Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Gia cầm thiếu an toàn vẫn bán nhiều nơi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Gia cầm sống chưa qua kiểm dịch bán tại chợ Phạm Văn Hai

Tại khá nhiều chợ, tình hình buôn bán gà – vịt chưa qua kiểm dịch, giết mổ thiếu an toàn (gọi chung là gia cầm thiếu an toàn – GCTAT) vẫn diễn ra. Mặc dù mới đây hai bệnh nhân bị nhiễm virus cúm A H5N1 tử vong khi chuyển từ Đồng Tháp lên thành phố…
GCTAT trong các chợ vẫn bán công khai
Chúng tôi đã vào tận gian hàng bán gia cầm ở một số chợ, và rất bất ngờ là tại đây GCTAT dạng chưa giết mổ được bày bán khá nhiều và công khai. Tại chợ Phạm Văn Hai phường 3 – quận Tân Bình, GCTAT dạng nguyên con còn sống và dạng đã làm thịt được bán hàng chục điểm tại đường Đinh Điền giữa chợ. Cùng chen lấn, luồn lách trong chợ, chúng tôi đã làm liều chụp nhanh được rất nhiều hình ảnh mà người bán không kịp phản đối. Thậm chí, sau khi quan sát cảnh mua bán, giết mổ, chúng tôi hỏi: Bán vậy không sợ bị bắt sao?- chị bán hàng cười trả lời: “Sợ chứ, nhưng bán lén!”. Rõ ràng là chị bán hàng biết rõ việc bán gà của mình là vi phạm quy định phòng chống dịch cúm gia cầm, nhưng vẫn lén lút bán…
Tình trạng GCTAT đã giết mổ, hầu như có bán ở rất nhiều chợ như chợ Cây Quéo phường 6 – quận Bình Thạnh, chợ Cây Thị phường 11 – Bình Thạnh, chợ Xóm Mới phường 16 – Gò Vấp… Nhiều nơi GCTAT được bày bán chung gia cầm có thương hiệu an toàn. Cũng có khi họ bày bán gia cầm trong bao bì có thương hiệu gia cầm an toàn nhưng… đã xé miệng bao!
Vẫn biết người nông dân bán vài ba con gà vịt mình nuôi để kiếm chút tiền là rất cần thiết. Tuy nhiên, do tình hình dịch cúm gia cầm có nguy cơ lan nhanh, tai họa không thể lường được nên các ngành chức năng phải kiên quyết ngăn chặn tình trạng này. Dù GCTAT giá rẻ hơn gia cầm an toàn nhưng người dân tuyệt đối không nên mua để bảo vệ sự an toàn cho mình.
Gian nan phòng chống
Trước thực trạng lén lút buôn bán GCTAT, PV Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phan Xuân Thảo – Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm (PCDCGC) TP.HCM.
Hiện nay cả nội thành lẫn ngoại thành TP vẫn còn nhiều điểm bán GCTAT. Ông có thể cho biết những khó khăn trong công tác PCDCGC trên địa bàn TP hiện nay?
Ông Phan Xuân Thảo:
– Tình hình vận chuyển, kinh doanh GC sống, sản phẩm GC lậu vẫn tái diễn, nhất là các địa bàn vùng ven và các cửa ngõ TP. Tại nội thành, thời gian qua nhờ sự nỗ lực kiểm tra xử lý nên tình hình kinh doanh GC sống, GC lậu có giảm nhưng vẫn tồn tại, các đối tượng vi phạm bất chấp hậu quả dịch bệnh, vẫn lén lút kinh doanh. Chỉ cần vắng các lực lượng kiểm tra là việc mua bán xuất hiện trở lại.
– Dù nhiều năm qua, TP đã tuyên truyền các biện pháp PCDCGC, vận động người dân chủ động thực hiện PCDCGC nhưng vẫn còn một số người dân thường xuyên tiêu thụ GC không an toàn.
Chính quyền địa phương sẽ bị xử lý thế nào nếu địa bàn do mình quản lý vi phạm các quy định PCDCGC?
– UBND TP đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cấp ngành nếu không xử lý các tồn tại trong công tác PCDCGC. Cụ thể UBND TP sẽ phê bình lãnh đạo địa phương bằng văn bản nếu còn tồn tại các điểm kinh doanh GC sống trái phép, được các đoàn kiểm tra, báo chí phản ảnh nhưng không có biện pháp xử lý triệt để. Nếu để phát sinh dịch bệnh xảy ra sẽ bị kỷ luật cao hơn.
Ông có thể cho biết tình hình DCGC, tình hình PCDCGC trên địa bàn TP?
– Mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ trên 100.000 con GC từ các tỉnh, là địa bàn có mật độ dân cư cao nên nguy cơ bùng phát DCGC rất cao. Hơn nữa, tỷ lệ bảo hộ đối với vắc xin cúm gia cầm, thủy cầm từ các tỉnh nhập về các cơ sở giết mổ tại thành phố chưa cao, năm 2008 tỷ lệ này trên gà là 51,24%, và trên vịt là 18,07%
– TP đã ban hành công văn số 525/UBND-CNN, ngày 13-2-2009. Cụ thể đã thành lập các đoàn công tác, các ban chỉ đạo PCDCGC cấp TP, quận, huyện, tăng cường công tác kiểm tra xử lý việc mua bán gia cầm sống trái phép.
Thực tế là vẫn còn rất nhiều điểm mua bán chim, gà đá tại nội thành, rất dễ làm phát sinh và lây lan DCGC. Ông nghĩ thế nào?
– Vẫn còn tình trạng nuôi GC thả rong trong khu vực dân cư ngoại thành, và việc nuôi gà đá trái phép trong nội thành. Việc kiểm tra, vận động và xử lý tại nhiều địa bàn chưa triệt để và thường xuyên.
– TP chủ trương không khuyến khích phát triển chăn nuôi GC – thủy cầm. Nghiêm cấm việc tập trung kinh doanh chim cảnh trong khu vực dân cư. Nếu ở ngoại thành, việc chăn nuôi GC phải đăng ký với ngành thú y và được thẩm định và cấp phép đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn sinh học.
Chi cục Thú y có lời nhắc nhở gì đối với công tác PCDCGC?
– Các đoàn kiểm tra liên ngành và nhất là các địa phương phải tập trung và kiên quyết hơn nữa trong công tác PCDCGC. Người tiêu dùng phải tuyệt đối không mua, không sử dụng GC sống, sản phẩm GC thiếu an toàn, không bao bì nhãn mác…
Khắc Dũng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)