Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giá gạo thấp nhất thế giới vẫn cứ ế?

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, theo thống kê của hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến hết quý 1/2013, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã giao là 1,45/3,57 triệu tấn gạo được ký hợp đồng, đạt kim ngạch 641,3 triệu USD, nhưng trung bình giá xuất khẩu lại giảm tới 44,52 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2012.

Gạo rẻ lại bán không được: giả thiết nào?

Thời gian qua, hầu như tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều ra sức “than” rằng việc xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn buộc họ phải bán gạo giá thấp. Điều này xuất phát từ nhu cầu nhập khẩu gạo sụt giảm, các hợp đồng tập trung “nhỏ giọt” khi con số hợp đồng này chỉ chiếm 10,55% tổng sản lượng trên các hợp đồng. Thế nên các doanh nghiệp phải ký hợp đồng thương mại “giá rẻ” để cạnh tranh với các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan. Tuy nhiên, thực thế vẫn chỉ ra nghịch lý “gạo đã rất rẻ, thậm chí là rẻ nhất thế giới mà vẫn bán không được dù là gạo đồng cấp”. Nếu đổ lỗi cho “thị trường cầu” thì không đúng, bởi dù cầu có giảm thì giá thấp khách hàng vẫn sẽ chọn mua. Như vậy có chăng thị trường gạo Việt Nam đang tồn tại một trong ba giả thiết khiến gạo Việt vẫn mang danh “tiếng” nhiều mà “miếng” ít.

Việc mua gạo trực tiếp từ nông dân giá cao để phân phối xuất khẩu sẽ là một giải pháp nên được cân nhắc

Giả thiết phổ biến mà giới xuất khẩu vẫn “tung” ra chính là “gạo Việt Nam chất lượng quá kém, khiến khách hàng không ưa chuộng nên dù bán giá thấp nhưng vẫn ít có người mua”. Giả thiết này dường như rất khó diễn ra trong bối cảnh hoạt động canh tác của người dân thời gian qua được cải thiện đáng kể, khoảng cách công nghệ giữa các nước cũng ngắn đi rất nhiều.

Giả thiết thứ hai diễn ra cho rằng gạo Việt Nam chưa có “sức mạnh mềm”, nghĩa là việc xuất khẩu chỉ dừng ở số lượng (cung cấp) chứ chưa tạo được thói quen cho người tiêu dùng. Nếu nhìn sang Thái Lan với nền truyền thông nổi tiếng và “mạnh tay” thì quả là gạo Việt còn thua kém. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ hướng đến cái lợi của số lượng chứ chưa có ý thức “nâng tầm gạo Việt” như chiến lược mà Nhà nước đưa ra. Không khó hiểu khi việc thu lợi từ số lượng sẽ không làm các doanh nghiệp tốn quá nhiều thời gian, nguồn lực so với lợi nhuận từ việc xây dựng “sức mạnh mềm” của gạo trong dài hạn.

Giả thiết cuối cùng dự báo rằng hiện nay đã và đang tồn tại “nhóm lợi ích” xuất khẩu gạo, đã thực hiện động thái “ém nhẹ” thông tin để tạo ra sự bất đối xứng thông tin về thị trường lúa gạo. Nghĩa là, có chăng các doanh nghiệp xuất khẩu đã “hợp đồng” nội bộ với nhau để đồng loạt đưa thông tin một cách thiếu hoặc thừa. Điều này nhằm mục đích đưa thông tin “gạo bán không được” đến tai người dân. Với năng lực kiểm soát và kiểm tra thị trường gạo còn hạn chế của phần đông người nông dân, “niềm tin” gạo Việt “khó xuất khẩu, gặp cạnh tranh…” được hình thành khiến người trồng lúa chấp nhận bán giá rẻ. Hiển nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu có thể xuất khẩu gạo một cách dễ dàng hơn, với mức giá “cạnh tranh hơn” và thu nhiều lợi nhuận hơn từ lượng xuất khẩu khổng lồ.

Thực tế hiện nay giả thiết hai, ba là hai lời lý giải dễ chấp nhận cho nghịch lý thông tin “gạo giá rẻ nhất thế giới lại xuất khẩu khó khăn”.

“Bao cấp” gạo: tại sao không?

Thật khó chấp nhận nếu Nhà nước quay lại thời bao cấp theo cơ chế “làm chung ăn chung” trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế thị trường. Việc “bao cấp” gạo nên được hiểu theo nghĩa Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong khâu liên kết giữa người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu. Việc mua gạo trực tiếp từ nông dân giá cao để phân phối xuất khẩu sẽ là một giải pháp nên được cân nhắc khi Thái Lan hiện vẫn đang áp dụng thành công trong việc đảm bảo lợi ích của số đông trong lĩnh vực lúa gạo.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện các chiến lược tiếp thị, mở rộng, phân khúc lại thị trường xuất khẩu nhằm “tạo thói quen” dùng gạo Việt cho người tiêu dùng quốc tế.

Thêm nữa, nhất thiết phải rà soát và loại bỏ doanh nghiệp xuất khẩu thiếu năng lực. Việc này sẽ làm giảm tính cạnh tranh xuất khẩu giữa các doanh nghiệp nội địa. Từ đó, người nông dân lẫn doanh nghiệp có thể bán gạo với giá tốt hơn.

Đặc biệt, Nhà nước nhất thiết phải có cơ chế điều tra, giám sát tính minh bạch về thông tin xuất khẩu, đặc biệt không ngoại trừ trường hợp “trong ứng ngoại hợp” – các nhóm lợi ích núp bóng hai hiệp hội xuất khẩu miền Bắc và miền Nam để tạo ra niềm tin cho nông dân về thông tin xuất khẩu gạo gặp khó khăn để có thể thu mua giá gạo rẻ. Đồng thời, siết chặt luật “giá sàn” đối với doanh nghiệp khi mua gạo từ nông dân, cũng như khi xuất khẩu gạo ra nước ngoài.

Irys Nguyễn

SGTT.VN

 

Bình luận (0)