Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giá cả, dịch vụ “ăn theo” Tết, “chặt chém” khách

Tạp Chí Giáo Dục

Thịt bò, thịt gà ta và các dịch vụ "ăn theo" Tết vẫn cố thủ ở mức giá khá cao.

Đến thời điểm ngày 13/2 (ngày 11 sau Tết), một số loại thực phẩm tươi sống đã trở về mức giá bình thường. Tuy nhiên, thịt bò, thịt gà ta và các dịch vụ "ăn theo" Tết vẫn cố thủ ở mức giá khá cao.

Hà Nội: Hàng ăn "leo" giá

Sau Tết, người tiêu dùng vẫn thấp thỏm vì giá thực phẩm chưa "hạ nhiệt".
Hiện nay, giá thịt bò, thịt gà ta – những loại thực phẩm được sử dụng nhiều nhất trong dịp Tết và sau Tết – vẫn cố thủ ở mức khá cao. Gà ta vẫn được bán với giá 120.000 đồng/kg, trong khi trước Tết Nguyên đán chỉ có giá từ 85.000 – 90.000 đồng/kg. Thịt bò thăn, bắp bò các loại vẫn giao động ở mức giá từ 200.000 – 220.000 đồng/kg, cao hơn trước Tết từ 30.000 – 50.000đ/kg. Về sự tăng giá này, các tiểu thương kinh doanh thường giải thích rằng do khan hàng hoặc lò mổ chưa có nhiều người tham gia giết thịt. người mua gà nhiều do nhu cầu cúng lễ…
Bên cạnh đó, giá các loại dịch vụ "ăn theo" như ăn uống, trông xe, vui chơi giải trí, karaoke, Internet… vẫn theo mức giá Tết. Đặc biệt, "chặt chém" nhất vẫn là dịch vụ ăn uống. Chủ hàng muốn lấy bao nhiêu tùy ý, bởi khi khách vào ăn thường không hỏi giá, ăn xong mới ngỡ ngàng trước sự phát giá "cắt cổ" của người thu tiền. Do đó, trong những ngày này gặp khó nhất là giới công chức, văn phòng phải ăn trưa ở bên ngoài. 
Chị Triệu Hiền Anh, nhân viên một công ty truyền thông trên phố Giang Văn Minh, Ba Đình (Hà Nội) cho biết: "Bình thường chúng tôi chỉ ăn trưa với mức giá từ 20.000 – 25.000 đồng/suất cơm. Nhưng từ khi đi làm sau Tết, thường phải chịu mức giá thấp nhất là 40.000 đồng/suất cơm nhưng cũng chỉ có lèo tèo vài miếng thịt, 3-4 gắp rau. Muốn ăn no bữa trưa, nhiều nam nhân viên trong cơ quan tôi phải trả tới 70.000 đồng nhưng suất cơm đó cũng chỉ có 2 miếng sườn rán, ít dưa chua, ít đậu phụ sốt và 2 miếng chả lá lốt. Nếu ăn bún, miến thay cơm bữa trưa cũng phải 30.000 đồng/bát nhưng cũng không được đầy đặn như ngày thường". 
Nghệ An: Thấp thỏm vì giá cả tăng 
Theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH, những ngày sau Tết tại Nghệ An, giá cả hàng hóa thiết yếu vẫn tăng ngất ngưởng, thậm chí tăng hơn cả dịp Tết. Tại một số chợ trên địa bàn TP Vinh như chợ Vinh, chợ Ga Vinh, chợ Cửa Đông… giá thịt bò, thịt lợn, hải sản, rau xanh… “tăng nhiệt” chóng mặt theo từng ngày. Chị Thanh, một người bán rau trong chợ Ga Vinh cho biết: “Thời tiết lạnh buốt thế này, nông dân các huyện ngại ra đồng cắt rau để xuống thành phố bán, vì vậy từ 3- 4h sáng chúng tôi đã phải ra tận chợ Vinh chen chân mãi mới chọn được hàng về chợ mình bán lẻ, do vậy tăng giá là chuyện đương nhiên thôi”. 
Thông tin đến thời điểm này toàn tỉnh Nghệ An đã có hơn 1.000 con trâu, bò chết do đợt rét đậm, rét hại kéo dài trước Tết cũng khiến thịt bò, thịt lợn tăng giá. Đến ngày 13/2, giá thịt bò ở một số chợ đã tăng trung bình 10.000 đồng/kg. Không những giá thịt tăng mà giá cả của cá và một số hải sản cũng ở mức khá cao. Tại chợ Quang Trung, cá trắm trước Tết chỉ có giá 35.000 đồng/kg, những ngày này vọt lên 45.000 đồng/ kg. Đắt nhất là tôm sú 200.000 đồng/kg nhưng cũng khan hiếm do thời tiết rét đậm. 
Cháo lươn, một trong những đặc sản của xứ Nghệ mà theo quan niệm của người dân Nghệ An, đầu năm ăn lươn thì cả năm “làm ăn trôi chảy” trong những ngày này có giá 40.000 đồng/bát, ngày thường chỉ 20.000 đồng/bát. Bún riêu có đầy đủ vị lên tới 25.000 đồng/ bát. Phở bò cũng 25.000 đồng/bát. Lý giải về việc tăng giá, nhiều chủ nhà hàng cho biết do giá cả nguyên liệu đều tăng cao nên họ buộc phải điều chỉnh giá bán.
