Mặc dù dầu diesel đã giảm xuống còn 15.500 đồng/lít, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa có động thái nào cho thấy sẽ giảm giá cước.
Tìm hiểu vấn đề này, PV Thanh Niên đã có nhiều cuộc trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc doanh nghiệp xe khách Rạng Đông (chạy các tuyến từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột và Vũng Tàu) nói rằng khi nào giá dầu giảm xuống dưới 10.000 đồng/lít thì xe Rạng Đông mới tính đến chuyện giảm giá cước vận chuyển hành khách.
Ông Ngô Văn Giáp – Phó giám đốc Công ty xe khách Phương Trang (chạy các tuyến từ TP.HCM đi Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng…) lại tính giá dầu diesel mới giảm chưa tới 2% và cũng chỉ giảm được 1/5 so với đợt tăng giá lần trước, nên khó có thể giảm giá cước.
Trong thời gian tới nếu như giá dầu có sự điều chỉnh giảm thêm khoảng 500 đồng/lít thì công ty sẽ giảm 4 – 5% giá cước vận chuyển. Còn ông Nguyễn Hữu Mãng – Giám đốc Công ty xe khách Phương Thảo (chạy các tuyến từ TP.HCM đi miền Tây Nam Bộ) cũng nói giá dầu kỳ trước tăng hơn 2.000 đồng/lít, nay chỉ giảm 450 đồng thì chưa thể tính ngay chuyện giảm giá. Nếu giá dầu giảm thêm 550 đồng nữa thì mới có thể xem xét giảm giá cước đối với vận chuyển khách.
Với vận chuyển khách thì như vậy, còn với vận tải hàng hóa thì sao? Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM Nguyễn Ngọc Lự lý giải: giá dầu giảm 450 đồng/lít là quá ít, không đủ để giảm cước vận tải hàng hóa. Dầu phải giảm ít nhất 3.000 đồng/lít thì cước vận tải mới có thể xuống được.
Nhà nước chỉ nên thả lỏng giá xăng, còn giá dầu thì nên bù lỗ vì đây là nhiên liệu sản xuất của hầu hết các ngành kinh tế, trong đó có vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách công cộng. Trên thực tế trừ xe taxi, xe du lịch loại nhỏ chạy xăng, còn lại hầu hết xe vận tải, tàu hỏa, tàu thủy… đều chạy dầu. Nhiều ngành sản xuất công nghiệp cũng sử dụng dầu. Giảm giá dầu tức là giảm giá đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất, sẽ làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
M.Vọng (Theo TNO)
Bình luận (0)