Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giá cát tăng, nên dùng cát nghiền

Tạp Chí Giáo Dục

Hoạt động khai thác bị siết chặt khiến nguồn cung khan hiếm và giá cát tăng vọt. Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp để vừa hạn chế “cát tặc” vừa đáp ứng nhu cầu là đẩy mạnh sử dụng cát nghiền (nhân tạo).

Giá cát tăng, nên dùng cát nghiền
Kinh doanh cát trên bờ sông Hồng.

Giá cát tăng từng ngày

Đứng cạnh chiếc xe tải của mình, anh Nguyễn Văn Hùng (ở Bắc Ninh) cho biết hôm nay anh chưa chở được chuyến cát nào dù các hộ dân đang xây nhà gọi rất nhiều. Theo anh, giá cát xây dựng tại Bắc Ninh hiện đã tăng gần gấp đôi so với trước bởi các tàu cát ít về.

“Cũng có cát nhưng là cát xấu, để đổ nền hoặc xây thì được chứ để trát thì không được. Mấy hôm nay, tôi chỉ chở cầm chừng cho mấy nhà đang xây chứ không có nhiều như trước” – anh Hùng nói. Cách đó vài trăm mét là những tàu cát, máy hút đang đỗ im lìm trong bến sông Đuống vốn rất tấp nập.

Không chỉ ở Bắc Ninh, tại Hà Nội giá cát xây dựng cũng tăng ít nhất gấp 2 lần và xu hướng tăng vẫn chưa dừng lại. Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, thời điểm tháng 12/2016, giá cát xây dựng dao động từ 56 đến 238 nghìn đồng/m3.

Đến nay, cát xây dựng bán lẻ được các đơn vị kinh doanh chào bán với giá từ 100 đến 340 nghìn đồng/m3. Trong đó, đội giá nhất là cát lẫn phù sa để san nền tăng gần 3 lần và cát dùng để trát tăng 2 lần. Theo các chủ kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD), đây cũng chỉ là giá tham khảo và sẽ tăng theo từng ngày còn giá các VLXD khác vẫn ổn định.

Lý giải việc tăng giá cát, anh Huy – làm nghề kinh doanh vật liệu xây dựng trên tuyến sông Cầu tại Sóc Sơn cho rằng nguyên nhân là do Nhà nước cấm khai thác cát tràn lan. Anh cho biết: “Trước tàu cát kể cả có phép hay không phép về rất đều nhưng giờ không phép bị cấm hoàn toàn còn các tàu có phép tôi thấy hoạt động cũng cầm chừng”.

Đẩy mạnh sử dụng cát nghiền

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD của Thủ tướng, nhu cầu cát xây dựng của nước ta năm 2015 là 92 triệu m3/năm và năm 2020 tăng lên 130 triệu m3/năm. Ông Tống Văn Nga – Chủ tịch Hội VLXD cho rằng đáp ứng nhu cầu này về lâu dài rất khó bởi cát là nguồn tài nguyên ít tái tạo.

Ông phân tích: “Các mỏ cát bồi lắng của nước ta rất ít và chủ yếu phải dùng cát ở sông, suối nhưng khai thác ở đây gây ra rất nhiều hậu quả về môi trường. Nguồn cát này cũng không được bổ sung do các công trình thủy điện tràn lan cộng thêm việc người dân khai thác vô tội vạ”.

Ông Nga cho rằng, cần phải cấm triệt để việc khai thác cát trái phép. “Nhưng không thể cứ không quản được thì cấm, đây là hành động hết sức nguy hiểm bởi ngành xây dựng không thể thiếu cát 1 ngày. Phải cấm tuyệt đối việc xúc cát bán ra nước ngoài, kể cả cát nước ngọt hay cát nước mặn nhưng cần khảo sát kỹ, cấp phép đúng cho những anh làm ăn nghiêm chỉnh, chỉ phục vụ cát cho xây dựng trong nước” – ông Nga nói.

Đồng tình ý kiến trên, TS Thái Duy Sâm – Phó Chủ tịch Hội VLXD nói thêm, một trong những biện pháp ngăn cát tặc là giảm nhu cầu với cát tự nhiên bằng các giải pháp khác nhau. Trong đó, việc đẩy mạnh sử dụng cát nghiền (cát nhân tạo – PV) là một biện pháp quan trọng.

Ông Sâm nói: “Một số công trình thủy điện ở Sơn La, Lai Châu đã sử dụng cát nghiền bởi ở đó cát tự nhiên ít mà chở từ vùng dưới lên thì không hiệu quả. Việc này trên thế giới họ làm rất phổ biến, các tỉnh miền núi cũng áp dụng nhưng chỉ ở quy mô nhỏ, tự cung tự cấp. Giờ phải đẩy mạnh sử dụng cát nghiền nhất là ở vùng cao còn đồng bằng khó áp dụng do giá cát tự nhiên quá thấp, chỉ việc hút lên là bán”.

Ngoài ra, hai chuyên gia cũng đưa ra một số biện pháp khác để giảm nhu cầu sử dụng cát tự nhiên như dùng đất đồi cho việc san lấp các khu công nghiệp, khu đô thị; các công trình cũng nên sử dụng các vật liệu không nung, kích thước lớn để giảm việc dùng cát vào xây, trát…  

Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, thời điểm tháng 12/2016, giá cát xây dựng dao động từ 56 đến 238 nghìn đồng/m3. Đến nay, cát xây dựng bán lẻ được các đơn vị kinh doanh chào bán với giá từ 100 đến 340 nghìn đồng/m3. Trong đó, đội giá nhất là cát lẫn phù sa để san nền tăng gần 3 lần và cát dùng để trát tăng 2 lần.

Xuân Ân (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)