Thời gian gần đây tôi thấy Báo Giáo Dục TP.HCM đề cập, phản ánh và cho đăng rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, các giảng viên, giáo viên, HS và của nhiều bạn đọc… về các vấn đề giáo dục và nhận được sự quan tâm rất lớn từ bạn đọc. Không phải bây giờ chúng ta mới đem ra mổ xẻ, phân tích bình luận những vấn đề đã xảy ra trong nhà trường vừa qua giữa thầy cô giáo với các em HS trong thời gian qua mà những vấn đề này dưới cái nhìn của mỗi người đều có quan điểm khác nhau. Nhưng sự quan tâm của xã hội với nhiều luồng ý kiến khác nhau cũng đã gióng lên hồi chuông báo động những vấn đề tồn tại, xảy ra trong nhà trường, giữa thầy và trò, giữa các em HS và những vấn đề này tưởng chừng đơn giản, nhỏ bé thường ngày cũng để lại những suy nghĩ khác nhau trong mỗi chúng ta.
Vào trong trường, ở mỗi phòng học chúng ta đều thấy câu: “Tiên học lễ, hậu học văn” để thấy được vai trò đạo đức quan trọng, quyết định tạo nên gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối và nền tảng, sự hình thành nhân cách ở các em HS. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng” và Người cũng khẳng định tầm quan trọng quyết định của đạo đức ở mỗi con người. Từ cấp học mẫu giáo cho đến đại học thì HS-SV đều được thầy cô dạy bảo về sự kính trọng, tình thương yêu và những kỹ năng, đạo đức lối sống… cho phù hợp trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội để rèn luyện và tạo nên sự phát triển toàn diện “Trí – thể – mỹ” ở mỗi HS-SV.
Vai trò, vị trí và tầm quan trọng của thầy cô ở mỗi thời kỳ đều cùng một nhiệm vụ – những người đưa đò thầm lặng, những tấm bia đồng không khắc danh và câu “Quân sư phụ” đã thấy được phần nào mà xã hội dành cho người thầy. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ và sự giao thoa của các luồng văn hóa, internet, phim ảnh và sự đan xen của cái xấu, cái tốt của sự phát triển kinh tế và những tệ nạn xã hội cùng những mặt trái để lại cho HS. Chúng đã thẩm thấu cùng sự phát triển đó vào HS. Nào là lười học, thói đua đòi, thích hưởng thụ, lối sống buông thả, dính vào các tệ nạn xã hội, thiếu các kỹ năng về giao tiếp, lối sống yêu đương quá sớm, không vâng lời cha mẹ, thầy cô, tụ tập băng nhóm đánh nhau, vô lễ với thầy cô hay đi quá giới hạn như học sinh dùng dao chém thầy, tạt axit vào người thầy… mà chúng ta đã thấy dư luận lên án, báo chí phản ánh trong thời gian qua.
Vì vậy, theo tôi việc giáo dục con trẻ từ gia đình có ý nghĩa quan trọng, quyết định tính cách cùng phẩm chất của con trẻ, của HS. Gia đình là điểm đến, là tổ ấm, nơi vỗ về nơi yêu thương và sự nhìn nhận và phát triển tính cách của con trẻ ngay từ trong gia đình. “Dạy con từ thuở còn thơ” muốn nói đến cách giáo dục, sự dạy bảo và tầm ảnh hưởng quan trọng của ba mẹ đến con cái. Đứa trẻ như một “Tờ giấy trắng”, “Một tấm bảng sách” mà gia đình, ba mẹ và người thân là những người đầu tiên viết vào, vẽ vào. Một đứa trẻ được quan tâm chăm sóc và giáo dục tốt ngay từ trong gia đình thì sẽ là sản phẩm tốt mà nhà trường và xã hội sẽ đón nhận. Trái lại đứa trẻ thiếu tình thương từ gia đình, thiếu sự quan tâm dạy bảo không đến nơi đến chốn ngay từ nhỏ, thiếu sự quản lí, sự nuông chiều của cha mẹ, con cái không vâng lời ông bà, cha mẹ… thì nhà trường và xã hội sẽ phải vất vả nhiều hơn với những đứa trẻ, những HS này. “Gia đình là tế bào của xã hội” đó là nền tảng, là đơn vị nhỏ để tạo nên sự bình ổn, sự phát triển bình thường ở mỗi đứa trẻ cho xã hội. Nên sự quan tâm, sự giáo dục tốt ngay từ trong gia đình tạo nên nền tảng đạo đức đầu tiên cho HS. Khi ngoài xã hội có nhiều vấn đề đáng quan tâm thì niềm tin đầu tiên là ba mẹ và gia đình rất quan trọng đó là lăng kính phản ánh vào tâm hồn, tính cách con trẻ.
Gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội cần phải là một thể thống nhất, gắn bó và phối hợp chặt chẽ để chăm lo, dạy bảo và giáo dục HS. Và gia đình luôn có vai trò, vị trí và tầm quan trọng đặc biệt, quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách, đạo đức ở mỗi HS. Và “Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” cũng đã đề cập đến vai trò, vị trí và tầm ảnh hưởng của gia đình đối với sự phát triển của con trẻ. Đặc biệt vai trò đó cần phát huy như thế nào trong xã hội hiện nay?
Nguyễn Tuấn Anh
(Trường THPT Marie Curie, TP. HCM)
Bình luận (0)