Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giả danh Giám đốc Công ty xổ số lừa đảo tiền tỷ

Tạp Chí Giáo Dục

Các đối tượng đã lập một kịch bản hoàn hảo, giả mạo từ cán bộ đến giám đốc công ty xổ số, dẫn dụ bị hại vào "mê hồn trận", khiến bị hại mất hết phương hướng, đưa tiền cho chúng.

Phương tiện lừa đảo của các đối tượng.
Phương tiện lừa đảo của các đối tượng.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã khởi tố bị can đối với 4 đối tượng gồm Lê Văn Nguyên, SN 1968, trú ở đường 55, phường 10, quận 6, TP Hồ Chí Minh; Trần Phước Minh, SN 1982, trú ở phường 12, quận 11, TP Hồ Chí Minh; Đặng Thị Hồng Hà, SN 1979, trú ở xã Đức Hoà Hạ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An; Võ Văn Đầy, trú ở xã Á Rặc, huyện Lai Vung, Đồng Tháp về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng trên đã lập một kịch bản hoàn hảo, giả mạo từ cán bộ đến giám đốc công ty xổ số, dẫn dụ bị hại vào "mê hồn trận", khiến bị hại mất hết phương hướng, đưa tiền cho chúng để chơi xổ số, số đề. Sau khi bị hại gửi tiền, các đối tượng lập tức "biến mất" luôn. Với thủ đoạn trên, các đối tượng đã chiếm được tiền tỷ của bị hại khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh tan cửa, nát nhà.

Một trong những bị hại của nhóm đối tượng trên là chị Nguyễn Thị T., trú ở quận Hà Đông, Hà Nội. Chị T. là cán bộ về hưu, sống chật vật với mức trợ cấp hàng tháng. Một ngày giữa năm 2015, có một người đàn ông giọng miền Nam gọi điện vào máy chị, xưng tên là Tài, là người quen cũ, hỏi thăm cuộc sống của chị T.. Tưởng thật, chị T.cũng đáp lại.

Sau vài ba câu chuyện, Tài nói hiện mình làm ở Công ty xổ số của nhà nước, làm ăn rất phát đạt nên kinh tế khá giả. Trước khi ngắt máy, Tài còn hẹn hôm nào sẽ đến nhà chị T. chơi. Bẵng đi vài hôm, Tài gọi điện lại, nói với chị T. là chưa thu xếp thời gian đến chơi được nhưng có "món hời" có thể giúp đỡ chị T. kiếm thêm thu nhập.

Theo lời của Tài thì hắn có "chú Ba" là Giám đốc Công ty xổ số, hiện Công ty đang có chương trình làm từ thiện nên sẽ gửi tiền, cho số để người quen đánh đề, sau khi trúng, khách hàng được hưởng 15% tổng số tiền trúng, số còn lại phải gửi lại cho công ty để ủng hộ người nghèo. Nói rồi, Tài cho chị T. số máy "chú Ba" để chị T. gọi lại.

Tưởng thật, chị T. gọi điện lại cho "chú Ba", "chú Ba" cho số 64, hứa sẽ cung cấp tiền để chị T. đánh. Tuy nhiên, khi gần đến giờ hẹn công ty đưa tiền, các đối tượng liền ra nhiều lí do không gửi kịp, yêu cầu chị T.tự bỏ tiền ra đánh. Hôm đó, chị T. trúng được hơn 30 triệu đồng. Lập tức, Tài gọi điện lại, yêu cầu chị T. gửi 28,5 triệu vào tài khoản của "công ty" để làm từ thiện. Chị T. tin tưởng gửi ngay.

Về phía chị T., sau khi trúng đề nên rất tin tưởng vào việc "cho số" của Tài và "chú Ba". Chính vì vậy, khi các đối tượng này nói rằng "công ty"cho số đề để chị được hưởng với số tiền nhiều hơn, nhưng để đảm bảo trách nhiệm với "công ty" thì chị phải đóng trước 2 tỷ đồng để "đặt cọc", sau đó công ty sẽ cho số chính xác.

