Sự kiện giáo dụcTin tức

Giá điện tăng: Trường học “cõng” thêm nhiều khoản phụ trội

Tạp Chí Giáo Dục

Tiết kiệm điện, không cho nước phun tại Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Q.4
Theo thông báo của Bộ Công thương, bắt đầu từ ngày 1-3-2011 giá điện tăng 15,28%. Điều này khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng đáng kể, trong đó có trường học…
Các trường vào cuộc tiết kiệm
Có mặt tại Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Q.8) khoảng 10 giờ trưa khi tiết học cuối buổi sáng gần kết thúc. Chúng tôi nhìn xung quanh để tìm bảo vệ… hóa ra bác bảo vệ đang lau dọn gầm cầu thang, cũng là lối đi duy nhất của “ngôi trường không chạm đất này” để chuẩn bị chỗ nghỉ trưa. Tiếp chúng tôi tại phòng giám hiệu với những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, cô Thúy Vân, Hiệu trưởng nhà trường băn khoăn: “Sau khi biết qua về giá điện, nước tăng, nhà trường rất âu lo. Rồi đây, đợi để có khoản ngân sách đưa xuống thanh toán khoản tiền trội thêm này cũng khá “vất vả”. Trước mắt chúng tôi chưa biết sẽ lấy ở đâu ra để thanh toán?”. Cô Vân cho biết thêm: “Do trường chật hẹp, không có bán trú nên vào buổi trưa chỉ có thầy cô chịu trận với nắng nóng mà thôi. Kế hoạch hiện nay của trường là các phòng ban và Ban giám hiệu đều tập trung làm việc trong một phòng như chấm bài, soạn giáo án…”.
Cùng cảnh ngộ, thầy Trương Thành Diễn – Hiệu trưởng Trường TH Âu Cơ (Q.11) bộc bạch: “Nhà trường không thể tắt bớt đèn, quạt trong phòng học của HS do phòng rộng trên 20m2 và chỉ có duy nhất một cửa chính cho thầy và trò vào học. Giá điện tăng, Trường Âu Cơ là trường “hạng 3” chỉ biết trông chờ vào nguồn ngân sách do trên cấp. Nếu bây giờ vận động phụ huynh hỗ trợ… chắc không ai còn muốn cho con tới học”.
Tại Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), do đây là ngôi trường “điểm”, HS toàn trường đông và thiết kế các hạng mục đồng bộ. Vì vậy, thầy và trò nhà trường triệt để tiết kiệm trong sử dụng các trang thiết bị không cần thiết. Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Năm 2010 khi giá điện tăng 6,8% nhà trường đã gặp rất nhiều khó khăn. Năm nay tăng ngay một lúc lên 15,28%, với gần 1.000 học sinh ăn bán trú, hàng tháng riêng tiền điện đã mất trên 24 triệu đồng. Chắc chắn năm nay trường tôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, do không thể cứ “có chuyện” là vận động hội cha mẹ HS được. Nhà trường dự tính sẽ làm công văn gửi quận để xin hỗ trợ thêm ngân sách, bù cho những khoản phát sinh này. Trước mắt, trường đã tính tới việc sắp xếp lại hệ thống máy điều hòa và hệ thống ánh sáng cũng được xem xét tới”.
Chống chọi với hiệu ứng tăng giá
Hệ lụy từ giá điện tăng đã kéo theo các dịch vụ khác cũng tăng theo. Cô Dương Thị Nhung, Phó hiệu trưởng, Trường TH Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) trăn trở: “Tổng số học sinh toàn trường gần 2.000 em, vì vậy mà số học sinh ăn bán trú tương đối đông. Thời gian qua nhà trường đã chuyển đổi hình thức từ nấu ăn sang ăn suất ăn công nghiệp, ngay trong ngày 2-3 phía doanh nghiệp đã gửi công văn đề nghị được tăng mỗi suất ăn từ 1.000 đến 1.500 đồng. Khoản tiền này trước mắt nhà trường phải tự xoay xở và đợi đến khi họp thông báo với phụ huynh để được hỗ trợ, may ra mới giải quyết được”.
Chị Trần Thủy Liên – chủ một nhóm trẻ ở đường Vườn Lài, Q.Tân Phú âu lo: “Hiện mỗi tháng tôi sử dụng 800 kWh điện và trên 100m3 nước nên việc tăng giá điện, nước ảnh hưởng khá nhiều. Giá điện, nước tăng chắc chắn sẽ kéo giá nhiều mặt hàng tăng theo. Tôi cũng bối rối lắm, vì nếu tăng giá giữ trẻ thì sợ cha mẹ các cháu (đa số là CNV) không kham nổi, còn nếu không tăng giá thì một thời gian nữa trường cũng chịu hết xiết”. Cùng nhận định trên, các thầy Đoàn Bội Ngọc – Hiệu trưởng Trường THCS Vân Đồn (Q.4), Phạm Toán – Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4) và thầy Lại Tấn Bán – Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thi (Q.11) cho rằng: Nề nếp sinh hoạt của thầy và trò đã đi vào ổn định, nguồn ngân sách nhà nước rót xuống đã được tính toán từ đầu năm học. Do đó, với việc giá điện và nước cùng tăng, trong cùng một thời gian là gây khó khăn cho người dân và trường học. Bởi không thể ngay tức thời có thể huy động được một nguồn kinh phí hay kêu gọi Hội cha mẹ học sinh của trường hỗ trợ. Cô Nhung cho biết thêm: “Bình quân một ngày tại Trường TH Thanh Đa tiêu thụ 20 bình nước. Với mức giá 17.000 đồng/ bình nhà trường đã rất khó khăn trong việc thanh toán nhưng khi giá điện tăng, đơn vị cung cấp nước đòi tăng thêm 1.000 đồng/ bình. Như vậy khoản tiền chênh lệch trên, chắc trường đành phải “ôm sô””. Tại Trường TH Thái Mỹ, Củ Chi, thầy Nguyễn Thế Nhân, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Chắc chắn nhà trường sẽ bị ảnh hưởng, còn thâm hụt ngân sách tới đâu thì phải cuối tháng 3 này các trường mới có thể tính toán cũng như lên phương án khắc phục được”.
Được biết hiện nay nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đưa vào trường học đã gửi báo giá sản phẩm từ cuối tháng 2 cho các trường với lý do: giá điện, nước tăng… các dịch vụ suất ăn công nghiệp, nước uống đóng bình không thể giữ được giá cũ. Sống trong cảnh điện, nước không được đảm bảo và lúc nào cũng lơ lửng trên đầu hai chữ “tăng giá”, trường học đang “oằn lưng” cõng thêm khoản phụ trội này.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Bình luận (0)