Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giá gạo Việt lập đỉnh

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Reuters, tuần 28.5 – 4.6, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng lên 475 USD/tấn – mức cao nhất kể từ đầu năm 2012.
Theo doanh nghiệp xuất khẩu, chất lượng gạo Việt đã được "nâng cấp" trong mắt đối tác nước ngoài  /// Ảnh: Huỳnh Thanh Phong
Theo doanh nghiệp xuất khẩu, chất lượng gạo Việt đã được "nâng cấp" trong mắt đối tác nước ngoài. ẢNH: HUỲNH THANH PHONG
Tăng cao nhất trong 8 năm
Theo số liệu từ Bộ Công thương, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 5 đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, bình quân 527 USD/tấn, tăng 5,6% so với giá xuất tháng 4 và tăng 21,4% so cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong tháng 5 – thời điểm Chính phủ gỡ bỏ hạn ngạch, hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường, lượng gạo xuất khẩu tăng đến 47%, trị giá tăng hơn 55% so với tháng 4.
Dịch Covid-19 chỉ là tác động thêm vào tạo thuận lợi tăng xuất khẩu gạo, chứ không phải nhờ dịch mà giá gạo Việt tăng. Từ trước dịch, đầu năm 2020, giá gạo xuất khẩu của chúng ta đã tăng khá tốt

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) – doanh nghiệp đặt kế hoạch xuất khẩu 100.000 tấn gạo trong năm nay cho biết: Công ty đang xuất khẩu gạo thơm với giá 540 – 560 USD/tấn, một số loại cao cấp hơn có giá 600 USD/tấn; gạo 504 mới ký hợp đồng đầu tháng 6 này với giá 465 – 470 USD/tấn (cùng loại này vào giữa tháng 5 chỉ bán được giá 450 USD/tấn); gạo giống lúa 5451 giá 475 USD/tấn; gạo DT8 giá 485 USD/tấn (loại này trước dịch chỉ bán với giá 435 USD/tấn). “Năm nay giá gạo xuất khẩu tăng, bà con nông dân mừng, doanh nghiệp cũng thấy an tâm”, ông Đôn hồ hởi thông báo.
Cập nhật đến ngày 5.6, theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An: “Giá gạo xuất khẩu tháng 5 tăng mạnh nhưng sang đầu tháng 6 đã bắt đầu chững lại vì nhiều thị trường lớn đang tạm ngưng ký hợp đồng, chờ giá xuống như Philippines. Thứ hai là giá thu mua lúa gạo trong nước đang tăng mạnh. Loại gạo có giá thấp nhất là 504 hiện đang được thu mua mức giá 9.500 đồng/kg, sau khi xay, đóng gói bao bì, giá thành khoảng 10.500 đồng/kg. Với mức này, giá bán ra phải 450 USD/tấn mới có lãi”.
Dù vậy ông Bình thừa nhận giá gạo năm nay tăng 25 – 30% so với năm ngoái và “Dự báo cuối năm giá gạo vẫn tiếp tục giữ phong độ tốt”.
Đây cũng là nhận định chung của các nhà xuất khẩu. Theo đó, đến cuối tháng 6, đầu tháng 7, giá gạo xuất khẩu chắc chắn sẽ lấy lại “phong độ” vì sản lượng các nước sản xuất gạo không tăng, nhu cầu sau dịch có tăng.
Cơ hội “vượt mặt” gạo Thái?
 

Theo Reuters, giá gạo xuất khẩu Việt Nam loại 5% tấm giá lên 475 USD/tấn, cùng loại, gạo của Thái lên 490 – 512 USD/tấn. Hiện Thái Lan đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Chuyên gia nông nghiệp – GS Võ Tòng Xuân nhận định, giá gạo Việt xuất khẩu sẽ tăng do nhu cầu gạo thế giới sẽ tiếp tục tăng. Trung Quốc, Philippines, Malaysia… đều đang tăng mua dự trữ. Bên cạnh đó, chất lượng gạo của Việt Nam nay tốt hơn nhiều so với mấy năm trước. Thậm chí, Việt Nam có lợi thế có loại gạo giống ST25 ngon nhất thế giới, nên giá gạo Việt Nam chắc chắn sẽ được “nâng lên một bậc” so với trước.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Bình cho rằng giá gạo xuất khẩu năm nay tăng không phải vì dịch Covid-19, mà phần lớn nhờ vào giá trị hạt gạo Việt được đối tác đánh giá cao. “Dịch Covid-19 chỉ là tác động thêm vào tạo thuận lợi tăng xuất khẩu gạo, chứ không phải nhờ dịch mà giá gạo Việt tăng. Từ trước dịch, đầu năm 2020, giá gạo xuất khẩu của chúng ta đã tăng khá tốt”, ông Bình nói.
Nhiều ý kiến cho rằng gạo Việt đang có cơ hội để vượt mặt Thái, tuy nhiên ông Bình tỏ ra thận trọng bởi hiện loại gạo thơm ngon nhất Việt Nam xuất với giá 800 USD/tấn, thì Thái Lan bán giá 1.100 USD/tấn. “Việt Nam có giống gạo được cấp bằng ngon nhất thế giới, nhưng khoảng cách về giá gạo thơm ngon giữa Việt Nam và Thái Lan còn rất xa. Gạo thấp cấp hơn chênh lệch cũng từ 30 – 50 USD/tấn”, ông Bình nói.
Ông Nguyễn Văn Đôn phân tích, Thái Lan có lịch sử xuất khẩu gạo lâu đời trước Việt Nam, xây dựng thương hiệu tốt và có mặt tại các thị trường khó tính từ lâu. Giá xuất khẩu gạo Thái trước đây cao hơn gạo Việt khoảng 50 USD/tấn. Nếu có cạnh tranh, chỉ hy vọng khoảng cách chênh lệch giá hai nước thu hẹp hơn trong tương lai, chẳng hạn, từ chênh lệch 50 USD/tấn, xuống 40 – 30 USD/tấn là tốt rồi.
Về vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, giảm độ chênh lệch giá là có thể, còn cao hơn hoặc ngang giá gạo Thái thì khó. “Thái Lan hiện chỉ sản xuất mỗi năm một vụ với sản lượng 3,5 – 3,8 triệu tấn. Trong khi Việt Nam (chủ yếu khu vực miền Nam) trồng 3 vụ/năm với tổng sản lượng lên 14 – 15 triệu tấn. Năm nay, Việt Nam kế hoạch xuất khẩu 6,5 triệu tấn, nhưng có thể tăng lên 8 triệu tấn. Thái Lan hiện vẫn dư 10 triệu tấn. Nếu xuất khẩu hết cũng hơn Việt Nam 2 triệu tấn. Tuy nhiên, đây là con số đáng khích lệ cho gạo Việt”, GS Võ Tòng Xuân nhận định.
Nhắm đến thị trường EU
GS Võ Tòng Xuân lưu ý: “Thị trường EU đòi hỏi cao về nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm… trong khi nhà nông Việt vẫn còn duy trì tư duy trồng lúa phun thuốc sâu bệnh, bón phân vô tội vạ. Nên để tăng thị phần vào EU sau khi EVFTA có hiệu lực là không cao cho dù thuế từ 40% về 0%. Nhưng về tương lai xa, đây là thị trường tốt vì các thương nhân mua xuất sang EU bán đi các nước Trung Đông và thị trường châu Phi cũng rất lớn”.
Theo Nguyên Nga/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)