“Mẹ ơi trong lời mẹ hát/ Có cả cuộc đời hiện ra”.
Tôi xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Trương Nam Hương để mở đầu cho những cảm xúc biết ơn về công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục chị em tôi nên người của bố mẹ. Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quỳnh Lưu xứ Nghệ (Nghệ An), trải qua bao đời mưa nắng, bố mẹ tôi quanh năm làm bạn với con trâu mảnh ruộng, oằn đôi vai gầy khắc khổ, gánh gồng chèo chống nuôi bốn chị em tôi ăn học. Dạy con, bảo ban con từ những điều nhỏ nhất, khuyên bảo có, đòn roi có, mắng mỏ có… Tôi còn nhớ rất rõ: ngày còn bé, mỗi khi có khách tới nhà (cô, dì, chú, bác trong xóm) với bản tính nhút nhát chúng tôi thường không biết lên tiếng chào người lớn, chứ chưa nói tới chuyện cúi chào. Sau khi khách về thì chị em tôi lại được một bài giảng thật dài của bố, bố thường nói: “Cho tụi con ăn học, dạy bảo sao không biết cúi chào khi gặp người trên hả?”. Ham chơi, không lo học lo làm thì bị đánh đòn. Lớn lên, mỗi đứa mỗi nghề, mỗi đứa mỗi tính nhưng đều có chung một nỗi niềm trăn trở là: “Trong công việc và làm người cố gắng để không có bất cứ nỗi buồn nào gợn lên trong đôi mắt bố tôi”. Trong bốn chị em thì bố khắt khe với tôi nhất, từ khi tôi biết nghĩ tới giờ đã 29 tuổi thế nhưng bố lại là người làm tôi day dứt nhiều nhất, mỗi khi thành công người tôi nghĩ tới đầu tiên là bố. Bố tôi tuy học hành không nhiều – học hết lớp 7 thì đã nghỉ học, nhưng với cách giáo dục con cái rất nghiêm khắc, tình yêu thương trong cách giáo dục đó từ lúc nào không biết bố đã trở thành động lực để chị em tôi phấn đấu. Với hoàn cảnh gia đình nghèo khó – phải nói là thuộc tốp nghèo nhất xã, nên tới năm tôi vào lớp 10 bố đã phải vào Nam làm thuê kiếm tiền nuôi chị em tôi ăn học, mãi tới khi tôi và em trai tốt nghiệp ĐH đi làm bố mới về nhà ở hẳn…
Ngày nay, khi mà xã hội phát triển, trình độ dân trí càng cao, các bậc phụ huynh thường có xu hướng chiều chuộng con, đáp ứng những nhu cầu của con hơn là giáo dục con giá trị của lao động, giá trị lễ nghi gia đình, giá trị văn hóa gia đình… Tôi thiết nghĩ, gia đình chính là cái nôi của nhân cách con người, là những “lớp móng” đầu tiên của công trình nhân cách con người. Không ai khác, bố mẹ chính là người đầu tiên “nhào nặn”, và có ảnh hưởng lớn đến nền tảng nhân cách, tâm hồn của con mình.
Hải Vân (Q.7, TP.HCM)
Bình luận (0)