Không những các mặt hàng thiết yếu leo thang giá mà một số dịch vụ như trông xe, rửa xe những ngày sau Tết cũng đua nhau tăng vọt. Tại các địa điểm vui chơi giải trí, mỗi chủ bãi xe đưa ra mỗi giá khác nhau nhưng nhìn chung mức thấp nhất là 5.000 đồng/xe máy; 15.000 đồng/ô tô và dịch vụ rửa xe cũng không ngần ngại tăng lên 20.000 đồng/xe máy. 
TPHCM: Nơi tăng giá, chỗ bình thường 
Tại các chợ nhỏ ở khu vực ngoại thành như quận 9, Thủ Đức, huyện Bình Chánh… người dân cũng mệt mỏi với chuyện giá cả thực phẩm hàng ngày. “Thịt bò đến 150.000đ/kg trong khi trước Tết chỉ có 130.000đ/kg thôi. Cá kèo thì từ 70.000/kg “nhảy” lên đến 90.000đ/kg”, bà Nguyễn Thị Bảy, chủ một quán lẩu nhỏ trên đường Hoàng Hữu Nam, quận 9 cho biết. “Hàng hóa về chợ cũng không nhiều lắm đâu chú ạ. Bình thường chợ bán đến gần 20h phục vụ công nhân. Nay chỉ gần 19h là nhiều mặt hàng đã hết sạch. Đặc biệt là rau củ quả, dù giá có nhỉnh hơn mọi ngày”, một tiểu thương chợ nhỏ tại quận 9 cho hay.
Trong khi khu vực ngoại thành phải đối mặt với tình trạng lên giá của các loại thực phẩm thiết yếu thì các chợ thuộc khu vực trung tâm thành phố ngược lại. “Tôi vẫn thấy giá cả bình thường, chẳng có lên xuống chi cả”, chị Lê Thị Ngọc Hữu (quận 1) cho biết trong khi đang chọn tôm tại chợ Bến Thành. Xung quanh chợ Bến Thành, nhiều cửa hàng bình ổn giá vẫn đang mở cửa, đầy ắp hàng chờ khách đến mua.
Tại các chợ đầu mối Tam Bình (Thủ Đức), Hóc Môn, lượng nông sản và thịt lợn vẫn về nhiều. Phó giám đốc Công ty kinh doanh và quản lý chợ đầu mối Tam Bình cho hay, hiện lượng nông sản về chợ này đã đạt hơn 2.500 tấn/ngày, tức gấp đôi lượng hàng so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù có sự can thiệp thông qua các gian hàng bình ổn giá, các siêu thị và cung ứng hàng hóa về TPHCM vẫn đảm bảo số lượng nhưng địa phương này vẫn xuất hiện nạn tăng giá sau Tết. “Ở khu vực ngoại thành, hệ thống siêu thị và cửa hàng bình ổn giá ít nên chợ vẫn là nơi cung ứng thực phẩm chính yếu. Có khả năng thực phẩm không khan hiếm nhưng giá vẫn tăng theo kiểu “bệnh sau Tết”, một chuyên gia thị trường lý giải.
Chờ đợi rằm tháng Giêng
Theo ông Nghiêm Chí Mỳ, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, thường giá thực phẩm sẽ về mức cũ sau rằm tháng Giêng. Hy vọng sau Tết năm 2011 cũng sẽ như vậy. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà nghiên cứu kinh tế và người tiêu dùng vẫn quan ngại rằng, giá xăng có thể được điều chỉnh tăng trong tháng 3 sẽ là lý do để hình thành mức giá mới trên thị trường.
Một chuyên gia có thâm niên nghiên cứu về thị trường cũng cho rằng, sau rằm tháng Giêng mới là thời điểm giảm giá thực phẩm. Hiện nay nhu cầu mua gà cúng lễ vẫn rất cao. Trong khi đó, trên thị trường tự do đã có luật bất thành văn là cứ cầu cao thì giá tăng. Để tránh lạm chi trong thời điểm này, người tiêu dùng cần chi tiêu thông minh, chọn những loại thực phẩm có mức giá hợp lý, hoặc đến các siêu thị thực hiện bình ổn giá để mua hàng.
Dịch vụ trông giữ xe ô tô, xe đạp, xe máy những ngày này vẫn giữ mức giá… Tết. Ô tô gửi tại các bãi ven đường nội thành Hà Nội được tính theo giờ, 1 – 3 giờ đầu giá 50.000 đồng, mỗi giờ tiếp theo cộng thêm 10.000 đồng/tiếng. Giá vé trông giữ xe máy tại các tụ điểm vui chơi giải trí, các trung tâm mua sắm… trong nội thành cũng ở mức 10.000 – 15.000 đồng/xe, tại các chợ từ 5.000- 7.000 đồng/xe trong khi ngày thường 2.000 – 3.000 đồng/xe.
Theo Gia Đình

Bình luận (0)