Do không có tiền nên chị T. không muốn đánh nữa, nhưng các đối tượng thúc giục nhiều lần, đưa ra nhiều viễn cảnh hay ho khiến chị tin tưởng, gửi cho chúng 1 tỷ đồng. Nhận số tiền trên, các đối tượng thấy chị T.vẫn còn có khả năng "gom" thêm tiền nên chúng lại gọi điện hối thúc, yêu cầu chị T. tiếp tục gửi tiền, nếu không sẽ mất 1 tỷ đã đưa trước.

Sợ mất tiền, "đâm lao đành phải theo lao", chị T. ngược xuôi vay mượn bạn bè, gia đình, lấy toàn bộ tiền bố mẹ chồng cho để mua nhà đem gửi cho "công ty xổ số" mong sớm được "đổi đời". Không ngờ, sau khi nhận được 2 tỷ đồng của chị, "chú Ba" cùng các đối tượng khác "lặn" mất tăm, điện thoại không liên lạc được. Không còn cách nào khác, chị T. đành làm đơn gửi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) đề nghị điều tra, làm rõ các đối tượng đã lừa đảo chị.

Nhận được đơn của chị T., cán bộ chiến sĩ Trung tâm phục hồi dữ liệu chứng cứ điện tử (Phòng 6), Cục C50 đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ nhóm đối tượng gây án. Việc thu thập tài liệu, chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn vì đối tượng và bị hại không quen biết nhau, chưa từng gặp mặt mà chỉ trao đổi qua điện thoại, trong khi đó, sau khi lừa đảo được, chúng không sử dụng sim điện thoại đã liên hệ với chị T. nữa.

Xác định rằng, việc mở "nút thắt" của vụ án chính là xác minh, làm rõ đối tượng đã nhận tiền của chị T.. Đó là Đặng Thị Hồng Hà – chủ doanh nghiệp tư nhân Hải Thịnh, ở xã Đức Hoà Hạ, Đức Hoà, Long An. Hà là đối tượng chuyên nhận tiền, chuyển tiền có nguồn gốc bất minh, quanh co, gian dối không chịu khai báo, có nhiều phương thức đối phó với cơ quan điều tra. Trong giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân Hải Thịnh do Hà làm chủ có ngành nghề nhận – chuyển tiền.

Lợi dụng điều này, Hà là đầu mối cho nhiều vụ nhận tiền lừa đảo. Đây cũng là điểm khó nhất để đấu tranh với đối tượng  này. Trước đây, nhiều đơn vị thụ lí các vụ án tương tự không chứng minh được hành vi lừa đảo của cô ta. Quyết tâm làm rõ được hành vi phạm tội, không để Hà tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, Đại tá Trần Văn Thắng, Trưởng phòng 6, C50 đã cùng đồng đội nghiên cứu kỹ tài liệu, hồ sơ nhận, chuyển tiền của Hà, từ đó các anh phát hiện hồ sơ thu giữ tại nơi ở của Hà có dấu hiệu bị làm giả để hợp thức hoá việc nhận – chuyển tiền.

Để che giấu hành vi, Hà thừa nhận, có nhận chuyển hơn 2 tỷ đồng cho Trần Phước Minh nhưng đã ký kết biên bản thoả thuận với Minh, chỉ hưởng 1% phí, không biết nguồn gốc tiền là gì. Cơ quan điều tra cũng làm rõ, tài khoản của Hà, ngoài nhận tiền của chị T và anh Nguyễn Văn P ở Bắc Giang (cũng bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự), còn nhiều lần nhận tiền của các bị hại khác trong một số vụ việc do Công an các tỉnh, thành phố đang giải quyết.

Do Hà loanh quanh chối tội nên ngoài việc thu thập chứng cứ, lực lượng chức năng đã đấu tranh với Trần Phước Minh và các đối tượng khác. Minh và đồng bọn khẳng định, đã nói rõ cho Hà biết đây là tiền lừa đảo bằng hình thức cho số đề; mỗi lần giao tiền Hà đều "cắt" 20% số tiền nhận và chuyển. Minh chưa bao giờ ký kết vào một loại giấy tờ gì do Hà đưa.

