Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giá cả vẫn liên tục “nhảy múa”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh sau giãn cách ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trong khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp…
Gần 2 tháng trước, nhiều người kỳ vọng khi TP HCM và một số tỉnh, thành phía Nam nới lỏng giãn cách, hàng hóa dồi dào hơn sẽ giúp giá cả tiêu dùng hạ nhiệt nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược.
Thứ gì cũng tăng!
Bà Trương Thị Tâm (ngụ quận Bình Thạnh) than phiền về việc thịt cá, rau củ thứ gì cũng tăng. "Trước đây tiền chợ mỗi ngày chỉ khoảng 350.000 đồng là đủ ăn cho cả gia đình, nay dù chi tiêu dè sẻn lắm cũng hết 500.000 đồng/ngày" – bà Tâm nói. Còn bà Ngô Anh Đào (ngụ TP Thủ Đức) cho biết hai đứa con bà thất nghiệp từ đợt dịch đến nay, thu nhập của cả nhà sụt giảm đáng kể trong khi giá gas, xăng dầu, các mặt hàng ăn uống tháng nào cũng tăng khiến đời sống gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn.
Các gia đình có con nhỏ còn thêm mối lo về giá sữa khi hầu hết các hãng đều đã đổi giá mới. Gần đây nhất, 2 hãng sữa ngoại là Abbott và Nestlé thông báo tăng giá trong phạm vi 5% kể từ ngày 1-11. Nếu như Nestlé tăng giá 2 mặt hàng thì Abbott tăng giá đến 10 mặt hàng. Ông Nguyễn Văn Tài, chủ một cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông (quận 3, TP HCM), cho hay từ đầu tháng 10, giá sữa tăng nhẹ từ 1%-2% do các hãng giảm chiết khấu, cắt quà khuyến mãi. "Họ cũng đã thông báo sẽ có đợt tăng giá mới nhưng do bán ra chậm nên cửa hàng không nhập nhiều" – ông Tài nói.
Trước tình hình trên, nhiều gia đình chọn cách mua gom khi hãng sữa có khuyến mãi hoặc chuyển từ sữa bột sang sữa tươi cho trẻ để giảm chi phí.
Ghi nhận tại các siêu thị trên địa bàn TP HCM, khu vực bán hàng thực phẩm các loại không còn nhộn nhịp như trước, nhiều bà nội trợ cầm món hàng lên soi kỹ giá cả, xem món nào có chương trình khuyến mãi, giảm giá và đặc biệt phải thật cần thiết mới dám mua để "tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó".
Theo tìm hiểu của phóng viên, những đợt tăng giá xăng dầu, giá gas và nhiều loại nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất đã khiến giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng trên thị trường tăng đáng kể. Tại các chợ lẻ ở TP HCM, giá rau củ, thịt cá đều tăng khá cao. Chẳng hạn, cá diêu hồng trước đây chỉ khoảng 60.000 đồng/kg, nay tăng lên khoảng 100.000 đồng/kg, cá trê cũng tăng khoảng 20.000 đồng/kg lên hơn 80.000 đồng/kg. Giá rau củ các loại cũng tăng vài ngàn đồng/kg, thậm chí có loại tăng hơn chục ngàn đồng/kg.
Chị Trương Thị Phượng, sạp 928, chợ Tân Định (quận 1), cho biết hầu hết các mặt hàng đông lạnh, gia vị chị đang bán đã tăng giá lai rai trong 2 tháng nay. "Thời gian đầu chợ hoạt động trở lại, tôi và các đầu mối còn hàng tồn nên vẫn bán giá cũ nhưng nay phải tính giá mới cho khách. Đồ hộp các loại đã tăng khoảng 2.000-3.000 đồng/hộp, tương đương 5%-10%, dầu ăn Tường An tăng đến 10.000 đồng/chai 1 lít, đường cũng tăng giá. May mà khách hàng toàn người quen, ai cũng hiểu tăng giá là chẳng đặng đừng nên không khó dễ gì" – chị Phượng nói.
Giá cả vẫn liên tục nhảy múa - Ảnh 1.
Các bà nội trợ đều rất đắn đo khi lựa chọn mua sắm hàng hóa cho gia đình vì giá cả tăng cao.

Cố gắng chia sẻ với khách hàng
Giá cả hàng hóa tăng không chỉ ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân mà còn gây khó cho những người kinh doanh ăn uống vì buộc phải tăng giá bán. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện rất nhiều hàng quán trên địa bàn thành phố đều đã tăng phổ biến từ 5.000-10.000 đồng/món so với trước khi giãn cách. Như tại khu vực đường Vạn Kiếp, Vũ Huy Tấn (quận Bình Thạnh), vốn là "thiên đường ẩm thực bình dân" nhưng các món ăn phổ biến như: bún, hủ tiếu, phở… đều không dưới 30.000 -35.000 đồng/món. Một tiệm bánh canh nổi tiếng trên đường Trần Khắc Chân (quận 1) dù chỉ bán mang về cũng vừa tăng thêm 5.000 đồng, lên 45.000 đồng/suất khiến nhiều thực khách ngạc nhiên.
