Thúy Kiều vừa nhận tin sét đánh ngang trời: Kim Trọng phải đi Liêu Dương hộ tang chú, nỗi bàng hoàng, đau đớn, lo âu chưa dứt, tai họa lại ập đến gia đình Kiều. Thật là “họa vô đơn chí”!
Nếu Thanh Tâm Tài Nhân còn để mẹ Thúy Kiều bảo với con: “Nguy rồi con ạ!” và kể hết nguyên do câu chuyện, Nguyễn Du đã bỏ hẳn và viết: Hàn huyên chưa kịp dã dề / Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao / Người nách thước, kẻ tay đao / Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi…
Đoàn người dự sinh nhật bên ngoại vừa tới nhà, chưa kịp hỏi thăm sức khỏe (hàn huyên) đã thấy sai nha xuất hiện bốn bề một lũ đầu trâu mặt ngựa…
Nguyễn Du miêu tả bộ mặt của bọn thất nhân, ác đức, bọn côn đồ hung tợn như bọn quỷ sứ dưới âm phủ. Chắc cụ Nguyễn nhớ đến câu trong Kinh Phật: Diêm vương tạo tốt, ngưu đầu mã diện (Quân lính của ma diêm đầu trâu mặt ngựa). Sự xuất hiện bất ngờ từ bốn phía xông vào, mặt mũi dữ tợn lại người nách thước, kẻ tay đao quả là một đạo âm binh đang chà nát cuộc đời của người lương thiện. Riêng sáu chữ người nách thước, kẻ tay đao, ông Nguyễn Văn Anh chú: “Tay thước cắp vào nách và tay cầm đao”. Ông dùng từ tay không rõ nghĩa, tay cắp thước, tay cầm đao có thể một người hai tay cầm vũ khí. Hãy giữ nguyên văn: người với kẻ đã là sự khinh khi, sự cố ý lắm rồi! Có điều quân lính nhà quan tất có binh khí sao đao với thước có vẻ ô hợp, tùy tiện? Thước là dụng cụ để đo đất, nay được sử dụng vào việc đánh người, ức hiếp dân lành. Có lẽ cụ Nguyễn chú ý đến tính hung bạo, đến bàn tay của kẻ cầm quyền không đạo lí, vượt qua pháp luật, một lũ ô hợp, một bọn sai nha mạt hạng.
Ở trên là bốn câu thơ miêu tả quang cảnh, mở đầu cho một tình huống nguy biến cho gia đình Kiều. Sáu câu tiếp theo Nguyễn Du nói việc làm, hành động của bọn côn đồ ở cửa quan ấy. Trước hết chúng bắt Vương ông, Vương quan (hai người đàn ông trong nhà) dùng gông, gông vào cổ: Già giang một lão, một trai. Chúng trói hai người, Nguyễn Du bực mình cho thứ dây trói không phân biệt phải trái, đúng sai, già trẻ, một dây vô loại (…) buộc hai thâm tình. Động tác thứ hai là phá phách, lục lọi và thứ ba là vơ vét: Đồ tế nhuyễn (đồ nhỏ nhặt, đồ dùng của đàn bà con gái), của riêng tây (đồ vật riêng của từng người) / Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.
Như thường thấy trong bút pháp của Truyện Kiều, sau một đoạn với sự kiện dồn dập, Nguyễn Du thường viết tiếp một đoạn, vừa khơi sâu nỗi đau đớn, vừa bộc lộ bản chất vấn đề và nhiều khi cái tôi trữ tình hiện lên với những lời bình luận căm giận, chua xót.
Sự việc diễn ra dồn dập, kinh hoàng, Nguyễn Du đi vào suy nghĩ của bạn đọc: vì sao lại có chuyện tày trời như thế? Cụ Nguyễn viết: Điều đâu ai buộc bay làm / Này ai đan dập giật giàm bỗng dưng / Hỏi ra sau mới biết rằng: / Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ! Nguyễn Du đặt câu hỏi: chúng bay làm như vậy là nguyên do từ đâu? Ai đã sắp đặt (đan dập: đồ dùng để tát cá, giật giăm là kéo cái bẫy để bắt thú)? Sao có chuyện tự nhiên, vô cớ đến như vậy? Thì ra mọi chuyện từ lời khai của thằng bán tơ!
Và, Nguyễn Du kêu than: Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ / Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây! Chúng lại tiếp tục tra khảo hai cha con Vương ông: lấy dây cột kéo cha con treo lơ lửng, chân không chấm đất. Nguyễn Du tiếp tục tỏ thái độ: Mặt trông đau đớn rụng rời / Oan này còn một kêu trời…,nhưng xa!
Đưa câu chuyện lên đến tột đỉnh, Nguyễn Du mỉa mai kết luận: Một ngày lạ thói sai nha / Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền!
Tới đây chúng tôi xin cung cấp một chi tiết cực kỳ lí thú. Đây là lời kể của cụ Đào Duy Anh: “Ông Nguyễn Đình Ngân nói với tôi rằng trong khi ông làm Giám đốc thư viện Bảo Đại ở Huế trước cách mệnh, ông có được thấy một bản Kiều nôm chép tay từ trong Nội các đưa ra, ông cho đó là bản thảo chính của Nguyễn Du, trong ấy thấy chữ sai là chữ son đè lên chữ mực là quan. Ông cho rằng Nguyễn Du vốn viết quan nha mà vua Tự Đức sửa là sai nha”.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)