Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương tập trung ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, hoàn thành trước ngày 31-10-2024. Riêng tại TP.HCM, ngày 21-10 vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định (QĐ) sửa đổi, bổ sung QĐ 02 năm 2020 của UBND TP.HCM quy định về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM.
Theo ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh là cần thiết. Quá trình xây dựng được thực hiện bảo đảm đúng quy định pháp luật; đúng tinh thần và phương châm triển khai là bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Giá chênh lệch giữa đất nông nghiệp và đất ở không lớn
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.
Theo ông Thắng, bảng giá đất điều chỉnh được ban hành theo QĐ số 79 ngày 21-10-2024 của UBND TP.HCM gồm 6 loại bảng giá đất. Cụ thể, bảng giá đất nông nghiệp (từ bảng 1 đến 6 của QĐ), mức thu được giữ nguyên như trước, trong đó đất nông nghiệp trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao có mức thu là 1.140 đồng/m2/năm.
Bảng giá đất ở (bảng 8 của QĐ) được đề xuất phù hợp với tình hình hiện nay và có xem xét đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi công tác điều chỉnh bảng giá đất, đặc biệt là các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.
Bảng giá đất thương mại dịch vụ (bảng 9 của QĐ); bảng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ (bảng 10 của QĐ); bảng giá đất thương mại, dịch vụ trong Khu Công nghệ cao (bảng 11 của QĐ); bảng giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ trong Khu Công nghệ cao (bảng 12 của QĐ) được giữ nguyên mức thu như trước đây.
Ông Thắng nhấn mạnh, bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 sẽ là căn cứ để áp dụng cho 12 trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 111 và khoản 1 Điều 159. Lợi ích của bảng giá đất sau điều chỉnh tập trung chủ yếu ở 4 nội dung, gồm: thứ nhất là các khoản lệ phí, thuế, tiền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất, bao gồm các tổ chức và cá nhân; đặc biệt là hộ gia đình, cá nhân được công khai minh bạch và công bằng.
Thứ hai là các khoản xử phạt hành vi vi phạm về đất đai thay đổi theo hướng tăng, góp phần răn đe và làm giảm các hành vi vi phạm; đặc biệt làm trong sạch và phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh.
Thứ ba là việc xác định giá khởi điểm để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đất đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật được thực hiện nhanh hơn và tạo điều kiện cải thiện việc tiếp cận đất đai của các cá nhân, tổ chức có nhu cầu.
Thứ tư, đối với người có đất thu hồi, việc xác định giá tái định cư sẽ công khai, minh bạch và nhanh hơn so với trước đây, đảm bảo công bằng trong giá thu hồi đất và giá bán nền tái định cư.
Bên cạnh các tác động có tính tích cực nêu trên, việc điều chỉnh bảng giá đất có tác động đến nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của một số người dân trên địa bàn TP.HCM. Ông Thắng thông tin, để giải quyết nội dung tác động này, theo quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất được quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Đất đai 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng và tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với các trường hợp chưa được quy định tại khoản 1 Điều 157 Luật Đất đai 2024. Trong đó, có trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.
Trả lời về việc bảng giá đất mới theo QĐ 79 vừa được ban hành có giảm so với bảng giá dự thảo đưa ra trước đây, ông Thắng cho rằng có biên độ dao động về giá khi các đơn vị tư vấn thu thập dữ liệu trước khi đưa ra QĐ. Cụ thể, các đơn vị sẽ dựa trên 8 yếu tố, đảm bảo nguyên tắc tình hình kinh tế – xã hội và thực tiễn giá đất TP.HCM tại thời điểm xây dựng bảng giá đất điều chỉnh.
Về việc chuyển mục đích sử dụng đất, theo ông Thắng, TP.HCM đang cân chỉnh để phù hợp từng khu vực, giá chênh lệch giữa đất nông nghiệp và đất ở không lớn, đảm bảo khoảng chênh lệch không nhiều; cộng chế độ miễn giảm để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đối với việc chuyển tiếp, giá đất để tính nghĩa vụ tài chính sẽ tính từ thời điểm nộp hồ sơ.
Hạn chế ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân
Nói về bảng giá đất sau điều chỉnh, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết, việc xây dựng bảng giá đất theo QĐ 02 bị giới hạn bởi các quy định tại điểm 6 Phụ lục IX, Nghị định 96 năm 2019 của Chính phủ quy định về khung giá đất (tối đa 162 triệu đồng/m²) nên phải thực hiện điều chỉnh so với thông tin thị trường đã thu thập được. Bên cạnh đó, bảng giá đất của TP.HCM theo Luật Đất đai 2013 trong nhiều năm gần đây không còn phù hợp, không phản ánh đúng tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Từ đó, UBND TP nhận thấy sự cần thiết, xem xét điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đến nay, việc xây dựng bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM đã cơ bản hoàn thiện. TP xây dựng bảng giá đất trên cơ sở các nội dung tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường, ý kiến của hội đồng thẩm định. Bên cạnh đó, TP.HCM đã lắng nghe nhiều ý kiến của doanh nghiệp, người dân, báo chí trên địa bàn quan tâm và phản ánh trong thời gian qua…
Ông Cường khẳng định, việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh là cần thiết và quá trình xây dựng được thực hiện bảo đảm đúng quy định pháp luật. Bảng giá đất rất quan trọng, phức tạp vì đối tượng chịu sự tác động lớn; tác động đến các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất và tình hình kinh tế – xã hội của TP.HCM…
“TP.HCM ban hành bảng giá đất điều chỉnh hết sức cẩn trọng, hết sức kỹ lưỡng. Trên cơ sở đó có sự lắng nghe, sự tiếp thu, phản biện toàn diện… phù hợp với quy định pháp luật. Tinh thần chung là phải phù hợp với tình hình thực tế của TP.HCM, nhưng phải hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân. Đúng tinh thần phương châm triển khai là bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư”, ông Cường nói.
Văn Hướng
Bình luận (0)