Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giá cát leo thang

Tạp Chí Giáo Dục

Hai tháng nay, trong lúc giá cả các loại vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, gỗ tạm đứng yên thì trên thị trường giá cát xây dựng đột biến tăng vọt. Không chỉ người dân mà cả với các chủ thầu xây dựng cũng lao đao vì giá cát “nhảy múa” liên tục.

Các chủ thầu xây dựng lao đao vì giá cát “nhảy múa” liên tục

Nếu trước đây giá cát vàng để làm hồ xây tô không vượt ngưỡng 200.000 đồng/m3 thì sau hơn một tháng giá đã nhảy vọt lên 400.000 đồng và đang có khả năng lên tới 500.000 đồng/m3.

Cát vàng thành cát… đắt đỏ

Sau 1 tháng thi công, ngôi nhà 3 tầng của vợ chồng chị Hoài trên đường Thiên Hộ Dương, P.1, Q.Bình Thạnh phải ngưng vì lý do thiếu cát. Nhìn ngôi nhà xây dở thiếu vật liệu xây dựng, anh Hoàng than thở: “Ngôi nhà này vợ chồng tôi tính xây từ năm trước nhưng ông bà ngoài quê khuyên năm nay khởi công cho may mắn, ai ngờ mới động thổ được 2 tháng thì giá cát tăng lên gấp đôi, gấp ba”. Không chỉ người dân điêu đứng vì giá cát bất ngờ tăng vọt mà các chủ vựa xây dựng cũng không có cát để bán. Bà Thu – chủ kinh doanh vật liệu xây dựng Triệu Phát ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức rầu rĩ: “Trước Tết tôi nhập mỗi ngày cả mấy trăm mét khối cát để giao hàng nhưng 1 tháng nay có ngày chỉ có vài chục khối mà giá cả cứ tăng vọt”. Theo bà Thu giải thích, giá cát lên hàng càng hiếm và khi hàng hiếm thì giá cũng tự đội lên. Đó là lý do vì sao cát lại tăng giá chóng mặt như vừa qua.

Trong vai người đi hỏi vật liệu xây dựng để về xây nhà, dạo vòng quanh một số vựa cát ở Thủ Đức và Bình Thạnh chúng tôi thấy đi mua cát thời điểm này vô cùng khó khăn vì giá quá cao mà hàng lại khan hiếm. Ông H. một chủ vựa vật liệu xây dựng ở đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh cho biết, cát san lấp mặt bằng 110.000 đồng/m3, còn cát vàng để trộn hồ chất lượng tốt giá 450.000 đồng/m3. Ông chủ 50 tuổi cũng cho biết thêm giá cát các loại cách đây 2 tháng chỉ bằng 1/3 hoặc cao lắm thì cũng chỉ bằng 1/2 giá hiện tại. Trong vai người mua cát bằng cách gọi điện thoại, hầu hết chúng tôi đều nhận được câu trả lời từ chối là không có hàng và nếu có thì phải đặt cọc trước số tiền 20 đến 30% nhưng sau vài ngày mới có cát.

Giá lên chất lượng đi xuống

Giá cát “dựng đứng” đã làm cho chất lượng của loại vật liệu này xuống cấp theo. Đây là một nghịch lý. Anh Hoàng cho biết, nếu trước đây cát vàng có chất lượng tốt, sạch hầu như không có bùn đất và rác thì nay đã tỷ lệ nghịch với giá bán. Một điều rất vô lý là tuy giá cao nhưng lại không có sản phẩm “sạch” như trước đây. Tuy nhiên so với chất lượng cát san lấp mặt bằng thì vẫn “dễ coi” hơn vì theo nhiều người cát san lấp mặt bằng hầu như chỉ có “danh” mà không có “phận” vì mang tên là cát nhưng chất lượng chỉ là đất pha cát hoặc cát pha sình. Vì thế để có đủ vật liệu xây nhà nhiều người đã “nhắm mắt nhắm mũi” mua cát san lấp để về trộn hồ sau khi làm sạch. Tuy phải mất công và đẩy giá thành lên nhưng theo nhiều người vẫn còn có cát để mà xây. Cái khó ló cái khôn, một số người đành thay thế cát san lấp bằng các vật liệu có thể khác như xà bần, đất mịn, gạch bể để nâng nền nhà. Tuy biết rằng chất lượng không đảm bảo nhưng đây là giải pháp bắt buộc chứ không còn “cửa” nào hơn. Nhiều vựa cát ven sông những năm trước hoạt động gần như 24/24 để nhập hàng thì 2 tháng nay đã hoạt động cầm chừng, tàu bè vào đây “ăn hàng” đã giảm số lượng.

Bà Nguyễn Ngọc Thanh – Trưởng phòng Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng TP.HCM) định hướng, trong lúc chờ đợi cân đối lại nhu cầu cát trong xây dựng để tránh tình trạng tăng giá và đầu cơ, các cấp và địa phương cần triển khai phương án dùng vật liệu khác thay thế như xỉ, cát nhân tạo, đá. Đồng thời tham mưu chính quyền chống đầu cơ tăng giá kết hợp với nghiêm cấm khai thác cát lậu làm ảnh hưởng đến môi trường và điều kiện sống của người dân.

Cũng có một số chủ kinh doanh đã dùng cát nước mặn để xây nhà sau khi rửa sạch tuy nhiên đây cũng là giải pháp tình thế xấu trong thời buổi “củi quế gạo châu” hạt cát được coi là “quý như hạt vàng” đối với dân xây dựng. Một chủ vựa vật liệu xây dựng ở P.Hiệp Bình Phước tiết lộ, khách hàng thường mua cát nước mặn về xây chủ yếu là chủ kinh doanh xây nhà để bán sau khi sang tay rồi thì không còn chịu trách nhiệm về chất lượng nữa. Hậu quả là người mua nhà và người ở sau đó lãnh đủ vì mọi sự cố có thể xảy ra. 

Theo các chuyên gia vật liệu xây dựng, giá cát tăng là do nguyên nhân gần đây các cơ quan chức năng đã siết chặt hoạt động khai thác cát trái phép, mạnh tay với các điểm múc cát lậu trên sông. Hàng chục ngôi nhà, hàng trăm kilômét bờ sông bị sạt lở là do khai thác cát bừa bãi. Một số điểm được cấp phép cũng tạm dừng nên nguồn ra của sản phẩm giảm. Nên giá cát tăng từ 50 đến 200% là điều dễ hiểu. Hàng hiếm nên một số đầu nậu vật liệu xây dựng đầu cơ tự đẩy giá lên ảnh hưởng không nhỏ đến nhà thầu và bức tranh xây dựng của các công trình đang thi công dở cũng xám xịt theo. Một số trường học vào mùa xây dựng, sửa chữa trong dịp hè cũng đang lo lắng cho tiến độ thi công lớp học vì sự khan hiếm của các loại cát.

Theo TS. Trần Văn Miền – Chủ nhiệm bộ môn – Khoa Kỹ thuật xây dựng ((Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm cát và thiếu cát từ 30 đến 40% như hiện nay trong đó có giải pháp dùng các vật liệu khác như đá, xà bần, chất thể rắn khác. Hiện nay một số nơi đã dùng cát nghiền từ đá cũng có chất lượng tương đương. Cũng theo TS. Miền, dù khan hiếm cũng không nên dùng cát nhiễm mặn vì ảnh hưởng đến độ bền của công trình dễ để lại những hậu quả xấu về sau.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)