Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Gia đình trước hiểm họa ma túy

Tạp Chí Giáo Dục

Ma túy đã và đang trở thành một hiểm họa với từng con người, với mỗi gia đình. Nó phá vỡ bao mối tình, làm đổ vỡ hạnh phúc của bao con người và tan nát nhiều gia đình.
Theo số liệu của lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy, số người nghiện nặng có hồ sơ theo dõi, quản lý trong cả nước xấp xỉ 100 ngàn người. Và như vậy, số đối tượng lạm dụng ma túy còn cao hơn rất nhiều. Một điều đáng báo động là có trên 70% con nghiện ở dưới tuổi 30 và xu hướng càng ngày càng gia tăng ở lứa tuổi này. Nguyên nhân khiến giới trẻ tiêm chích ma túy mà chủ yếu là heroin là do cuộc sống bế tắc, thất nghiệp, gia đình không hạnh phúc, buông lỏng quản lý con cái, đua đòi theo bạn bè, bị bọn xấu lôi kéo, do bắt chước và thiếu hiểu biết. Sau khi nghiện ngập, không có tiền hút hít, họ biến thành tội phạm. Hiện nay, nghiện hút đang là nguyên nhân trực tiếp của nhiều loại tội phạm nghiêm trọng như trộm cắp, giết người cướp của, cờ bạc và gây rối trật tự xã hội. Nguy hại hơn nữa, khi nghiện ngập, không ít các con nghiện đã trở thành tội phạm buôn bán ma túy, gieo rắc tai họa cho nhiều người, nhiều gia đình. Không ít em học sinh 14-15 tuổi phải chấm dứt tuổi thơ của mình trong nhà tù do tổ chức sử dụng ma túy, do tiếp tay cho bọn buôn lậu ma túy, gieo rắc cái chết trắng trong trường học. Gần đây, ma túy bị biến thể thành những dạng giống như kẹo rất dễ thu hút trẻ em, nhất là lứa tuổi học sinh. Lâu nay nhiều người hay nghĩ rằng những kẻ sử dụng ma túy là những đối tượng bất hảo, giàu có, ăn chơi trác táng, tệ nạn xã hội hoặc lao động nghèo, kém hiểu biết… Nhưng qua nhiều vụ án được xét xử về các tội mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy, có thể nói ma túy không chừa một ai.
Có trường hợp một gia đình cả mấy đứa con đều nghiện, đi cai nghiện nhiều lần, song không có kết quả vì trở về nhà không cưỡng lại được sự cám dỗ chết người kia. Nhiều gia đình cũng đành bó tay chứng kiến cảnh con cái nghiện hút, trở thành tội phạm hay mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Do tham lợi nhuận cao, bất chấp tất cả, dù không nghiện nhưng nhiều cặp vợ chồng đã trở thành tội phạm ma túy, rồi ở tù, thậm chí lãnh án tử hình khiến nhiều trẻ thơ mất cha, mất mẹ.
Tệ nạn ma túy bao giờ cũng có nhiều nguyên nhân kết hợp. Để giải quyết tệ nạn này, mức án nghiêm khắc rất cần thiết, song nhiều chuyên viên cho rằng bên cạnh đó còn phải có những biện pháp đồng bộ khác và sâu xa hơn để giải quyết vấn đề từ gốc. Vả lại còn có nguyên do luật nghiêm khắc nhưng chưa được phổ biến sâu rộng đến người dân. Các bị cáo bị kết án về tội sử dụng ma túy khi ra tòa đều không biết hành vi của mình là vi phạm Luật Hình sự. Vì vậy việc mở các phiên tòa lưu động xét xử tội phạm ma túy là một trong những cách phổ biến luật pháp đến địa bàn dân cư để nhiều người hiểu biết hơn về các loại tội phạm ma túy. Tuy nhiên, để phòng ngừa tệ nạn nghiện ma túy, chống tái nghiện, tội phạm ma túy, ngoài việc phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành đoàn thể thì việc phòng chống ma túy phải được thực hiện trong mỗi gia đình.
Lê Quang Huy
(GV Trường THCS Trừ Văn Thố, huyện Cai Lậy, Tiền Giang)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)