Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gia đình đầu tiên ở Việt Nam đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết

Tạp Chí Giáo Dục

Gia đình của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang ngụ Hà Nội, là gia đình đầu tiên ở Việt Nam cùng đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não. 

Sáng 28/12, như bao ngày bình thường khác, người đàn ông 52 tuổi với mái tóc hoa râm cùng vợ là Vũ Chi Mai, 44 tuổi và hai con gái Mai Chi 17 tuổi, Mai An 11 tuổi, cùng nhau ăn sáng thưởng trà. Sau bữa sáng, chẳng ai phải nhắc nhở ai, chị em Mai Chi, Mai An đi sửa soạn quần áo. Ông Giang lau chiếc xe rồi cùng vợ sắp xếp những đồ đạc cần thiết phải mang theo. Đúng 8h sáng, chiếc xe chuyển bánh đưa gia đình ông Giang tới Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.

"Chúng tôi đến đây để đăng ký hiến tạng", ông Giang nói với nhân viên của Trung tâm.

Khoảng 20 phút sau, 4 người trong gia đình ông Giang đã xong thủ tục đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não, có trong tay tấm thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng. 

Vợ chồng ông Giang cùng con gái Mai Chi. Ảnh: Lê Nga.

Vợ chồng ông Giang cùng con gái Mai Chi. Ảnh: Lê Nga.

Nhiều ngày trôi qua, gia đình ông Giang nhận được nhiều lời bàn luận xung quanh việc hiến tạng. Có người khen kẻ chê, song với ông Giang đây không phải hành động bộc phát mà là kế hoạch đã ấp ủ bấy lâu của cả gia đình. Đặc biệt, các thành viên trong gia đình đều "hoàn toàn tự nguyện". 

Ông Giang nói, giây phút ký tên vào tờ giấy đăng ký hiến mô, tạng, cũng là thời điểm đánh dấu kết thúc hành trình cận tử năm qua của ông.

Năm 2017, ông Giang đã tham gia một chương trình khá đặc biệt mang tên "Hành trình cận tử", đồng hành với những người đang cận kề với cái chết. Nỗi đau đớn thể xác, giày vò tinh thần, cả tâm tư nguyện vọng của những người đứng trước lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, ông Giang đều thấu hiểu và xót xa.

Người đàn ông này nói rằng việc tham gia "Hành trình cận tử" đã mang lại cho ông rất nhiều bài học về cuộc đời, về con người. Đặc biệt, ông biết được hiện trạng thiếu nguồn tạng hiến tại Việt Nam. Hàng trăm nghìn người đang chờ được ghép tim, thận, gan, giác mạc… để được sống trong khi lượng người hiến tạng lại rất ít. 

Ý định đăng ký hiến tạng cứ le lói trong thâm tâm ông từ đó. Thế rồi, một ngày ông Giang gặp một cô gái nông thôn mới ngoài 20 tuổi ở Thanh Hóa. Cô gái mắc bệnh ung thư, mong muốn được hiến giác mạc sau khi qua đời. Để đi tới quyết định đầy nhân văn này, cô gái đã phải thuyết phục gia đình rất nhiều lần, vượt qua quan niệm chết toàn thây của dân làng và sự dị nghị của hàng xóm. Cuối cùng cô gái đã ra đi với tâm nguyện hiến tạng được gia đình hoàn thành. Cô gái bé nhỏ ấy đã truyền cảm hứng cho ông Giang một cách mạnh mẽ.

Sau mỗi câu chuyện về những người cận tử như cô gái trẻ Thanh Hóa, ông Giang lại "truyền lửa" cho hai con gái. Dần dà những câu chuyện nhân văn của ông trở thành một "món ăn" không thể thiếu trong mỗi bữa cơm hằng ngày. Để rồi một ngày, cả gia đình ông đi đến quyết định sẽ hiến tạng khi chết.

"Ban đầu không ai trong gia đình tôi có ý nghĩ hiến tạng cả, tạm gọi là xa xôi. Song, những chuyến đi, những câu chuyện từ những người xa lạ đã truyền cảm hứng cho cả gia đình", ông Giang nói.

Kể lại ngày đưa cả gia đình đi đăng ký hiến tặng mô, tạng, ông Giang cho biết thành viên duy nhất trong gia đình có nhiều băn khoăn là bé Mai An. Giây phút điền vào bảng đăng ký hiến tạng khiến cô bé 11 tuổi phải nhìn thẳng vào cái chết.

Trong tờ đơn đăng ký hiến tạng có 10 ô khác nhau, ba người trong gia đình đã đánh dấu vào tất cả mục có thể hiến được như xương, tủy, da, thận, gan, giác mạc… Riêng bé Mai An đánh dấu vào các ô thận, tụỵ, gan, xương… rồi dừng lại ngần ngừ rất lâu ở ô tim.  Mãi sau, cô bé cũng đánh dấu vào ô tim và đưa tờ đăng ký cho nhân viên trung tâm.

"Giây phút ngồi trước tờ đơn đăng ký này là một trong những giây phút mà người ta đối mặt với cái chết của mình một cách trực diện nhất, trần trụi nhất. Một cảm giác bất an, sợ hãi dâng lên trong lòng. Đến ô tim An có dừng lại và lưỡng lự, tôi tôn trọng cảm xúc của cháu, và cuối cùng con cũng đồng ý hiến", ông Giang kể lại.

Cầm tấm thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô tạng, phàn nàn duy nhất của cô bé 11 tuổi này là bức ảnh thẻ không được đẹp. Cô bé muốn được thay ảnh khác xinh đẹp hơn. Còn Mai Chi 17 tuổi chia sẻ "rất vui khi làm được một việc ý nghĩa". 

Bé Mai An đồng ý hiến toàn bộ mô, tạng sau khi chết. Ảnh: H.G

Bé Mai An điền vào phiếu đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết. Ảnh: H.G.

Ông Giang cho biết, theo quy định pháp luật, người thân trong gia đình đều có quyền được hiến tặng mô, tạng của người đã chết. Vợ chồng ông cũng đã ký xác nhận vào lá đơn đăng ký hiến tạng của hai con. 

"Tôi vận động và đưa cháu đi đăng ký hiến tạng như một việc giáo dục công dân để cháu hiểu được việc làm ý nghĩa này. Sau này cháu 18 tuổi, có tư cách công dân, giả sử muốn thay đổi ý định này thì đó là quyền của cháu, không thể can thiệp được. Tôi chỉ mong muốn các con mình hiểu biết và nhân ái", ông Giang chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người bày tỏ sự cảm kích trước hành động, nghĩa cử cao đẹp của gia đình ông Giang. Đây là trường hợp một gia đình trọn vẹn đầu tiên (gồm 4 thành viên) cùng đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não. Bé Mai An không phải là người dưới 18 tuổi đầu tiên ở trung tâm đăng ký hiến tạng, song là cô bé nhỏ tuổi nhất đăng ký hiến tạng cùng gia đình. 

Ông Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ thông tin, Đại học Kỹ thuật llmenau (Đức) và có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Ông Giang có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu trong các lĩnh vực xã hội và kinh tế Việt Nam. Các lĩnh vực chuyên môn của ông gồm kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi, quản trị nhà nước và minh bạch cùng khía cạnh văn hóa của công nghệ.

Từ năm 2008, ông Giang là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) – một tổ chức phi chính phủ.

Lê Nga/ VNE

 

Bình luận (0)