Ngày 6-10, Phó thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm và dự giờ 4 trường gồm Tiểu học Võ Trường Toản (Q.10), Trung học Quốc tế Sài Gòn Việt Úc (SIC), THPT Lê Quý Đôn và Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4). Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Mục đích chuyến đi là muốn cảm nhận rõ hơn thực tiễn về điều kiện dạy và học của nhà trường; về yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy”.
Buổi sáng
7 giờ 30, thầy trò Trường Tiểu học Võ Trường Toản đã long trọng đón Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo ngành GD-ĐT và địa phương gồm Phó giám đốc Văn phòng Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, Trần Hường; Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh; Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hoài Chương và Trưởng phòng GD Tiểu học Lê Ngọc Điệp; bà Trần Nguyệt Ánh, Phó chủ tịch UBND quận 10 và bà Lã Thị Thanh Phương, Trưởng phòng GD-ĐT quận 10… 7 giờ 45 Phó thủ tướng vào thăm và dự giờ tiết tập viết: “cử tạ – cá trê – chữ số” ở lớp Một 2 của cô Nguyễn Thị Minh Thanh. Suốt tiết dự giờ, theo ghi nhận của chúng tôi, thỉnh thoảng Phó thủ tướng nhẹ nhàng rời ghế và bước đến xem từng em viết từng con chữ trên bảng đen cá nhân. Nhìn các em nắn nót những nét chữ đầu tiên ông gật gù hài lòng. Ông tập trung lắng nghe và quan sát từng lời giảng lẫn phương pháp truyền thụ kiến thức của cô giáo đến từng học sinh. Cuối tiết học, Phó thủ tướng dành 15 phút để góp ý với Ban giám hiệu: “Chỉ sau một tháng mà các em đã thực hiện nền nếp rất tốt, chủ động và tích cực làm bài theo yêu cầu của cô giáo. Lớp học chỉ 30 em, cô giáo có điều kiện kiểm tra và hướng dẫn từng em. Tôi ghi nhận và khen ngợi nhà trường trong việc sắp xếp sĩ số chỉ dừng lại ở 30 học sinh/lớp”.
… 9 giờ tại Trường Trung học Quốc tế Sài Gòn Việt Úc, Phó thủ tướng lắng nghe Hiệu trưởng NGƯT Đặng Thanh Châu báo cáo những hoạt động và sự phát triển sau 4 năm (từ năm học đầu tiên chỉ 57 học sinh và đến nay là 263 học sinh) cùng một số đề xuất. Trong đó mấu chốt là tiến độ triển khai xây dựng trường quá chậm làm ảnh hưởng đến việc tuyển sinh và tốn kém chi phí cho khoản tiền thuê mặt bằng (hàng trăm triệu/năm). Sau đó, Phó thủ tướng vào lớp 11 (ông vào bằng cửa sau vì thầy giáo đang dạy) dự giờ kinh tế học do thầy Robert Francis James Cotgrove (người Úc) giảng dạy. Xuyên suốt tiết học, Phó thủ tướng tập trung chú ý phương pháp dạy và học ở trường quốc tế. Tiết học chấm dứt, ông bước lên chào và hỏi: “Thầy giáo sang đây giảng dạy có hài lòng với học sinh người Việt Nam không?”. Thầy Robert vui vẻ: “Thưa ngài Phó thủ tướng, học sinh Việt Nam rất chăm chỉ và ngoan, tôi rất hài lòng. Tôi đã từng dạy tại Indonesia nên có sự so sánh. Tôi mong và tin rằng mình sẽ tiếp tục giảng dạy tại đây nhiều năm nữa”. Đúng 10 giờ, Phó thủ tướng rời Trường Trung học Quốc tế Sài Gòn Việt Úc để đến Trường THPT Lê Quý Đôn.
Dưới cơn mưa nhẹ, ngay trước tượng nhà bác học Lê Quý Đôn, thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Phiệt và Hội đồng liên tịch cùng một số học sinh đứng đón Phó thủ tướng và đoàn đến thăm. Tại phòng truyền thống, Phó thủ tướng đã nêu ra một số câu hỏi liên quan đến vấn đề giáo dục. Ông tỏ ra hài lòng với những gì nghe và thấy. Tiết thứ năm, Phó thủ tướng đến (ngẫu nhiên) lớp 11D1 và vào dự giờ tiết tiếng Anh của thầy Lưu Nguyễn Bỉnh Khoa. Ông lại tập trung chú ý phương pháp truyền thụ kiến thức của thầy giáo và cách tiếp thu kiến thức của học sinh. Hết tiết học, ông dành một lượng thời gian khá nhiều để trao đổi với thầy giáo và trò chuyện rất cởi mở bằng tiếng Anh với các học sinh. Ông rất vui, như lời ông: “Chỉ lớp 11, nhưng học sinh đã nói chuyện bằng tiếng Anh khá trôi chảy. Tuy nhiên, điều làm tôi suy nghĩ là khi hỏi các em: các em vừa học bài trồng cây, vậy em nào đã trồng cây rồi? Hầu như không có em nào đã từng làm việc này”.
Buổi chiều
14 giờ, Phó thủ tướng đến thăm Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4. Trao đổi với bà Lê Kim Dung, Chủ tịch UBND quận 4 và một số thành viên Hội đồng sư phạm nhà trường, ông bày tỏ sự vui mừng khi nhìn thấy sự hiện đại của một cơ sở giáo dục. Ông nói: “Chính tại nơi đây, một thời đầy dãy tệ nạn xã hội. Nhưng hôm nay đã mọc lên ngôi trường đẹp, hoành tráng và hiện đại mang tên một anh hùng cách mạng – Nguyễn Văn Trỗi. Chúng ta cần giáo dục cho các em niềm tự hào về anh để sau khi rời ngôi trường các em biết và biết rất rõ về những việc làm, sự hy sinh của anh. Nhà trường nên tổ chức về thăm quê anh, đưa những hình ảnh có liên quan đến anh để học sinh thấy đó mà học tập và tự hào. Ngoài ra, nhà trường cần đầu tư chuyên môn để sau ba năm là đơn vị đứng đầu ngành GD-ĐT TP.HCM về mọi mặt, trong đó có chất lượng đào tạo”. Ông nhấn mạnh thêm: “Tôi nhìn thấy học sinh của trường ăn mặc rất đẹp và được các em tặng hoa. Có dịp đến thăm các trường ở nước ngoài, tôi cũng được các em tặng hoa nhưng sau đó các em múa và hát những bài dân ca nước mình để đón mừng khách viếng thăm. Tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, tôi cũng đã thấy một em múa và hát bài dân ca Cò lả tặng khách, các em hát theo rất hay. Hiện nay, chúng ta chưa làm việc này, nhưng thời gian tới chúng ta phải làm để giữ gìn văn hóa dân tộc”. Trao đổi với báo chí xoay quanh chuyến đi, Phó thủ tướng tỏ ra tin tưởng và hài lòng về ngành GD TP.HCM sau khi đi thực tế tại một số trường.
Lê Thạch
Bình luận (0)