Các nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm và chợ đầu mối ở TP.HCM ngưng, giảm hoạt động khiến nguồn gà, heo ở vùng Đông Nam bộ ùn ứ trong chuồng, không thể tiêu thụ, giá rớt thê thảm.
Giá gà rẻ như cho
Hiện người tiêu dùng ở TPHCM đang phải mua thịt gà với giá 60.000-70.000 đồng/kg (gà công nghiệp), thịt heo 140.000-250.000 đồng/kg. Do khan hiếm, nhiều cửa hàng thậm chí phải bán thịt đông lạnh nhập khẩu. Trong khi đó, cách TPHCM vài chục cây số, giá gà tại trại của người nuôi chỉ 6.000-7.000 đồng/kg.
Ông Lê Văn Quyết – Chủ nhiệm Hợp tác xã Chăn nuôi công nghệ cao Long Thành Phát (chuỗi bảy trang trại gà quy mô lớn ở tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu) – cho biết giá gà công nghiệp lông trắng bán tại chuồng chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg. Ông cay đắng: “Giá rau cũng không rẻ như vậy”. Theo ông, nếu không giải quyết được đầu ra, giá gà có thể giảm tiếp. Trong năm 2020, giá gà lông trắng cũng giảm còn 8.000 đồng/kg nhưng chỉ vài ngày sau thì tăng trở lại. Riêng đợt này, giá đã giảm thấp đến vậy, lại chẳng có người mua.
Hầu hết các nhà máy giết mổ đủ tiêu chuẩn đang tạm dừng hoạt động khiến heo, gà tồn đọng trong các trang trại, giá bán giảm mạnh. Ảnh: nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm của Công ty TNHH Ba Huân
Theo Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 7/2021, có đến 60 triệu con gia cầm (chủ yếu là gà) và lượng lớn heo đến ngày xuất chuồng nhưng bị tắc đầu ra.
Hoạt động thu mua, giết mổ đều tê liệt
Ông Nguyễn Kim Đoán cho biết, hầu hết thương lái tại tỉnh Đồng Nai đang kinh doanh thịt heo ở chợ đầu mối Hóc Môn (H.Hóc môn, TPHCM). Khi chợ này tạm dừng hoạt động, những người này phải cách ly. Một số lò mổ lớn ở TP.HCM như An Hạ, An Nhơn cũng nằm trong vùng phong tỏa hoặc đóng cửa do không thực hiện được phương án sản xuất “ba tại chỗ”. Các tỉnh lân cận cũng có lò mổ nhưng công suất lại không lớn dẫn đến hoạt động thu mua heo, gà ở tỉnh Đồng Nai đình trệ.
Ông Nguyễn Ngọc An – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) – cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến nguồn thịt heo, gà về TP.HCM khó khăn, giá bán tới được tay người tiêu dùng tăng cao là do các chốt kiểm dịch giữa các địa phương chưa có sự đồng bộ mặc dù đã có chính sách lưu thông cho hàng hóa thiết yếu. Ông dẫn chứng, xe vận chuyển thực phẩm vào TPHCM thì được thông chốt vì trên xe có thực phẩm, nhưng khi giao hàng xong, xe về tỉnh lấy hàng, qua các chốt lại khó vì xe trống, các chốt yêu cầu chứng minh đủ thứ.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc An, những sự cố nhỏ tại nhà máy cũng có thể làm đình trệ nhiều khâu. Chẳng hạn, một chiếc máy đóng gói sản phẩm chế biến bị hư, cần đưa đi sửa chữa trong khi cơ sở cơ khí bị cấm hoạt động do không phải là đơn vị sản xuất hàng thiết yếu. Muốn sửa máy, cơ sở phải đề xuất với Sở Công Thương cho phép cơ sở cơ khí hoạt động lại, đồng thời cấp phép cho những thợ cơ khí ở đó được đi lại. Từ lúc đề xuất cho đến khi công nhân cơ khí đến được nơi làm việc phải mất nhiều ngày.
Ông Nguyễn Ngọc An cũng nói thêm, giá heo, gà giảm mạnh còn do nhu cầu tiêu thụ đang giảm rất nhiều bởi hàng loạt quán ăn, nhà hàng, bếp ăn tập thể dừng hoạt động. Thêm vào đó, việc giết mổ trong bối cảnh giãn cách xã hội cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu xử lý nội tạng. Trước đây, khi các chợ truyền thống và hàng quán còn hoạt động, các phụ phẩm này dễ tiêu thụ, còn hiện nay, các doanh nghệp phải tiêu hủy phụ phẩm, kinh phí xử lý tốn kém lại mất một nguồn thu, từ đó cộng dồn vào giá thịt bán ra, khiến giá đắt hơn.
Tháo gỡ lò mổ và tài xế xe tải
Theo ông Lê Văn Quyết, thời gian này, nếu được hoạt động, các cơ sở giết mổ gia cầm nhỏ lẻ có thể giải quyết được đáng kể nguồn heo, gà tồn đọng, áp lực lên các cơ sở giết mổ hiện đại cũng giảm bớt, người tiêu dùng ở TP.HCM các tỉnh lân cận có thể mua được nguồn thịt tươi với giá rẻ, nông dân cũng bán được hàng. “Điểm nghẽn trong khâu tiêu thụ gà, vịt, heo hiện nay là ở các lò giết mổ. Chỉ cần các lò giết mổ hoạt động trở lại thì sẽ giải quyết được. Đối với các lò giết mổ có ca nhiễm COVID-19, chỉ cần khử trùng, sau bảy ngày là có thể đưa vào hoạt động chứ không nhất thiết phải phong tỏa 14-21 ngày” – ông Lê Văn Quyết đề xuất.
