Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giá gạo sẽ còn “nóng”!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giá lúa ở ĐBSCL đã lên gần 6.000 đồng/ki lô gam do giá gạo xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng dần. Theo dự đoán của một số chuyên gia, giá gạo xuất khẩu có thể tiếp tục đứng ở mức cao, ít nhất cho đến những tháng đầu năm 2010.
Thuận lợi!
Ông Nguyễn Thọ Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết tính đến ngày 27- 11, lượng gạo đăng ký theo hợp đồng của các doanh nghiệp đã lên đến 6,825 triệu tấn, tăng 49,47% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, cả năm 2009, Việt Nam có thể xuất khẩu 6,2 triệu tấn và số còn lại sẽ giao trong những tháng đầu năm 2010.

Một doanh nghiệp mua gạo của nông dân vận chuyển về kho trữ ở Cần Thơ. Dự báo, năm 2010, giá gạo sẽ tiếp tục đứng ở mức cao. Ảnh: Hoàng Hải.

Cũng theo ông Trí, dù giá xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay chỉ đạt 405 đô la Mỹ/tấn, giảm 180 đô la so với cùng kỳ, nhưng lượng gạo giao trong tháng 11 đạt mức giá bình quân đến 413,71 đô la Mỹ/tấn, tức những tháng cuối năm gạo đang được giá.
Trước đó, từ đầu năm đến tháng 9 vừa qua, tình hình mua bán gạo trên thế giới vẫn trầm lắng, giá gạo hầu như không thay đổi, thậm chí có lúc xuống thấp trong thời điểm từ tháng 3-6. Nguyên nhân xuất phát từ thông tin Ấn Độ trúng mùa và đưa lượng gạo dự trữ lên mức hơn 20 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay, và có thể xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn. Trong khi đó, Thái Lan vẫn tiếp tục thực hiện chương trình mua lúa có trợ giá cho nông dân, nâng mức tồn kho gạo lên hơn 6 triệu tấn và nhiều khả năng bán gạo tồn kho nhằm giảm chi phí, hao hụt khi lưu kho. Mặt khác, khủng hoảng tài chính trên thế giới cũng khiến việc mua bán gạo cấp thấp bị giới hạn do nhu cầu viện trợ từ các nước nghèo không được đáp ứng kịp thời.
Những thông tin đó khiến hồi tháng 9, thậm chí đã có những dự đoán cho rằng giá gạo 5% tấm của Thái Lan sẽ giảm chỉ còn dưới 400 đô la Mỹ/tấn, còn gạo cùng phẩm chất của Việt Nam, Myanmar sẽ xuống 310 đô la Mỹ/tấn.Tuy nhiên, gần đây, khi Ấn Độ đưa ra thông tin về việc mất mùa tại nước này, tức sẽ không xuất khẩu gạo mà có thể còn phải nhập, trong khi một số nước ở châu Á lại phải tăng nhập khẩu gạo do thiên tai đã khiến giá gạo xuất khẩu nhóng lên.
Ngày 4-11, kết quả mở thầu 250.000 tấn gạo 25% tấm của Philippines được công bố với giá 480 đô la Mỹ/tấn, trong đó có Tổng công ty Lương thực miền Nam trúng thầu, thì ngay những ngày sau đó, thị trường gạo thế giới đã hình thành mặt bằng giá mới, cao hơn nhiều so với mức bình quân trong chín tháng đầu năm.
Đầu tuần này, giá gạo 100% B của Thái Lan đã tăng 65 đô la Mỹ so với hồi tháng 10, đạt mức 590 đô la Mỹ/tấn. Còn giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 510-520 đô la Mỹ/tấn, gạo 25% tấm là 470-480 đô la Mỹ/tấn. Theo dự báo, giá gạo sẽ còn tiếp tục tăng khi Philippines công bố sẽ tổ chức ba đợt thầu tiếp theo trong tháng 12 này, với số lượng khoảng 2,2 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo VFA, nông dân hầu như không còn lúa, gạo để bán vì lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp đã lên gần 1,37 triệu tấn. Như vậy, đợt tăng giá lần này, nông dân không được hưởng lợi mà chỉ có thể hy vọng vào vụ đông xuân tới.
Năm 2010 vẫn “nóng”
Theo VFA, Philippines và Ấn Độ sẽ là những nơi chi phối thị trường gạo trong thời gian tới. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, Philippines sẽ phải nhập 2,6 triệu tấn gạo trong năm 2010, trong khi một số nguồn tin khác dự báo con số này có thể là 3 triệu tấn, tăng gần 70% so với số liệu nhập khẩu chính thức của năm 2009. Còn tại Ấn Độ, theo dự ước của Hội đồng Ngũ cốc quốc tế, sản lượng gạo năm 2010 có thể giảm 14% so với năm 2009, tức chỉ đạt khoảng 85 triệu tấn. Chính phủ nước này cũng đã công bố sẽ nhập từ 2-3 triệu tấn gạo trong năm tới, đồng thời bỏ thuế nhập khẩu để “dọn đường”. Tuy các doanh nghiệp Việt Nam khó chen chân vào nếu Ấn Độ mở cửa nhập khẩu vì thị trường này có thể sẽ dành cho Thái Lan, nhưng Việt Nam vẫn có thể hưởng lợi khi giá tăng theo. Chỉ có điều chuyện Ấn Độ có nhập khẩu gạo hay không vẫn chưa chắc chắn.
Giả như Ấn Độ không nhập khẩu, thì chỉ với việc ngưng xuất khẩu, Ấn Độ đã khiến nguồn cung cho thị trường thế giới giảm 3-4 triệu tấn gạo. Nhưng bao giờ Ấn Độ sẽ trở lại việc xuất khẩu? Ông V.Sabramanian, Phó chủ tịch kênh thông tin Rice Trader, Tổng biên tập tạp chí Rice Today (thuộc IRRI), khẳng định: “Chắc chắn không phải trong hai năm tới!”.
Theo báo cáo hồi giữa tháng 11 của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), sản lượng gạo toàn cầu sẽ giảm 2,3%; còn theo Bộ Nông nghiệp Mỹ thì sản lượng gạo đã không theo kịp nhu cầu. Tiêu thụ tăng sẽ khiến lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm 41%, còn 85,9 triệu tấn vào năm thị trường 2009- 2010. Viện Nghiên cứu gạo quốc tế IRRI cho rằng, giá gạo có thể trở lại mức kỷ lục hồi năm 2008, gây bất ổn xã hội tại một số quốc gia.

Tuy nhiên, có thể các nước trên thế giới sẽ có những chính sách để giảm nhiệt cho thị trường gạo bởi giá gạo tăng mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, nhất là tại các nước nghèo như ở châu Phi. Nhiều phân tích cũng cho rằng, việc tăng giá sẽ bị hạn chế do áp lực giải phóng gạo vì tồn kho của Thái Lan hiện đã gần gấp ba lần so với con số 2 triệu tấn hồi năm 2008. “Tiêu thụ gạo có thể sẽ chậm lại nếu giá gạo vào năm tới tiếp tục giữ ở mức cao. Tôi nghĩ có thể giá gạo xuất khẩu năm 2010 có thể cao hơn năm 2009 nhưng chỉ vào những tháng đầu năm, sau đó ổn định trở lại sau khi Philippines và Ấn Độ nhập khẩu xong lượng gạo họ cần”, ông V.Sabramanian nhận định.

Theo TBKTVN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)