Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Gia đình, xã hội đang bỏ rơi trẻ nhiễm HIV

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng HIV cũng là trẻ em! Đó là thông điệp mà Hội thảo Chăm sóc trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS do Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM muốn gửi tới tất cả mọi người. Thật không công bằng khi những đứa trẻ thiếu may mắn này bị mọi người kỳ thị, phân biệt đối xử. Thậm chí ngay cả những người thân trong gia đình cũng ruồng bỏ các em…
Không được chăm sóc tốt vì bị kỳ thị

Những trẻ em bị nhiễm HIV rất cần được chăm sóc và yêu thương

TS.BS Lê Trường Giang – Phó chủ tịch Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM cho biết: “Ước tính thành phố có khoảng 60 – 70 ngàn trẻ OVC (bao gồm trẻ mồ côi và trẻ bị tổn thương, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS từ 0 đến 18 tuổi), trong đó có 2.500 trẻ nhiễm. Mỗi năm thành phố có thêm 600 trẻ mới được sinh ra từ những bà mẹ nhiễm HIV. Tuy nhiên, tổng số trẻ OVC được chăm sóc tại các bệnh viện, trung tâm, mái ấm chỉ có 4.212 trẻ…”.
Nếu so với hàng chục ngàn đứa trẻ OVC đang sống nơi đầu đường xó chợ, bị người đời xua đuổi thì những đứa trẻ được chăm sóc tại các trung tâm, bệnh viện may mắn hơn rất nhiều. Song sự kỳ thị, phân biệt đối xử của người lớn vẫn luôn đeo bám các em. Bà Trần Thị Kim Hương – Mái ấm Mai Tâm cho biết: “Mái ấm Mai Tâm có 13 trẻ đang đi học từ mầm non đến lớp 10. Song, không có trường công lập nào chịu nhận các em vào học. Vì vậy, trẻ từ 3 – 5 tuổi phải học ở trường mầm non tư thục, trẻ từ 6 tuổi trở lên thì học tại các lớp học tình thương”. Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm (BV Nhi đồng I), cũng cho biết: “Khoa Nhiễm đang chăm sóc cho 597 trẻ OVC, trong đó có 51 trẻ đang học tiểu học. Nhiều trẻ tâm sự với tôi: “Con ghét đi học”. Tôi hỏi tại sao, các em trả lời: “Ở lớp không bạn nào thèm chơi với con”. Không chỉ có vậy, có em còn bị cô giáo xếp cho ngồi riêng một bàn…”.
Đáng thương hơn cả là những đứa trẻ OVC bị người thân của mình bỏ rơi. Cách đây không lâu, một người đàn ông ở Tiền Giang dẫn theo một đứa cháu nội 13 tuổi tới khoa Nhiễm – BV Nhi đồng I nhờ các bác sĩ chăm sóc vì “Tôi không thể nuôi cháu được nữa”, người đàn ông nói. Trước đó, con trai ông đã chết vì AIDS, con dâu bỏ đi và để lại đứa cháu gái bị nhiễm cho ông nuôi.
Sợ miệng lưỡi của người đời, nhiều ông bố, bà mẹ thà để con bệnh nặng chứ nhất định không muốn đưa tới bệnh viện. Tại khoa Nhiễm – BV Nhi đồng I, có 329 trẻ nhiễm đang điều trị ARV, trong đó có 13 trẻ nhiễm từ mẹ sang con. Những trẻ này sức khỏe rất yếu, thường xuyên phải nhập viện. Tuy nhiên, mỗi khi bác sĩ kêu nhập viện là phụ huynh năn nỉ: “Còn cách nào khác không bác sĩ, nhập viện thì kẹt lắm”. Hỏi ra mới hay phụ huynh lo lắng nếu con mình nhập viện thì bạn bè sẽ tới thăm, lúc đó mọi người sẽ biết bệnh tình của đứa trẻ…
Ông Vũ Ngọc Sơn, đại diện Tổ chức FHI tại Việt Nam cũng cho biết: “Chúng tôi đang hỗ trợ cho 828 trẻ OVC. Các em sống chung với gia đình, song được FHI hỗ trợ về dịch vụ y tế, vui chơi giải trí, cơ hội học tập… Tuy nhiên, nhiều ông bố, bà mẹ không dám cho con đi sinh hoạt vì sợ khi về nhà trẻ sẽ nói với mọi người xung quanh. Như vậy, nguy cơ bị mọi người kỳ thị là rất lớn”.
Trẻ nhiễm lây cho trẻ khác: Rất khó xảy ra
Theo TS.BS Lê Trường Giang, sở dĩ có sự kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ nhiễm HIV là do sự hiểu biết của người dân về căn bệnh này còn hạn chế. Các bậc phụ huynh không muốn con mình học chung với trẻ em nhiễm cũng chỉ vì sợ đứa trẻ nhiễm sẽ lây bệnh cho con. Song, từ năm 1981 (năm phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên trên thế giới) đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm HIV là do lây từ trẻ nhiễm. Bởi HIV có 3 con đường lây nhiễm, đó là: tiêm chích, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Do đó, “Dù đứa trẻ nhiễm có vô tình cắn vào người đứa trẻ khác thì xác suất lây nhiễm là rất khó xảy ra. Chỉ khi nào một lượng máu thật lớn của trẻ nhiễm xâm nhập vào cơ thể trẻ lành thì nguy cơ lây bệnh mới có thể xảy ra. Thực tế cũng đã chứng minh rất nhiều bác sĩ, y tá chăm sóc các bệnh nhân HIV/AIDS (thậm chí những bệnh nhân giai đoạn cuối) bị máu, mủ của bệnh nhân bám vào miệng, vào mắt nhưng chưa có ai bị nhiễm. Mặt khác, bây giờ chúng ta đã có thuốc nên khi sự cố xảy ra là có thuốc hỗ trợ ngay…”, ông Giang nhấn mạnh.
Chiến lược Quốc gia về phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã đưa ra mục tiêu “100% trẻ bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được quản lý, điều trị, chăm sóc và tư vấn thích hợp”. Riêng tại TP.HCM, từ năm 2000 đến nay, hàng chục đơn vị của Nhà nước và tổ chức xã hội đã tiến hành chăm sóc, hỗ trợ cho những trẻ em kém may mắn này. Song, theo ông Giang thì: “Nhu cầu cần được chăm sóc của trẻ OVC là rất cao trong khi độ bao phủ của các tổ chức, đoàn thể còn hạn chế. Đặc biệt, chúng ta chưa có một chương trình hành động cụ thể có hệ thống tiếp cận và cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho trẻ OVC. Các em cần được chăm sóc sức khỏe, được ăn uống đầy đủ, được tới trường. Ngoài ra, các em cũng cần được hỗ trợ chỗ ở, hỗ trợ tâm lý. Đặc biệt, những trẻ OVC cần phải được bảo vệ trước sự kỳ thị, phân biệt đối xử”.
Theo đó, ngay từ bây giờ, Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TP sẽ tích cực huy động sự hỗ trợ của tất cả các cấp, các ngành trên địa bàn cùng nhau chăm sóc cho đối tượng trẻ em này. Nhất là đối với ngành giáo dục, Sở GD-ĐT đã cam kết sẽ can thiệp đối với những trẻ OVC không được đến trường…

Bài & ảnh: Hòa Triều

Sau nhiều năm “vật lộn” với dư luận xã hội để nuôi cháu khôn lớn, cuối cùng người ông cũng phải đầu hàng và đành phải “bỏ rơi” cháu.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)