Đến lúc này, biết không còn chối cãi được nữa, Hà xin đầu thú và khai nhận bản thân biết nguồn gốc số tiền 2 tỷ đồng chị T chuyển cho Minh là tiền Minh lừa đảo, Minh cũng đã nói cho Hà biết việc trên nên Hà đã thỏa thuận chuyển và được hưởng 20% là 400 triệu đồng. Khi nhận tiền và chuyển tiền, Hà không yêu cầu Minh ký kết giấy tờ gì, sau này mới hợp thức hoá hồ sơ, giả chữ ký của Minh.

Giả danh Giám đốc Công ty xổ số lừa đảo tiền tỷ - ảnh 1
Hai đối tượng giả danh công ty xổ số để lừa đảo bị cơ quan công an bắt giữ.

Từ kết quả điều tra và lời khai của các đối tượng, cơ quan Công an đã làm rõ Lê Văn Nguyên là đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong việc lừa đảo chiếm đoạt 2 tỷ đồng của chị T. Nguyên cùng với Võ Văn Đầy bàn bạc cách thức đóng vai cán  bộ công ty xổ số để cho số đề. Theo đó,Đầy đóng vai người có tên là Tài chịu trách nhiệm tìm "con mồi", sau đó giới thiệu Nguyên. Nguyên đóng vai "chú Ba" là giám đốc công ty xổ số, Minh đóng vai thủ quỹ tên là Hùng. Sau khi trừ chi phí thì Nguyên và Đầy mỗi người được hưởng 50%, cho Minh bao nhiêu tuỳ ý.

Đúng theo kịch bản trên, các đối tượng đã lừa được chị H 2 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn làm rõ hành vi lừa đảo của Huỳnh Thanh Thảo, SN 1967, trú ở ấp An Định, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng và Thái Thanh Hùng, SN 1961, trú ở xã Đức Hoà Hạ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Thảo và Hùng cũng giả danh giám đốc công ty xổ số chiếm đoạt của anh Nguyễn Văn P., trú ở Bắc Giang 23 triệu đồng. Sau khi biết anh P, quảng cáo bán xe ôtô trên mạng  internet, Huỳnh Thanh Thảo gọi điện vờ hỏi mua xe ôtô cho con "chú Hai Vinh" làm ở Ban xổ số kiến thiết Thủ đô.

Trong lúc nói chuyện, Thảo giới thiệu "chú Hai Vinh" biết trước kết quả quay thưởng, đang tìm người đánh hộ lô đề. Ngay trong lần đầu đánh theo số "chú Hai Vinh" cung cấp, anh P đã trúng 800 điểm lô. Sau khi chuyển tiền "làm từ thiện", anh P được gợi ý đứng ra làm đại lý xổ số tại Bắc Giang. Nhóm lừa đảo khẳng định, chỉ cần đóng cổ phần 2 tỷ đồng, anh P sẽ biết trước số đề giải đặc biệt.

Do số tiền quá lớn nên anh P không thể đáp ứng ngay. Không muốn "con mồi" hoài nghi, các đối tượng tiếp tục cung cấp thêm con số. Nhưng lần đánh tất tay mới đây anh P đã không trúng thưởng.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã triệt phá băng nhóm lừa đảo do Lê Văn Hồng (ở Kiên Giang) cầm đầu. Băng nhóm lừa đảo này cũng dùng thủ đoạn như trên và chiếm đoạt của hàng nghìn người dân.

Qua nhiều vụ án, cơ quan công an đã cảnh báo tất cả các tỉnh, TP, từ chính quyền quận, huyện các tổ chức thôn, xóm, giúp người dân nâng cao cảnh giác, tránh xa tệ nạn lừa đảo này. Tuy nhiên, tình trạng này tiếp tục xảy ra khiến nhiều người dân nhẹ dạ cả tin vẫn dễ dàng sập bẫy. Theo lời khai của các đối tượng thì sở dĩ một số người mà chúng cho số đã trúng vì mỗi ngày chúng gọi điện cho hàng nghìn người, cho  hàng trăm số nên trong hàng trăm số đó chắc chắn sẽ có người trúng. Điều này khiến cho nạn nhân tin tưởng, tiếp tục sa vào bẫy của chúng. Chính vì vậy, đề nghị mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không nên nghe theo lời dụ dỗ của đối tượng, nếu phát hiện có đối tượng lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an.

Theo Cảnh Sát Toàn Cầu

 

Bình luận (0)