Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Gia đình người Mông có 7 Cử nhân, 1 Tiến sỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là gia đình ông Mã A Lềnh, quê ở bản Móng Sến, xã Chung Chải, huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), một trong số ít gia đình người dân tộc Mông ở khu vực Tây Bắc của tổ quốc có nhiều người đạt trình độ Cử nhân.

Nhà văn Mã A Lềnh, năm nay 66 tuổi

Lâu nay người ta biết nhiều đến ông Mã A Lềnh (66 tuổi) với danh vị là một trong những nhà văn đầu tiên của người Mông ở tỉnh Lào Cai được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam; là cử nhân khoá đầu tiên của Trường viết văn Nguyễn Du, từng tu nghiệp ở Học viện Văn học M.Goócki… nhưng vẫn ít người biết rằng gia đình ông còn là một điển hình về sự hiếu học.

Vợ chồng ông vốn là giáo viên vùng cao của tỉnh Lào Cai thời gian khó nhất, có lẽ vì thế mà ông hiểu sự học cần thiết như thế nào đối với người dân nghèo miền núi và luôn cố gắng để nuôi 4 người con ăn học đến nơi đến chốn.
Người con gái đầu của ông là chị Mã Én Hằng (sinh năm 1971), cử nhân luật (ĐH Luật Hà Nội), hiện là Chánh văn phòng Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lào Cai. Chị Hằng đã có chồng cũng là một cử nhân khoa học làm việc cùng cơ quan. 
Người con trai thứ hai của ông là nhà báo, nhà văn Mã Anh Lâm (sinh năm 1973), cử nhân báo chí (ĐH KHXH&NV Hà Nội), hiện là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lào Cai, biên tập viên Báo Lào Cai cuối tuần. 
Người con gái thứ ba của ông là chị Mã Ngân Hà (sinh năm 1975), cử nhân sư phạm ngoại ngữ (ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội), hiện cùng chồng là một Tiến sỹ đang sinh sống và làm việc tại TPHCM.
Người con gái út của ông là Mã Dương Hoàng (sinh năm 1978), cử nhân ngoại ngữ (ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội), hiện cũng đang sống và làm việc cùng chồng có 2 bằng đại học ở TPHCM.
Như vậy, đại gia đình ông Mã A Lềnh có tất cả 7 người có trình độ cử nhân và 1 người có trình độ tiến sỹ.
Nói chuyện với chúng tôi, ông Mã A Lềnh rất tự hào về những đứa con chăm ngoan và giữ được nền nếp gia phong của mình. Ông không đồng ý với ý kiến cho rằng do khó khăn kinh tế nên bà con miền núi ngày nay không cho con đi học. Ngày xưa khó khăn thiếu thốn hơn nhiều nhưng người dân nơi đây vẫn ham học, không ít người đã thành đạt và có trình độ văn hoá cao hơn nhờ các lớp bổ túc văn hoá. Vì thế theo ông, công tác khuyến học cần chú trọng tới việc giáo dục thường xuyên đến các vùng xa xôi hẻo lánh.
Ông cũng kể cho chúng tôi nghe về điển hình dòng họ Lý hiếu học của người dân tộc Mông ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) với 18 người là cử nhân. Bản Phố ngày nay là điểm du lịch sinh thái khá hấp dẫn nhưng cách đây hơn 40 năm là điển hình giáo dục của cả miền Bắc và đã được Bác Hồ viết bài biểu dương trên báo Nhân Dân.   
Phạm Ngọc Triển (Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)