Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Ghi chép từ Singapore: Cái gì cũng tính phí!

Tạp Chí Giáo Dục

Ở Singapore có nhiều việc nghiêm ngặt đến mức tỉ mỉ và khó chịu. Ngay cả khi bạn từng tới đây 2 hay 3 lần thì có lẽ vẫn rất khó thích nghi với lối sống ở đây. Hòa nhập với đời sống có vẻ trầm trầm ở một thành phố không có lấy một hạt bụi này quả là một vấn đề không dễ.
Suốt quãng đường từ sân bay Changgi về khách sạn, dù chúng tôi đã rất cố gắng tạo ra một cuộc trò chuyện cởi mở nhưng bác tài xế taxi cũng chỉ nhát gừng trả lời những câu hỏi đặt ra một cách lạnh lùng. Hành trình trên đất Singapore của chúng tôi bắt đầu như thế…
Tiền và thuế

Mọi thứ ở đây luôn bị gò vào khuôn khổ và tất cả đều phải chính xác như cái máy. Ở Singapore chỉ có 5 hãng taxi và tất cả đều được kết nối tới một trung tâm phân phối xe. Trên xe luôn có đầy đủ hồ sơ về lái xe dán trên cửa kính, một chiếc đồng hồ tính cước, một máy in hóa đơn và một máy quẹt visa, master card. Ngoài tiền tính cước trên từng ki-lô-mét, khách hàng còn phải trả thêm tiền dịch vụ và tiền thuế. Một hành trình kết thúc với 20 đô la Sing theo đồng hồ tính cước sẽ phải trả thành 23 đô la Sing. Thậm chí, nếu bạn vào các nhà hàng có vẻ sang trọng một chút thì nên quan tâm đến thuế. Ngay cả khi chỉ uống một cốc cà phê, bạn cũng bị tính thêm tiền VAT và tiền dịch vụ. Hiếm khi bạn chỉ phải trả đúng giá sản phẩm nếu không phải đang mua hàng ở một cửa hàng chuyên bán lẻ kiểu Seven-Eleven.

Khu trung tâm Singapore!

Khó chịu nhất là việc mọi dịch vụ ở Singapore đều bị tính phí theo kiểu bắt chẹt. Để sử dụng được wireless ở khách sạn, khách hàng phải mua mã kích hoạt. Mã kích hoạt chỉ dùng cho 1 máy tính cá nhân và bắt đầu tính thời gian từ khi bạn kích hoạt. Ở tiền sảnh cũng có các máy tính để “lướt web” với giá 1 đô la Sing cho 15 phút. Và cứ hết 15 phút, máy tự động khóa mà chẳng hề có một thông điệp nào báo trước. Muốn mượn một cái chạc 3 chân để cắm điện, bạn cũng phải để lại tiền đặt cọc với phí 5 đô-la Sing, trong khi mua mới một thứ như vậy chỉ mất chưa tới 3 đô-la Sing.

Ở Singapore, mọi thứ đều theo luật và chẳng có lấy một sự linh động nào. Bạn muốn check-out phòng khách sạn sớm ư? Hãy báo trước 3 ngày nếu không muốn mất toàn bộ số phí đặt cọc trước đó. Luôn có sự bảo đảm khắt khe như một hợp đồng kinh tế từ các dịch vụ của Singapore mà khách hàng luôn là người “nắm đằng lưỡi”. Rất có thể đi taxi buổi sáng, đùng một cái bác tài xế bảo bạn phải trả thêm phí dịch vụ sáng, dù hàng chục lần trước đó vẫn vào tầm giờ như vậy, bạn chưa một lần nghe tới khoản phí này.

Sự thoải mái giữa đồng bào

Muốn được thoải mái có lẽ nên tìm đến các quán cơm Việt Nam và các tiệm ăn bình dân. Ở đây, khách hàng mới được phục vụ chu đáo như Thượng đế. Cơm ở Singapore có thêm vị bơ khá khó ăn với những ai chưa quen. Tuy nhiên, dọc trục đường Joo Chiat có khá nhiều quán cơm của người Việt với giá không quá cao (khoảng 5 đô-la Sing một suất cơm bình dân). Rất may, giữa cái hành trình không mấy thoải mái trên đất Singapore chúng tôi đã gặp các đồng bào. Những du học sinh Việt, những người Việt định cư lâu năm trên đất Singapore luôn sẵn lòng giúp đỡ không hề nề hà khó khăn. Nếu không, muốn tìm một chút thoải mái trong lối sống khá cứng nhắc của người dân Singapore, chỉ còn cách tìm đến các máy bán hàng tự động!

* Có khá đông người Việt (gồm các du học sinh, nghiên cứu sinh và những người đã định cư lâu năm) ở Singapore. Theo anh Vincent Cao, giám đốc công ty VT Travel thì giá cả ở Singapore không hề đắt so với mức thu nhập bình quân ở đây. Một sinh viên mới ra trường cũng có thể kiếm được từ 3 đến 4.000 đô-la Sing một tháng. Trừ chi phí thuê nhà, điện nước sinh hoạt (khoảng 1000 đô-la Sing/tháng) thì cuộc sống của họ vẫn hết sức dư dả. Khó khăn lớn nhất với người Việt ở Sing là vấn đề mua nhà ở, nhưng họ được các ngân hàng hỗ trợ tích cực. Nếu 2 vợ chồng có mức thu nhập tổng cộng 8000 đô-la Sing một tháng sẽ được mua nhà trả góp với giá ưu đãi. Theo tính toán, để mua được một căn hộ chung cư ở Singapore, họ sẽ phải trả góp 1000 đô la Sing một tháng trong 20 năm. Ngoài ra, với những người Việt định cư lâu năm ở Singapore nhưng chưa nhập tịch sẽ phải gia hạn thẻ xanh. Thẻ xanh có thời hạn 5 năm và sau mỗi 5 năm, người Việt Nam ở đây lại phải đi khai báo lại.

Duy Quý (theo baobongda)

Bình luận (0)