài tòa nhà Blue House, dinh thự nơi Tổng thống Hàn Quốc làm việc và sinh sống. Sau đó, được ngắm nhìn cung điện Gyeongbok được xây dựng vào năm 1395 dưới triều vua Taejo, thuộc triều đại Chosun. Khoảng cách thời gian dài là vậy nhưng nét hùng vĩ, nguy nga, cổ kính của khu kinh thành này dường như không xa lắm với cuộc sống hiện đại ngày nay của nước Hàn. Nằm trong khuôn viên hoàng cung là Viện Bảo tàng truyền thống dân gian quốc gia, nơi lưu giữ và bảo tồn các di sản văn hóa của đất nước với trên 10.000 mẫu vật phản ảnh các nghi lễ, tôn giáo, lối sống, cách bài trí nhà cửa và sinh hoạt của người Hàn Quốc truyền thống. Trong bảo tàng có nhiều đoàn học sinh được thầy cô hướng dẫn về lịch sử văn hóa tổ tiên, các em say sưa lắng nghe, ghi chép nghiêm túc (đây là một trong những hình thức bắt buộc của ngành giáo dục Hàn Quốc). Nhìn hình ảnh này tôi cảm thấy chột dạ cho nền giáo dục Việt Nam, nếu cũng được quan tâm giáo dục văn hóa lịch sử nước nhà bằng những phương pháp trực quan từ nhỏ như thế này, có lẽ các em đã không ngán ngại môn lịch sử như hiện nay.
Tạm chia tay trung tâm Seoul, chúng tôi đáp chuyến bay nội địa đi đảo JeJu, một hòn đảo xinh đẹp và thơ mộng nằm cách đất liền 85 km về phía Nam. Điểm đến đầu tiên tại đảo JeJu là Yongduam Rock (mỏm đá đầu rồng), biểu tượng chính của đảo. Tại đây, người ta dựng lên một cái sàn ngay cạnh bờ biển để mọi người chụp hình với bức tượng khỏa thân của nàng tiên cá. Tôi chợt nghĩ, nếu Việt Nam biết khai thác tiềm năng thiên nhiên của mình thì cơ hội “lấy tiền” khách du lịch hoàn toàn không khó, bởi so ra, chúng ta được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp hơn cả xứ bạn.
Rời phố thị tấp nập, xe đưa chúng tôi chạy đến con đường “ma quái” (Mysterious Rock). Người hướng dẫn cho biết, đến nay chưa có sự lý giải nào “lọt lỗ tai” cho sự bí ẩn của con đường này. Trước mặt chúng tôi là một con dốc cao, tài xế cho xe tắt máy nhưng không hiểu sao xe vẫn từ từ lăn bánh và leo dốc(?!)
Trên đảo JeJu có thật nhiều điểm tham quan lý tưởng, phải cả tuần mới đi và ngắm hết. Đến JeJu hầu như không ai muốn bỏ qua việc chinh phục đỉnh núi Seong San, ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động và cũng là cảnh quan đẹp nhất ở đảo. Từ trên đỉnh núi mọi người có thể nhìn thấy toàn cảnh biển đảo thu nhỏ rất hùng vĩ và cũng thật nên thơ.
Những nét văn hóa riêng
Từ giã JeJu, chúng tôi đáp chuyến bay trở về Seoul tiếp tục khám phá xứ sở kim chi. Điểm đến đầu tiên là đảo Nami, nơi quay bộ phim nổi tiếng Chuyện tình mùa đông, bộ phim một thời làm rơi nước mắt những người mê phim Hàn. Nhân nói về lĩnh vực điện ảnh, trong mấy ngày qua các phương tiện truyền thông xứ Hàn rầm rộ đưa tin em trai nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng Choi Jin Sil vừa chết, mà dư luận cho là tự tử . “Ở Hàn Quốc, người nổi tiếng, kể cả tổng thống, chết vì tự tử không phải là ít. Tại sao?”, tôi đặt câu hỏi với người hướng dẫn viên. Chị trả lời mà không chút bình luận: “Cuộc sống của người Hàn biến động mỗi ngày, lúc năng động, lúc ồn ào và đôi khi cũng trầm lắng. Người Hàn tất bật, nhanh nhẹn trong công việc, sôi động, ồn ào trong giao tiếp, nhưng cũng khép kín, khó hiểu và dễ stress. Do vậy, nguy cơ tự tử luôn là mối đe dọa cho cuộc sống xã hội”.
Ẩm thực Hàn Quốc khá phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, không bao giờ trên bàn ăn của người Hàn thiếu món kim chi. Ở xứ Hàn khí hậu lạnh, mùa đông thường là âm độ, nên việc trồng trọt rất khó khăn, nhất là các loại rau. Vì thế người ta thường muối kim chi để ăn thay rau tươi, dần dần thành thói quen. Người Hàn cũng có những đặc trưng rất thú vị trong ẩm thực như chuyên dùng đũa muỗng ăn bằng thép kim loại vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do bảo vệ môi trường. Món ăn truyền thống mừng sinh nhật của người Hàn là món canh rong biển (phổ biến), thế nhưng khi thi cử thì người ta không dám đụng vào món này vì cách phát âm của nó giống như “rớt” (thi hỏng).
Seoul về đêm cũng nhộn nhịp xe cộ. Đến 21 giờ mà các dòng xe vẫn nối đuôi dọc các con phố lớn. Thỉnh thoảng tôi gặp một vài ụ kính chắn giữa đường, hỏi ra mới biết đó là “lô cốt”. Đường phố nước Hàn ban đêm không tĩnh lặng bởi tiếng ồn của xe cộ và tiếng cười đùa của từng nhóm người trang phục chỉnh tề đi ăn đêm. Tôi đoán có lẽ đây mới là giờ “tan tầm” của họ. Tạm biệt xứ sở kim chi, tạm biệt nền văn hóa rất riêng của Hàn Quốc. Đặt chân lên mảnh đất quê hương mà chúng tôi vẫn còn nhớ mãi lời nói của Sun Yang, cô hướng dẫn viên xinh đẹp, thân thiện và rất thông minh nơi xứ người.
“Chúng tôi không có một truyền thống lịch sử đầy tự hào như Việt Nam với khối đại đoàn kết dân tộc không gì có thể chia cắt. Chúng tôi không thích nói về lịch sử Hàn Quốc bởi sự chia cắt đất nước thành hai chính phủ biệt lập và ngày càng căng thẳng. Nhưng nếu có ai đó hỏi các bạn về Hàn Quốc, hãy dành cho chúng tôi những suy nghĩ tốt đẹp vì người Hàn Quốc chúng tôi rất thân thiện và giàu lòng hiếu khách”.
Bài, ảnh: Hoàng Nguyên
Bình luận (0)