Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ghi chép: Damb’ri – tiếng gọi của đại ngàn

Tạp Chí Giáo Dục

Bập bùng đêm hội Damb’riTừ trung tâm thị xã Bảo Lộc, đoàn nhà báo do Lửa Việt tổ chức – nhân Ngày Báo chí 21-6 – theo con đường nhựa dài 17 cây số đến Damb’ri, nơi rừng già Nam Tây nguyên có nhiều thắng cảnh kỳ vĩ với tổ hợp thác Dasara, thác Daton và đặc biệt là thác Damb’ri… Đến đây, chúng tôi như thoát ra khỏi sự lo lắng, toan tính trong cuộc sống mưu sinh đời thường để về với thiên nhiên.

1. Dọc theo con đường đến khu du lịch Damb’ri, từ trên xe nhìn xuống, chúng tôi thấy những đồi chè xanh mơn mởn chạy ngút ngàn xa tít đến tận chân trời. Xa xa, những cô gái Châu Mạ lưng đeo gùi cúi lom khom hái chè làm cho cảnh núi non hùng vĩ trở nên bớt cô đơn, quạnh quẽ hơn. Xen kẽ giữa những đồi chè là những ngôi nhà mái ngói sừng sững vươn lên. Theo một hướng dẫn viên kỳ cựu của Công ty lữ hành Lửa Việt thì, cách đây mấy năm, nơi đây vẫn là những ngôi nhà tranh được dựng lên trông rất tạm bợ.

Với diện tích 300ha rừng nguyên sinh có nhiều chủng loại gỗ, thú quý hiếm đang sinh sống và được bảo vệ, Khu du lịch Damb’ri như một thung lũng nằm lọt thỏm giữa rừng núi. Giữa thung lũng mù sương này mọc lên các hồ nước, khu vui chơi, nhà hàng và đặc biệt là khu nhà lều… đây cũng là điểm khác biệt của khu du lịch này so với các điểm du lịch khác. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ – Giám đốc Công ty lữ hành Lửa Việt thì: “Đến những khu du lịch có khách sạn là chuyện bình thường, nhưng đã đi dã ngoại thì phải ngủ lều. Theo tôi đây là cái thú vị của du khách khi đến Damb’ri du lịch dã ngoại, khám phá cảnh thiên nhiên muôn màu muôn vẻ”.

Khi màn đêm buông xuống, du khách đến với thung lũng sẽ được tham gia đốt lửa trại và uống rượu cần cùng những chàng trai, cô gái người dân tộc bản địa Châu Mạ. Du khách sẽ được nghe những bài hát và hòa cùng điệu múa uyển chuyển của các bông hoa Châu Mạ bên ánh lửa rừng bập bùng. Khi đã thấm mệt, mọi người vừa ngồi xuống thì bình rượu cần lại được bưng ra, những cô gái dịu dàng của vùng sơn cước bước tới mời từng du khách thưởng thức món thịt nướng thơm lừng cùng nhâm nhi bên ché rượu cần. Sự cởi mở, thân tình của các chàng trai, cô gái Châu Mạ đã kéo du khách lại gần với nhau hơn.

Damb’ri – tuyệt tác của tạo hóa

Cũng như nhiều dân tộc khác, người dân Châu Mạ sống phụ thuộc vào nương rẫy, săn bắn và thờ thần lửa. Theo quan niệm của họ, thần lửa giúp họ sưởi ấm trong những ngày giá rét, làm chín thức ăn, giúp họ khai phá nương rẫy. Nhưng nếu làm thần lửa giận dữ thì thần có thể thiêu cháy nhà cửa, không làm cho thức ăn chín, không sưởi ấm vào những mùa đông nữa. Do đó, trong mỗi dịp lễ hội, cúng bái, người dân tộc Châu Mạ thường nhảy múa bên những đống lửa và hát những bài hát để cảm ơn thần lửa đã ban cho họ một cuộc sống yên bình.

Đến tận nửa đêm, khi đã no say với những điệu múa, câu hát chia tay nhau, chúng tôi về những cái lều đã được dựng sẵn. Đúng như ông Mỹ nhận định, sự kỳ diệu của chuyến dã ngoại tại đây là được ngủ lều. Trong giấc ngủ mơ màng, được thưởng thức những bản nhạc du dương của “dàn hợp âm” côn trùng, nghe tiếng vượn hú gọi bạn lúc nửa đêm vang vọng khắp núi rừng sẽ giúp du khách trở về với thiên nhiên hiền hòa, dung dị biết chừng nào.

2. Sáng hôm sau, sương vẫn cón lãng đãng trên những ngọn đồi phía xa xa, lần theo dốc núi chúng tôi đi xuống con đường nhỏ ngoằn ngoèo, nơi có tiếng gầm thét của thác đổ. Nhìn từ xa, dòng thác Damb’ri như một dải lụa trắng được bao bọc bởi sắc tán cầu vồng do ánh nắng chiếu xuống những bọt nước tạo ra khúc xạ ánh sáng, huyền ảo giống như ở cõi tiên. Thác cao 57 mét, được nối từ hai dòng thác khác nữa là Dasara cao 60 mét và Daton cao 25 mét.

Chuyện kể rằng, ngày xưa buôn làng của người dân tộc Châu Mạ sinh sống tại đây rất thanh bình. Già làng có người con gái tên là H’bri đẹp như bông hoa rừng, tiếng hát của nàng thánh thót như tiếng chim, điệu múa của nàng như con cá bơi dưới con suối. Trai tráng trong làng cái bụng ngày đêm luôn mơ tưởng tới nàng, nhưng nàng vẫn hồn nhiên và chưa để ý đến ai. Một ngày nọ, tại buôn làng xuất hiện một chàng trai tên là K’dam người dân tộc khác đến sinh sống. K’dam đẹp trai, tốt bụng, làm rẫy, săn thú giỏi nhưng lại rất nghèo. Mỗi lần săn được thú, K’dam thường đưa về chia cho dân làng nên nàng H’bri rất yêu chàng. Nhưng tình yêu của họ không có kết quả, cha H’bri đã ngăn cấm hai người vì K’dam là người ngoại tộc không có trâu, bò và những cái chiêng đồng. Để cách ly hai người, cha H’bri đã đuổi chàng ra khỏi buôn làng. Từ khi K’dam bị đuổi đi, nàng H’bri trở nên âu sầu, thường ra ngồi bên vách núi khóc và đợi người yêu. Cứ thế, hết mùa trăng này qua mùa rẫy khác, nàng vẫn thẫn thờ ngồi đợi. Một ngày nọ, người dân trong buôn nghe tiếng nước đổ từ vách núi, họ kéo lên xem thì thấy nàng H’bri và nước mắt của nàng đã biến thành một dòng thác. Tên thác là Damb’ri có nghĩa là “đợi chờ”, cũng giống như nàng H’bri chung thủy ngồi đợi chờ chàng K’Dam cho đến tận bây giờ.

Cái tên thác Damb’ri cũng ra đời từ đó. Ngày nay, Damb’ri trở thành khu du lịch có sức hấp dẫn rất lớn với học sinh, sinh viên, thầy cô giáo cũng như khách du lịch dã ngoại đến thưởng ngoạn và tìm hiểu về hệ sinh vật, thiên nhiên thuần túy có một không hai tại đây. Với không khí mát mẻ trong lành, Damb’ri cũng trở thành nơi dừng chân lý tưởng cho du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.n

VĂN TÌNH

Bình luận (0)