Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giá đôla Mỹ giảm, vì sao?

Tạp Chí Giáo Dục

Tỷ giá liên tục giảm nhiệt, trong khi lãi suất huy động USD lại được nâng lên. Đây là những dấu hiệu cho thấy thị trường ngoại hối bình ổn trở lại.
Tỷ giá USD/VND mua bán ngoài thị trường tự do liên tục giảm, đến hôm 25/3 còn 19.180 – 19.310 đồng/USD. Theo một đại lý thu đổi USD tự do ở quận 1 TP.HCM, lượng mua USD vẫn khá lớn do khách mua vẫn đông, bởi ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu mua USD đi nước ngoài của nhiều cá nhân. Dù khách mua đông, nhưng giá USD không tăng mà lại có chiều hướng giảm từ đầu tháng đến nay. “Người mua nhiều, nhưng người bán cũng đông. Một số doanh nghiệp thấy giá USD từ đầu năm đến nay cứ lình xình nên cũng đem đến bán”, một đại lý thu đổi ngoại tệ cho biết.
Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng vay USD nhập nguyên liệu khi nhận thấy có tín hiệu tỷ giá ổn định trở lại. Ảnh: Lê Hồng Thái
Hơn sáu tuần qua, tỷ giá bình quân liên ngân hàng và giá bán USD của các ngân hàng thương mại ổn định. Tỷ giá liên ngân hàng vẫn được ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 18.544 đồng/USD. Giá niêm yết bán tại các ngân hàng thương mại vẫn là 19.100 đồng, nhưng giá mua vào mấy ngày gần đây đã giảm, hiện là 19.050 đồng/USD. Trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất giao dịch USD bình quân một số kỳ hạn giảm dần. Theo báo cáo tuần của ngân hàng Nhà nước, lãi suất USD vay qua đêm từ 0,56% tuần trước đó đã tụt xuống còn 0,43% vào tuần mới đây.
Cung tăng
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, diễn biến như trên được xem là chứng tỏ thị trường ổn định sau những tác động của các giải pháp đã đưa ra, đặc biệt từ sau khi điều chỉnh nâng tỷ giá liên ngân hàng đầu năm (11/2).
Theo giám đốc phụ trách ngoại hối của một ngân hàng, việc kiên trì giữ nguyên tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong khi tỷ giá tự do liên tục sụt giảm suốt thời gian qua cho thấy, ngân hàng Nhà nước muốn thu hẹp gần hơn nữa hai tỷ giá trong ngân hàng thương mại và ngoài thị trường tự do. Ngoài ra, nguồn cung USD trên thị trường dồi dào hơn đã khiến sự căng thẳng trước đây hầu như không còn.
Nguồn cung ngoại tệ được bổ sung một lượng đáng kể từ kiều hối. Ông Nguyễn Hoàng Minh dự báo, trong quý 1 lượng kiều hối về trên địa bàn TP.HCM đạt khoảng 964 triệu USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số mua ngoại tệ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn trong quý 1 khá cân bằng giữa lượng mua đạt hơn 12,3 tỉ USD và doanh số bán hơn 12,2 tỉ USD. Việc giảm mạnh dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ từ 7% xuống 4% kể từ kỳ dự trữ tháng 2 cũng làm các ngân hàng thương mại có trong tay thêm một lượng ngoại tệ khả dụng.
Tuy quý 1 năm nay Việt Nam nhập siêu 3,62 tỉ USD, nhưng giảm hơn phân nửa so với quý 1/2008. Hiện tượng xuất siêu trong quý 1/2009 thuộc loại hiếm nhờ xuất vàng. Theo ngân hàng Nhà nước, do nhu cầu ngoại tệ để thanh toán và nhập khẩu hàng hoá không còn cao như thời điểm trước tết Nguyên đán nên các ngân hàng thương mại đang dần tự cân đối được nguồn cung ngoại tệ, nhu cầu xin mua ngoại tệ của các ngân hàng thương mại trong tuần qua đã giảm đáng kể. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, lượng ngoại tệ mua được từ khách hàng bắt đầu tăng lên, cân đối được với lượng bán ra.
Theo giám đốc ngoại hối trên, ngân hàng Nhà nước vẫn đang hỗ trợ nguồn USD thông qua các hoạt động xuất khẩu được ưu tiên, cũng như hoạt động bán lại ngoại tệ từ doanh nghiệp cho ngân hàng tăng lên. Việc các tập đoàn tổng công ty vẫn tiếp tục bán ngoại tệ cho ngân hàng, như tổng công ty Lương thực miền Nam, với đợt trúng thầu 150.000 tấn gạo với giá 480 USD/tấn xuất đi Philippines đầu năm, đã cung cho thị trường thêm vài trăm triệu USD.
Ngân hàng vẫn muốn hút thêm USD
Tuy ngân hàng không có dấu hiệu căng thẳng ngoại tệ song nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động USD. Theo đó, lãi suất huy động USD được điều chỉnh mạnh ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần. Ngân hàng Đại Tín vừa nâng lãi suất tiết kiệm USD với mức tăng từ 0,3 – 0,8%; kỳ hạn ba tháng lên 4%/năm, sáu tháng 4,2%, 12 tháng là 4,5%/năm.
Ngân hàng Seabank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn một tháng là 3,8%/năm, 12 tháng là 4,6%/năm, các kỳ hạn dài hơn lên 4,8%/năm. Mức lãi suất huy động USD cao nhất hiện đang thuộc về ngân hàng HDB, với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 364 ngày lãi suất lên 5%/năm. Tại nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất cũng được nâng lên mức 4%/năm.
Theo giải thích của một số ngân hàng, do mức lãi suất huy động tiền đồng lên đến 18 – 20%/năm trong khi cho vay USD chỉ trong khoảng 6 – 8%/năm, nhóm khách hàng doanh nghiệp hoạt động thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng ưu tiên phục vụ sản xuất cân nhắc việc luân chuyển vốn và quyết định vay USD nhiều hơn, ngân hàng phải tăng huy động để đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải dự phòng việc người dân bán USD chuyển sang gửi bằng VND khi lãi suất VND quá cao so USD.
Nguồn SGTT

Bình luận (0)