Gia cầm chưa qua kiểm dịch được bày bán gần cầu Ông Lớn (giáp danh Bình Chánh và Q.7)
|
Trước Tết và sau Tết Nguyên đán, ở nhiều đoạn đường và các chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM, gia cầm sống chưa qua kiểm dịch được bày bán tràn lan. Đây là mối hiểm họa đối với sức khỏe người dân, bởi nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người là rất lớn…
Gia cầm sống: mua bao nhiêu cũng có
Ngày 4-2, trên đoạn đường Nguyễn Văn Linh (gần cầu Ông Lớn, giáp ranh Q.7 và huyện Bình Chánh), một người đàn ông khoảng 40 tuổi đang bày bán gần 20 con gà. Theo ông, đó là gà ta mà gia đình ông nuôi ở Long An nên đảm bảo không có bệnh. Ông còn quảng cáo, gà thả vườn, nuôi tự nhiên nên thịt rất ngon.
Mười mấy con gà của ông được nhốt trong một cái lồng sắt, trông chúng không còn lanh lẹ, thậm chí có con mào chuyển sang màu tím tái. Tuy vậy, vẫn có người mua. Ông cho biết từ mùng 5 Tết đến nay, trung bình mỗi ngày bán được trên dưới 10 con. Riêng ngày hôm nay, từ 7 giờ đến 9 giờ sáng đã bán được 5 con.
Cách chỗ ông bày bán gà không xa là một phụ nữ cũng… bán gà. Người phụ nữ này chỉ có vài con gà, chúng được buộc chân và đặt nằm dưới mặt đường. Chị cho biết: “Nhà tôi ở huyện Bình Chánh, có mấy con gà nhà nuôi đem bán lấy tiền đóng học phí cho các con. Hôm nay, ngày mai, ngày mốt nhiều người cúng rằm nên gà bán được giá cao”.
Quả đúng vậy, so với mấy ngày sau Tết, thậm chí là cả trước Tết, hiện giá gà đã tăng lên từ 15-20 ngàn đồng/kg. Những ngày cận Tết, gà mái có giá 90-95 ngàn/kg, gà trống cao hơn 5-10 ngàn/kg. Mùng 4 Tết, ở khu vực cầu Tham Lương, giá gà từ 80-85 ngàn đồng/kg. Đến ngày 4-2 (nhằm ngày 13 tháng giêng), gà có giá 105-110 ngàn đồng/kg.
Theo ghi nhận của chúng tôi, gà được bán khá nhiều ở những khu vực giáp ranh. Điển hình như khu vực cầu Chợ Cầu (giáp ranh Q.Gò Vấp và Q.12), cầu Tham Lương (giáp ranh Q.Tân Bình và Q.12), khu vực giáp Q.8 và Bình Chánh, Bình Chánh và Q.7, Q.Thủ Đức và Dĩ An (tỉnh Bình Dương)…
“Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi chọn khu vực này để buôn bán. Vì nếu thấy công an Q.Gò Vấp đuổi thì chạy sang Q.12; ngược lại công an Q.12 đuổi thì chạy sang Gò Vấp”, một phụ nữ bán gà ở khu vực cầu Chợ Cầu cho biết.
Không được thờ ơ với cúm gia cầm
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến thời điểm này, cả nước đã có 2 trường hợp tử vong do cúm gia cầm H5N1. Trường hợp thứ nhất là một thiếu niên (16 tuổi) làm nghề chăn vịt ở Kiên Giang. Trường hợp thứ 2 là một phụ nữ (26 tuổi) ở huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Trước khi nhiễm bệnh, bệnh nhân này đã giết mổ và ăn thịt gà bị bệnh. Không chỉ có vậy, khu vực bệnh nhân này sinh sống đã xuất hiện nhiều gia cầm ốm chết.
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa làm hàng trăm con gia cầm bị ốm, chết.
Trước tình hình dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người có chiều hướng phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo: người dân khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương. Đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.
Mặc cho ngành y tế khuyến cáo, cảnh báo, nhiều người dân vẫn vô tư mua và sử dụng gia cầm chưa qua kiểm dịch được bày bán ở ngoài đường. Trong lúc đóng vai người mua gà trên đường Nguyễn Văn Linh (đầu cầu Ông Lớn, giáp ranh Q.7 và huyện Bình Chánh), chúng tôi gặp một cặp vợ chồng mua tới hai con gà (một trống – một mái). Chị vợ cho biết: “Hôm nay gia đình tôi cúng rằm tháng giêng. Nhân tiện cũng mời khách nên phải mua hai con mới đủ”. Khi được hỏi không sợ cúm gia cầm hay sao?, chị hồn nhiên trả lời: “Thành phố vẫn chưa xuất hiện cúm mà”…
Ngoài nguyên nhân “thành phố chưa xuất hiện cúm gia cầm” thì còn một nguyên nhân khác khiến việc buôn bán gia cầm chưa qua kiểm dịch vẫn tấp nập. Chị Hà (sống ở chung cư Sài Gòn mới, huyện Nhà Bè) cho biết: “Gia đình tôi không ai thích ăn gà trong siêu thị, vì gà bán ở đó làm lâu nên mất ngon. Vả lại, nếu cúng thì phải mua gà còn sống về làm mới tốt. Vì vậy, dù có chút e ngại với gà bày bán ngoài đường nhưng tôi vẫn mua. Quan trọng là khi mua, phải chọn những con gà còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Và phải nấu chín trước khi ăn, không ăn tiết canh”.
Đành rằng là như vậy, nhưng thật khó đảm bảo những con gà dù nhanh nhẹn đang được bày bán ở ngoài đường không mang mầm bệnh.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Mặc cho ngành y tế khuyến cáo, cảnh báo, nhiều người dân vẫn vô tư mua gia cầm chưa qua kiểm dịch được bày bán ở ngoài đường. |
Bình luận (0)