Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giá điện sẽ tăng 18%?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một nguồn tin của Bộ Công Thương cho biết, bộ này đã trình lên Chính phủ đề án giá điện năm 2011, dự kiến áp dụng từ ngày 1.3. Tuy nhiên, giá bán điện cuối cùng được điều chỉnh theo mức nào sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn tin này cũng xác nhận, với những tính toán rất cụ thể, chi tiết về tốc độ tăng chi phí đầu vào cho sản xuất điện năm 2011 so với mức thực hiện của năm 2010, thì Bộ Công Thương nghiêng về phương án tăng giá điện bình quân 18% so với giá hiện hành (tức mỗi kWh sẽ tăng thêm khoảng 194đ/kWh). Đây là mức giá được bộ cho là hợp lý, ảnh hưởng ở mức thấp nhất đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và đời sống người dân.

Giá điện được dự báo sẽ tăng từ tháng 3.2011. Ảnh: TTXVN
Giá than chưa tăng trong cơ cấu giá điện
Năm 2010, để đảm bảo đáp ứng ở mức tối đa nhu cầu điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân, EVN đã phải mua các nguồn điện ngoài ngành với giá thành cao. Riêng mùa khô năm 2010, theo tính toán của EVN, tổng nguồn vốn mua điện từ các nguồn chạy dầu diesel và nhiệt điện khí mua của các dự án điện độc lập lên tới 5.400 tỉ đồng. Chưa kể, các yếu tố đầu vào khác tác động đến chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối như tăng giá nhiên liệu (khí, dầu FO, DO…); điều chỉnh tỉ giá ngoại tệ; chi phí vật liệu, lương, khấu hao… đã làm tăng giá đầu vào của điện lên tới 75% so với giá điện bình quân.
Vì vậy, theo đề xuất của EVN sẽ có 3 mức tăng giá điện cho năm 2011, tương ứng với các mức phân bổ giá nhiên liệu đầu vào, tỉ suất lợi nhuận của các khâu, chi phí mua điện giá cao. Trong đó, mức tăng cao nhất EVN đề xuất là 40,8%, mức thấp nhất là 24,69% và mức trung bình là 30,5%. Tuy nhiên, căn cứ trên những điều chỉnh các thông số tính toán, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thẩm định và đề xuất phương án giá điện 2011 đã chỉ chấp thuận phương án tăng ở mức thấp nhất do EVN đề xuất, đồng thời điều chỉnh hợp lý các thông số đầu vào. Ngoài ra, bộ cũng kiến nghị thêm 2 phương án khác.
Theo đó, 3 phương án được Bộ Công Thương trình Chính phủ có các mức tăng giá tương ứng là 26,3%, 18,03% và 30,3%.
Từ đó, bộ kiến nghị Chính phủ cho thực hiện phương án 2, có mức tăng được ấn định là 18%, với giá điện bình quân được tính toán là 1.271đ/kWh, tăng khoảng 194đ/kWh so với giá bình quân hiện hành. Ở phương án này, giá than cho điện sẽ vẫn giữ nguyên, tỉ suất lợi nhuận trên vốn của các khâu sản xuất điện chỉ ở mức tối thiểu, theo Bộ Công Thương sẽ là phương án tăng giá tối ưu trong bối cảnh hiện nay.
 
Bậc thang đầu tiên sẽ chỉ bao cấp hộ nghèo
Bình luận về mức tăng giá tới 18% vẫn được cho là “hợp lý”, quan chức có thẩm quyền của Bộ Công Thương khẳng định: Phương án này theo tính toán của bộ tác động tới CPI khoảng từ 0,75 đến tối đa 0,84% và là mức để đảm bảo giá điện dần bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh điện, đồng thời tiệm cận dần tới giá thị trường, đáp ứng được nhu cầu điện năm 2011, dự kiến tăng trên 15% so với năm 2010. Phương án này đã cắt giảm hầu như toàn bộ các chi phí và lợi nhuận trong các khâu của EVN, nên thực tế là EVN chỉ đủ trang trải chi phí đầu vào tăng và chưa có lãi để tích lũy, tái đầu tư, từ đó thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư vào điện.
Bên cạnh đó, do giá than được cho là vẫn có tỉ suất lợi nhuận cao so với giá điện nên nếu thực hiện phương án này, giá than cho điện sẽ không được tăng tương ứng khi giá điện tăng cũng khiến làm chậm quá trình thị trường hóa giá than. “Những năm qua, do sức chịu đựng của nền kinh tế còn hạn chế mà lộ trình thực hiện một số loại giá Chính phủ còn quy định bị chậm tiến độ thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy đây là yếu tố đứng ở phương diện điều hành vĩ mô, Chính phủ phải cân nhắc để tốc độ tăng giá các mặt hàng thiết yếu là điện, than, xăng dầu… không tạo nên một cú sốc cho nền kinh tế”- quan chức Bộ Công Thương nhận định.
Riêng với các hộ nghèo, hộ chính sách có thu nhập thấp sẽ được Chính phủ hỗ trợ tới 40% giá bán điện của bậc thang đầu tiên. Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cũng cho biết, số hộ nghèo có mức sử dụng điện từ 50kWh trở xuống thuộc diện chính sách xã hội khoảng trên 3 triệu hộ.   
Hồng Quân / Lao Động

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)