Bà Ma Thị Mỹ Hương, chủ hộ kinh doanh Bánh mì Pate – hương vị Pleiku (đường Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh), cho biết cảm thấy "rất ngại" khi tăng giá bán vì đa phần khách quen ăn trong nhiều năm. "Hồi mới bán lại, cửa hàng tăng giá tạm 5.000 đồng/ổ, lên mức 20.000 đồng/ổ chủ yếu do chi phí vận chuyển, "3 tại chỗ" và dự định đưa giá về như cũ các yếu tố trên không còn. Nhưng về sau, trừ giá thịt heo giảm còn lại tất cả đều tăng. Tăng mạnh nhất là dầu ăn, giá mua tại công ty dầu 5 lít nay là 195.000 đồng/bình trong khi đầu năm chỉ có 115.000 đồng/bình. Từ bánh mì không, bao bì, lương nhân viên… đều tăng nên chưa thể giảm giá bán ra" – bà Hương phân trần.
Trao đổi với phóng viên, một số DN xác nhận đã điều chỉnh giá bán ra 5% -10% đối với hầu hết sản phẩm, cá biệt một số mặt hàng tăng giá nhiều hơn do chi phí nguyên phụ liệu, bao bì, chi phí sản xuất, vận chuyển… đã tăng "nóng" nhiều tháng liền. Thậm chí, không ít DN đã đề xuất tăng giá từ trước hoặc trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 nhưng không thương lượng được với nhà phân phối nên đồng ý lùi thời điểm áp dụng đến sau giai đoạn giãn cách xã hội. Ông Phạm Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), dẫn chứng giá lon thiếc dùng để đựng đồ hộp đã tăng 30%, cộng với hàng loạt chi phí phát sinh do Covid-19. "Có DN chuyên về đồ hộp đã tăng giá bán đến 15%-30% hầu hết các mặt hàng. Vissan sau khi cân đối tổng chi phí chỉ tăng giá đồ hộp từ 5% như là cách san sẻ với khách hàng trong lúc khó khăn chung" – ông Dũng bày tỏ. Đại diện DN này nói thêm sức mua các mặt hàng của công ty đã giảm 20% so với các tháng dịch do người tiêu dùng không còn nhu cầu mua trữ các mặt hàng đồ hộp, thực phẩm chế biến. "Người tiêu dùng đã hết tiền nên cả khi có khuyến mãi họ cũng chỉ tăng mua thêm một ít chứ không mua thoải mái như những năm trước. Do đó, từ nay đến cuối năm, công ty sẽ không điều chỉnh giá bán hàng chế biến, khả năng cũng sẽ giữ giá các mặt hàng tươi sống vì sức mua quá yếu. Thay vào đó là sẽ tăng cường các hoạt động khuyến mãi, giảm giá để kích cầu" – ông Dũng cho hay.
Còn theo đại diện hệ thống cửa hàng Organic Food, bộ phận thu mua đang nhận hàng loạt báo giá tăng của các nhà cung cấp. "Đặc biệt, hàng nhập khẩu tăng rất nhiều do trục trặc vấn đề vận chuyển. Nhà cung cấp có thế khó của họ nhưng giờ giá bán lẻ mà tăng nữa thì rất khó. Chúng tôi đang rà soát lại hàng hóa, với mặt hàng nào tăng giá cao chúng tôi phải chọn sản phẩm thay thế có chất lượng tương đương mà giá thấp hơn" – đại diện hệ thống cửa hàng Organic Food nêu giải pháp.
Ở kênh phân phối hiện đại, từ đầu tháng 10 đến nay, bộ phận thu mua của các siêu thị liên tục nhận đề nghị và đàm phán với các nhà cung cấp tất cả ngành hàng về thời gian, tỉ lệ điều chỉnh giá. Đại diện hệ thống Lotte Mart cho rằng các nhà cung cấp buộc phải tính lại giá vì bù lỗ quá nhiều trong thời gian dịch. Trong bối cảnh đó, nhà bán lẻ đang cố gắng bù đắp bằng việc đa dạng hóa các mặt hàng, tăng thêm lựa chọn cho khách và chính sách giảm giá tối đa, bán hàng với mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng trong các tháng cuối năm.
Hỗ trợ người dân mua sắm với giá tốt
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong nhiều tháng qua, giá hầu hết nguyên phụ liệu dùng trong sản xuất và chi phí sản xuất đã tăng cao, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất trên địa bàn TP HCM chưa ổn định… ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Trong giai đoạn cao điểm, TP HCM và nhiều tỉnh, thành cùng phòng chống dịch, các DN đã nỗ lực kìm giữ giá, tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình Bình ổn thị trường, ổn định nguồn cung, có cơ chế vận hành giá cả linh hoạt phù hợp thị trường; đồng thời, chấp nhận chịu lỗ để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, thực hiện trách nhiệm với xã hội. Vì vậy, diễn biến tăng giá hàng hóa trong các tháng cuối năm là điều không tránh khỏi.
Để giảm áp lực cho thị trường, Sở Công Thương TP HCM đã tổ chức chương trình "Khuyến mại tập trung năm 2021" kéo dài từ ngày 15-11 đến 31-12 nhằm hỗ trợ người dân mua sắm hàng hóa với mức giá tốt nhất có thể. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã tăng cường hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành; phối hợp với các tỉnh, thành và sở ngành liên quan tạo điều kiện cho hàng hóa các địa phương vận chuyển, đưa về TP HCM tiêu thụ thuận lợi nhất. Song song đó là đẩy nhanh tiến độ đưa vào hoạt động trở lại các chợ truyền thống còn đang tạm ngưng hoạt động, tăng dần hiệu quả hoạt động các chợ đầu mối… để bảo đảm cung – cầu hàng hóa cho thị trường. "Khi nguồn cung hàng hóa cho thị trường dồi dào, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn thì giá cả hàng hóa sẽ được thị trường điều tiết tốt hơn" – ông Phương tin tưởng.
 
Nhóm phóng viên (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)