Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ghép giác mạc bằng kỹ thuật mới, cơ hội mắt sáng rất cao

Tạp Chí Giáo Dục

Trước đây, người bệnh ghép giác mạc phải thay toàn phần nên tỉ lệ đào thải tới 10-15%. Còn với kỹ thuật mới là ghép nội mô giác mạc và ghép hư phần nào bác sĩ thay ghép phần đó, giúp giảm tỉ lệ đào thải xuống còn 1%.

Ghép giác mạc bằng kỹ thuật mới, cơ hội mắt sáng rất cao - Ảnh 1.

Giáo sư Donald Tan trong phòng mổ thực hiện ghép giác mạc cho bệnh nhân chiều 28-10 – Ảnh: D.N.

"Hiện nay trên thế giới có gần 10 triệu người cần được ghép giác mạc. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có 180.000 ca được ghép. Do việc khan hiếm giác mạc, giác mạc không tương thích… mà tất cả các nước đều gặp phải tình trạng khó khăn chung này" – giáo sư Donald Tan của Trường Y khoa Duke (Đại học Quốc gia Singapore), nguyên chủ tịch Hiệp hội Giác mạc châu Á, nói.

Trao ánh sáng cho người nghèo bị mù

Theo giáo sư Donald Tan, chi phí cho một ca ghép giác mạc rất lớn, không phải người bệnh nào cũng đủ khả năng chi trả, đặc biệt ở Việt Nam hiện chưa ghép được hoàn toàn mà những trường hợp nặng phải sang nước ngoài ghép khiến chi phí tăng lên gấp nhiều lần.

Cách đây 5 năm, anh Lý De (35 tuổi, Sóc Trăng) bị đá văng găm vào mắt phải khiến anh không nhìn thấy. Dù cố gắng điều trị nhưng sau 6 tháng ròng, tốn kém 150 triệu đồng, nợ nần chồng chất nên anh tự ngưng điều trị.

Cũng ngụ tại tỉnh Sóc Trăng, anh Dương Na Mal (34 tuổi, giáo viên) bị vật lạ bay vào mắt khiến mắt tổn thương, gây đau nhức kéo dài. Suốt 4 năm, lúc nào anh cũng phải đeo kính, không thể làm việc nặng và cuối cùng anh phải nghỉ dạy do bụi phấn làm tình trạng mắt anh tệ hơn.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai – trưởng khoa mắt Bệnh viện FV (TP.HCM), ngoài những bệnh nhân bị mù mắt bẩm sinh, có rất nhiều nguyên nhân khác gây mù lòa phải thay giác mạc mới lấy lại thị lực như các bệnh lý viêm loét giác mạc để lại sẹo, bệnh cườm nước không được điều trị tốt, chấn thương do tai nạn…

Nhân chuyến công tác tại Việt Nam, giáo sư Donald Tan hợp tác cùng Bệnh viện FV (bệnh viện có thiết bị phòng mổ hiện đại, tiêu chuẩn chất lượng y tế JCI) ghép giác mạc miễn phí cho ba người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như anh Dương Na Mal, anh Lý De, chị Thạch Thị Sang và hỗ trợ 30% chi phí phẫu thuật cho ông Lê Văn Châu (60 tuổi, TP.HCM). Trong đó, bệnh nhân Sang sẽ được phẫu thuật vào tháng 1-2018.

Sử dụng kỹ thuật mới trong ghép giác mạc

Trong ngày 28, 29-10, ba bệnh nhân đã được phẫu thuật và có tiến triển tốt. Giáo sư Donald Tan cho biết: hai bệnh nhân nam bị tật mắt rất nặng nhưng nhờ can thiệp tốt nên lấy lại thị lực hoàn toàn là có thể. Trong đó, trường hợp anh Dương Na Mal, giáo sư phải tiến hành ba phương pháp phẫu thuật trong cùng một ca mổ: đục thủy tinh thể, lấy toàn bộ giác mạc và ghép toàn bộ giác mới.

Theo giáo sư tiên lượng, trong vòng một tháng tất cả các bệnh nhân sẽ nhìn thấy lại, từ 2-3 tháng tiếp theo các bệnh nhân sẽ được đeo kính để lấy thị lực lại hoàn toàn. Riêng ông Châu, do mắc nhiều bệnh quá lâu như cườm nước, võng mạc nên sau ca mổ, bệnh nhân nhìn được những vật chiếu sáng, có kích thước trung bình, còn những vật thể quá nhỏ có thể nhìn hơi khó khăn.

Giáo sư Donald Tan cũng cho biết thêm rằng theo dõi hậu phẫu đóng góp 50% thành công ca mổ. Sau mổ, bác sĩ sẽ phải theo dõi cả đời đối với những bệnh nhân ghép giác mạc, bệnh nhân phải phối hợp tái khám định kỳ để đảm bảo mảnh ghép tiếp nhận tốt, thị lực không bị giảm đi.

Cùng êkíp phẫu thuật và cũng là một trong những bác sĩ đang được giáo sư Donald Tan đào tạo chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc, bác sĩ Mai chia sẻ: trước đây, người bệnh ghép giác mạc sẽ phải thay toàn phần nên tỉ lệ đào thải rất cao (10-15%). Còn đối với kỹ thuật mới vừa áp dụng là ghép nội mô giác mạc và ghép hư phần nào bác sĩ sẽ thay ghép phần đó, giúp giảm tỉ lệ đào thải xuống còn 1%, thị lực tốt hơn, giảm biến chứng (các biến chứng thông thường là tăng nhãn áp, nhiễm trùng, loạn dưỡng gây sẹo giác mạc…).

Kỹ thuật lấy lại 100% thị lực

Trong tuần này, giáo sư Donald Tan sẽ giới thiệu một kỹ thuật được đánh giá mới nhất và khó nhất hiện nay tại Mỹ: bệnh nhân được ghép một lớp tế bào rất mỏng phía sau giúp bệnh nhân lấy lại được 100% thị lực.

DIỆU NGUYỄN/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)