Ông Nguyễn Kim Đoán cũng cho rằng, sau bảy ngày phong tỏa, khử trùng, nhà máy giết mổ có thể đi vào hoạt động. Nhưng cái khó ở đây là tâm lý công nhân còn e ngại. Đa phần họ không dám mạo hiểm làm việc khi chưa được tiêm vắc-xin và phải ăn, ở tại lò mổ theo mô hình “ba tại chỗ” như quy định. Cách giải quyết tốt nhất hiện nay là cho công nhân giết mổ được tiêm vắc-xin để các nhà máy có thể hoạt động trở lại.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Hồng Thắm – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ – cho rằng chỉ khi công nhân được tiêm vắc-xin thì nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm mới dám hoạt động trở lại. Nhà máy An Hạ đã tạm ngưng hoạt động hai tuần nay, đã đăng ký tiêm vắc-xin cho công nhân nhưng đến nay, công nhân vẫn chưa được tiêm. Bà nói: “Chắc chúng tôi phải ngưng hoạt động cho đến khi công nhân được tiêm vắc-xin ít nhất một mũi, mới yên tâm hoạt động trở lại. Hoạt động mà đánh đổi an toàn sức khỏe của công nhân thì không doanh nghiệp nào dám làm”.
Dù heo, gà tại các vùng nuôi đang thừa mứa, khó tiêu thụ nhưng các cửa hàng, siêu thị tại TPHCM, người tiêu dùng nhiều thời điểm trong ngày vẫn rất khó mua thị
Ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ – đề xuất Chính phủ cần có chính sách kêu gọi, khuyến khích cấp cho các tỉnh giấy phép xây nhà máy giết mổ quy mô lớn phù hợp với sản lượng chăn nuôi ở từng tỉnh, không cần ưu đãi gì. Ở nước ngoài, họ chăn nuôi ở đâu thì xây nhà máy giết mổ ở đó, rồi mới chở thực phẩm đến nơi tiêu thụ, nên nếu có một địa phương nào đó bị sự cố, thịt vẫn lưu thông. Ở nước ta lại làm ngược, nuôi ở các tỉnh nhưng lò giết mổ lớn lại tập trung ở TPHCM. Đây là điều không hợp lý và thực tế đã chứng minh, khi TPHCM bị sự cố do dịch bệnh thì gia súc, gia cầm ở tất cả các tỉnh, thành khác đều tắc nghẽn.
“Bên cạnh đó, cần phải xây dựng thêm kho đông lạnh quốc gia với sự hỗ trợ giá điện từ Nhà nước. Các nước khác đều có kho đông lạnh dự trữ quốc gia, giá rẻ thì họ giết mổ đem đông lạnh, bất ổn thì họ đưa thực phẩm ra thị trường. Có như vậy, chăn nuôi mới bền vững, tiêu thụ mới ổn định. Còn như ở nước ta hiện nay, sản lượng tồn dư, giá xuống thấp, muốn giết mổ đem trữ lạnh cũng không có nơi chứa. Tới đây, người nông dân thua lỗ, sản lượng chăn nuôi sụt giảm thì giá lại tăng cao, nguồn cung khan hiếm” – ông Nguyễn Văn Ngọc phân tích.
Một số chủ doanh nghiệp cho rằng, có thể khắc phục nhanh bất cập hiện nay bằng cách linh động khơi thông khâu vận chuyển hàng hóa, thực phẩm. Nên bỏ hẳn quy định kiểm soát xe tải chở hàng, chỉ cần yêu cầu các tài xế thực hiện nghiêm việc giãn cách khi giao, nhận hàng. “Có ý kiến cho rằng nên thành lập đường dây nóng để xử lý việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Tôi cho rằng điều này rất khó vì không thể xử lý hết các tình huống phát sinh và không phải tài xế nào cũng dễ dàng tiếp cận kênh trực tuyến này. Nếu không đồng bộ trong lưu thông, linh động trong xử lý thì tình trạng “nơi cần bán ứ hàng, nơi cần mua không có” vẫn tiếp diễn” – ông Nguyễn Ngọc An nói.
TPHCM yêu cầu các siêu thị, cửa hàng… tăng lượng hàng hóa cung ứng UBND TPHCM đã giao Sở Công thương yêu cầu các hệ thống siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm thiết yếu tăng lượng hàng thực phẩm chế biến sẵn, đảm bảo hàng hóa đầy đủ trên các quầy, kệ với chủng loại đa dạng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp bán lẻ phối hợp hệ thống giao hàng và các hình thức phân phối trực tiếp đến tận tay người dân khi có yêu cầu. UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn chủ động nắm bắt khó khăn của người dân trên địa bàn, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian giãn cách xã hội để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Chính quyền địa phương hỗ trợ bằng các hình thức phù hợp như tổ chức lực lượng tình nguyện viên đi chợ thay, trực tiếp đặt hàng qua điện thoại tình nguyện viên và giao trực tiếp đến người dân. Đối với người già neo đơn, người bệnh và các đối tượng khác, địa phương có thể chủ động cung cấp các suất ăn miễn phí. Nguyễn Cẩm |
Theo Thanh Hoa – Quốc Thái/PNO
Bình luận (0)