Cho dù vẫn đang trong tình trạng cung vượt cầu, dự trữ tiếp tục tăng, giá cả trầm lắng, nhưng thị trường gạo thế giới đã xuất hiện những dấu hiệu đảo chiều trong những tháng tới.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
Trước hết, các số liệu thống kê của cả FAO lẫn USDA đều cho thấy, năm nay sẽ là năm thứ năm thế giới được mùa lúa. Do vậy, tiêu dùng gạo thế giới tiếp tục đà tăng mạnh, và dự trữ gạo thế giới tuy sẽ vẫn đạt kỷ lục mới, nhưng sẽ chấm dứt chuỗi bảy năm liên tục tăng gần đây.
Đây là một mảng trong bức tranh sáng sủa của thị trường lương thực thế giới nói chung. Bởi lẽ, bên cạnh lúa gạo, cán cân cung – cầu lúa mì và các loại lương thực khác của thế giới trong những năm gần đây cũng ở trong tình trạng tương tự. Trong bối cảnh cán cân cung – cầu như vậy, giá lương thực nói chung và giá gạo thế giới nói riêng đã hạ nhiệt nhanh.
Thế nhưng, cho tới thời điểm này, đã xuất hiện ba yếu tố chủ yếu sau đây có thể khiến thị trường gạo thế giới đảo chiều trong thời gian tới:
– Thứ nhất, các cơ quan dự báo thời tiết phương Tây đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng El Niño có thể ảnh hưởng xấu đến sản xuất lúa của khu vực châu Á. Mặc dù người đứng đầu cơ quan dự báo thời tiết của Ấn Độ đến cuối tháng 3 vừa qua vẫn nói chắc nịch rằng, đó chỉ là tin đồn nhằm thao túng thị trường lúa gạo và yêu cầu các thương nhân Ấn Độ không để ý đến, nhưng cuối tháng 4 vừa qua cơ quan này lại “đổi ý”, thừa nhận rằng, lượng mưa ở Ấn Độ có khả năng “dưới mức bình thường” và cũng có thể giảm đến mức “thiếu”.
Nếu vậy, đây chính là yếu tố rất quan trọng khiến thị trường lúa gạo thế giới có thể đảo chiều. Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, Ấn Độ chính là quốc gia “nhạy cảm” bậc nhất với biến đổi khí hậu.
Các số liệu thống kê của FAO cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, Ấn Độ chính là quốc gia có diện tích lúa lớn nhất thế giới, bình quân đạt gần 43,3 triệu héc ta, chiếm 27,5% diện tích lúa của thế giới và lớn gấp 1,5 lần của Trung Quốc.
Thế nhưng, yếu điểm lớn nhất của nền nông nghiệp lúa nước Ấn Độ là diện tích lúa được tưới tiêu chỉ chiếm hơn một nửa, còn gần một nửa phụ thuộc vào nước mưa.
– Thứ hai, trong khi Ấn Độ có thể giảm xuất khẩu thì ngược lại, rất có thể Trung Quốc sẽ lại phải tăng nhập khẩu gạo.
Nguyên nhân của việc Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo khác là do ảnh hưởng của việc tạm ngừng sản xuất lúa ở Hồ Nam, vựa lúa lớn nhất của Trung Quốc.
Cụ thể, từ các thông tin về gạo nhiễm kim loại nặng vô cùng nguy hiểm được phát hiện tại Quảng Châu gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế cách đây một năm, các nhà quản lý nước này đã ráo riết vào cuộc và truy nguyên được nguồn gốc phát sinh chính là nguồn nước và đất tại Hồ Nam đã bị nhiễm độc.
Cho tới thời điểm này, theo tin của một hãng thông tấn phương Tây, quyết định được đưa ra là tạm ngừng sản xuất lúa tại đây và chuyển sang trồng các loại cây phi lương thực.
Tuy hiện vẫn chưa biết được quy mô sản xuất và thời gian tạm ngừng là bao nhiêu, nhưng với sản lượng 26 triệu tấn/năm, thì sản lượng lúa của Trung Quốc sẽ bị vơi mất 12,9%, còn nếu tính chung cả lúa mì thì sản lượng lương thực của Trung Quốc bị giảm tới 8,1%.
Đây rõ ràng là sụ hụt hẫng không hề nhỏ, cho nên rất có thể Trung Quốc sẽ phải gia tăng nhập khẩu lương thực, đặc biệt là gạo trong những năm tới.
Rõ ràng, hai yếu tố này sẽ cộng hưởng lẫn nhau, đẩy giá gạo thế giới tăng.
Trong bối cảnh như vậy, Thái Lan với kho gạo dự trữ chưa từng có chắc chắn được hưởng lợi nhiều nhất.
– Thứ ba, thay vì được mùa rất lớn, khiến giá lương thực giảm trong năm 2013, triển vọng thế giới mất mùa lúa mì và các loại lương thực khác trong năm nay là yếu tố hỗ trợ giá lúa gạo tăng.
Cụ thể, các số liệu thống kê và dự báo mới nhất của USDA cho biết, thay vì được mùa gần 57 triệu tấn lúa mì và 110 triệu tấn bắp trong niên vụ vừa qua, năm nay thế giới sẽ mất mùa 17 triệu tấn lúa mì và 12 triệu tấn ngũ cốc khác. Việc giá lúa mì và giá các loại ngũ cốc khác tăng mạnh trở lại trong hai tháng vừa qua phản ánh thực tế này.
Trong điều kiện như vậy, rất có thể những quốc gia sử dụng cả gạo và lúa mì làm lương thực chính sẽ tăng cường sử dụng gạo, khiến gạo trở nên có giá hơn.
Nói tóm lại, với những động thái mới xuất hiện trong thời gian gần đây, có nhiều khả năng xu thế giảm giá gạo thế giới hiện nay sẽ sớm chấm dứt và sau đó có thể nhích lên, thậm chí có thể tăng khá, tùy thuộc vào mức độ phát tác của El Niño tại khu vực châu Á mạnh tới đâu và việc Chính phủ Trung Quốc kiên quyết xử lý tình trạng ô nhiễm đất lúa tới mức nào.
(TBKTSG)
Bình luận (0)