Giá bán lẻ điện bình quân tăng 6,08% sẽ khiến tiền điện của nhiều hộ tăng đáng kể, đặc biệt là chi phí của các doanh nghiệp những ngày cuối năm.
Hằng tháng chi phí cho tiền điện của người dân và doanh nghiệp sẽ gia tăng. ĐÀO NGỌC THẠCH
Lo giá hàng hóa “tát” theo giá điện
Tháng 10 vừa qua, nhà bà Kim Yến (ngụ Q.7, TP.HCM) phải trả tiền điện tổng cộng 870.579 đồng cho mức sử dụng là 395 kWh. Bước sang tháng 12 này, nếu sử dụng cùng số lượng điện như trên thì gia đình bà Kim Yến sẽ phải trả lên gần 930.000 đồng, tăng thêm 60.000 đồng. “Cái tôi sợ hơn là mọi hàng hóa khác cũng sẽ tăng theo giá điện, khi đó tiền chợ hằng ngày bị ảnh hưởng nhiều lần chứ không phải vài chục ngàn đồng riêng tiền điện. Bữa cơm của nhiều người lại nghèo đi”, bà Kim Yến chia sẻ.
|
Gia đình anh Hùng, một hộ nông dân đang sống ở H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), rất lo lắng. Hằng tháng, nhà anh sử dụng điện rất tiết kiệm, không có máy lạnh, không sử dụng máy giặt, mà chỉ dùng một tủ lạnh nhỏ, một ti vi và vài bóng đèn thắp sáng nhưng số tiền điện hằng tháng cũng hơn 300.000 đồng. Anh Hùng cũng không biết rõ số tiền sắp tới mình sẽ phải đóng bao nhiêu, nhưng chỉ cần tăng lên vài chục ngàn đồng là cũng đáng lo.
Các doanh nghiệp (DN) cũng đang phải tính toán lại chi phí sản xuất khi giá điện đi lên. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food, ước tính tiền điện mỗi tháng của công ty theo giá mới sẽ tăng khoảng 200 triệu đồng, chi phí sản xuất của công ty này sẽ tăng thêm khoảng 0,3%. Bà Lâm nhấn mạnh: Đây là mức tăng đáng kể trong khi các DN luôn tìm mọi cách tiết giảm chi phí sản xuất. “Đang vào mùa cao điểm chuẩn bị sản xuất hàng hóa cung ứng cho dịp cuối năm và Tết âm lịch nên chúng tôi sẽ phải chịu đựng. Thời điểm này không thể tăng giá vì không muốn ảnh hưởng đến sức mua. Đồng thời chúng tôi muốn chờ để các loại vật tư tăng giá như thế nào rồi mới tính lại giá thành. Nhưng chắc chắn sau tết, DN cũng phải xem xét để điều chỉnh giá bán vì không thể đủ sức gồng mình quá lâu. Mọi tác động rồi cuối cùng người tiêu dùng sẽ gánh chịu”, bà Lâm nói.
Công ty CP giấy Sài Gòn mỗi tháng đang đóng khoảng 10 tỉ đồng tiền điện thì ước tính với mức tăng bình quân 6,08%, công ty này sẽ phải tăng thêm 500 – 600 triệu đồng cho mỗi tháng. Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc công ty, phân tích: Không chỉ mỗi giá điện tăng mà sau đó mọi hàng hóa sẽ tăng giá theo, tác động nhiều lần đến chi phí sản xuất của DN. Đó là chưa kể từ đầu năm 2018, một số quy định mới như chính sách bảo hiểm được áp dụng khiến chi phí lao động cũng tăng mạnh. Riêng tại Công ty CP giấy Sài Gòn, chi phí lao động sẽ tăng thêm hơn 20 tỉ đồng/năm.
“Chi phí gia tăng ăn đứt hết lợi nhuận của DN. Và để tồn tại, DN bắt buộc sẽ phải tăng giá bán. Từ đó sự cạnh tranh với hàng nhập khẩu của hàng VN lại càng kém, sức mua giảm, DN lại khó trăm bề…”, ông Cao Tiến Vị tâm sự.
Chưa hợp lý
TS Bùi Trinh phân tích: Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ giữa thu nhập của người lao động/giá trị gia tăng của VN hiện khoảng 80%. Có nghĩa là VN phải bỏ ra một lượng vốn rất lớn mới có thể đạt giá trị gia tăng. Giá điện tăng sẽ khiến nguồn lực sản xuất càng thu hẹp lại, nền kinh tế VN càng bị èo uột.
Trong khi đó, ngành điện lại không bị thua lỗ, lương và lợi nhuận vẫn ở mức cao, thậm chí cao hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác. “Chi phí sản xuất tăng thì tất yếu giá tiêu dùng sẽ phải tăng theo và toàn xã hội phải gánh chịu. Liệu ngành điện đã tính toán đến những thất thoát trong hoạt động của mình thì ai phải chịu trách nhiệm? Nếu bắt người dân phải gánh chịu hết thì quá vô lý”, TS Bùi Trinh nói.
Mai Phương/TNO
Bình luận (0)