Giá dầu giao tương lai tiếp tục nhích lên, nối thêm đà tăng nhờ vào dự đoán Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, gọi tắt là OPEC+, sẽ cắt giảm nguồn cung hơn nữa.
Bốn tuần gần đây giá dầu đi xuống, chủ yếu do các dữ liệu kinh tế yếu của 2 thị trường dầu lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, cộng với việc bớt lo về nguy cơ nguồn cung dầu Trung Đông bị gián đoạn. Giá dầu đã giảm gần 20% kể từ cuối tháng 9 vừa qua, theo Reuters.
Tàu chở dầu Pegas treo cờ Nga neo đậu ngoài khơi đảo Evia của Hy Lạp vào cuối năm 2022. Ảnh: Reuters
Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự đoán các mức cắt giảm sản lượng hiện tại của OPEC+ sẽ được giữ nguyên trong năm 2024, còn mức cắt giảm đơn phương của Ả Rập Saudi (giảm 1 triệu thùng/ngày) sẽ được duy trì đến hết quý II năm sau.
Ông Jorge Leon, Phó Chủ tịch cấp cao về thị trường dầu của Công ty tư vấn Rystad Energy (Na Uy), trích dẫn ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế rằng giá dầu phải ở mức 86 USD/thùng thì Ả Rập Saudi mới cân đối được ngân sách. "Do đó, Ả Rập Saudi sẽ phải giữ thị phần tới ít nhất là tháng 6-2024 để đạt được mức giá đó" – ông Leon nói.
Các nhà đầu tư cũng lưu ý về kịch bản dầu Nga bị gián đoạn nguồn cung, sau khi Bộ Thương mại Mỹ tuần rồi trừng phạt 3 công ty hàng hải của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vì vận chuyển dầu thô Sokol của Nga tới Ấn Độ với giá cao hơn giá trần 60 USD/thùng.
Theo báo Financial Times, Đan Mạch cũng đang cân nhắc chặn tàu chở dầu Nga đi qua vùng biển nước này nếu không tuân thủ giá trần do Liên minh châu Âu áp đặt.
Chưa hết, cố vấn an ninh năng lượng Nhà Trắng Amos Hochstein vừa nói với hãng tin Bloomberg rằng Mỹ sắp thắt chặt trừng phạt đối với dầu mỏ Iran, mục đích là khiến nước này giảm lượng dầu xuất khẩu 1 triệu thùng/ngày mà không ảnh hưởng tới giá dầu thế giới.
Theo Hải Ngọc/NLĐO
Bình luận (0)