Vài tuần qua, giá gas thế giới liên tục giảm mạnh theo giá dầu thô. Tính đến ngày 21-10, giá gas thế giới đã giảm khoảng 280 USD/tấn so với cuối tháng chín, mười. Thế nhưng nếu như giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm dù “nhỏ giọt”, giá gas đến nay vẫn bình chân như vại.
Điều gì đang xảy ra ở thị trường bán lẻ gas trong nước?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trong nửa tháng gần đây giảm với tốc độ chóng mặt, có lúc giảm đến 300 USD/tấn so với đầu tháng, nhưng giá bán lẻ trong nước vẫn không thay đổi.
Giá đã chốt cả tháng
Tất cả công ty kinh doanh gas đều xác nhận giá gas trong nước phụ thuộc giá CP được công bố vào mỗi cuối tháng trên thị trường thế giới. Và giá CP được ấn định cho cả tháng trong trường hợp các công ty ký hợp đồng mua định kỳ (hợp đồng term). “Chính vì khi nhập khẩu đã chốt giá CP cố định, nên dù giá CP trên thế giới tăng hay giảm thì lô hàng chúng tôi mua về trong tháng đó sẽ không làm thay đổi giá trong nước. Việc chốt được giá như vậy các nhà nhập khẩu sẽ an toàn khi giá lên, nhưng rõ ràng lúc giá xuống cũng phải chịu lỗ” – ông Lê Phúc Đại, giám đốc Công ty năng lượng Đại Việt (Vina Gas), giải thích.
Theo ông Trần Trung Chính – phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Khí hóa lỏng VN (VT Gas), giá gas thế giới đã giảm mạnh liên tục trong ba tháng gần đây khiến các doanh nghiệp vừa lỗ vừa bị tồn hàng rất nhiều. “Không ai ngờ giá dầu, giá gas tụt thê thảm như vậy, hôm nay nhập về tháng sau giá lại giảm, lỗ là chuyện không tránh khỏi” – ông Chính nói.
Giám đốc một công ty thừa nhận đã bị tồn vài nghìn tấn, trong tháng mười ước tính bị lỗ 2,5 tỉ đồng và tháng tới nhiều khả năng số lỗ còn gấp hai lần. Một công ty khác có thị phần tương đối cũng bị lỗ đến 20 tỉ đồng do biến động của giá gas thế giới. “Do dự báo giá gas thế giới tháng sau giảm mạnh nên chúng tôi đang dự tính xin cắt bớt sản lượng và chịu phạt vi phạm hợp đồng. Vì nếu có bị phạt thì mất chừng 1 tỉ đồng, còn nhập về có thể ôm đến 4 tỉ đồng, làm sao chịu nổi!” – một giám đốc than.
Mới giảm cho… đại lý
Công thức tính giá gas tháng 11-2008:
|
Theo một nhà phân phối gas tại TP.HCM, ngày 20-10 đã có một công ty tư nhân giảm giá gas với mức 5.000 đồng/bình 12kg. Tuy nhiên, việc giảm giá này chỉ được thông báo đến đại lý, vì thế người tiêu dùng không được hưởng lợi.
Các công ty kinh doanh gas cho rằng do giá CP cố định nên không thể giảm giá bán lẻ trong tháng. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua rất nhiều lần giá gas bán lẻ đã được tăng hoặc giảm trong vòng một tháng. Trong đó, chỉ riêng thời điểm tháng 11, 12-2007 giá bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh nhiều lần. Đặc biệt trong tháng 6-2008, giá bán lẻ đã tăng nhiều lần. Riêng Petrolimex Gas chỉ trong ba ngày đã tăng giá hai lần. “Có thể việc tăng, giảm ở các thời điểm đó không phải do giá CP mà do các yếu tố cạnh tranh trong nước, biến động tỉ giá USD/VND… Nhưng rõ ràng việc điều chỉnh giá bán lẻ trong nước là có thể được!” – một chuyên gia nói.
Giám đốc một công ty nhận định: với mức giảm giá CP hiện tại, giá bán lẻ trong nước tháng tới có thể giảm gần 50.000 đồng/bình. Và đây sẽ là mức giảm kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, vẫn theo vị giám đốc trên, mới đây Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tuyên bố cắt giảm sản lượng nên có thể giá dầu sẽ tăng trở lại. “Tình hình rất khó đoán trước. Bởi có tháng dự báo giá CP giảm 60 USD/tấn, nhưng cuối cùng chỉ giảm 20 USD” – vị giám đốc này nói.
Trong khi đó theo một chủ doanh nghiệp khác, cho dù giá CP giảm thì giá bán lẻ trong nước cũng khó giảm tương ứng, bởi nếu làm như thế các doanh nghiệp sẽ lỗ nặng nề. “Có thể dự đoán một kịch bản thế này: doanh nghiệp sẽ chỉ giảm 40.000 đồng thay vì 50.000 đồng. Cũng như kinh doanh sắt thép, các doanh nghiệp kinh doanh gas đang chịu sức ép rất lớn vì lỗ, nên người tiêu dùng cần chia sẻ trong lúc khó khăn này” – doanh nhân này nói.
Về lâu dài, theo ông Trần Minh Loan – tổng giám đốc Công ty dầu khí An Pha: để phát triển bền vững, thị trường gas cần xây dựng lại hệ thống phân phối bài bản, bởi hiện nay việc tồn kho số lượng lớn một phần do số bình gas trôi nổi quá nhiều kéo theo mất kiểm soát về giá ở một số công ty, làm thị trường ảnh hưởng theo.
Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương Hoàng Thọ Xuân: “Phải kiểm tra, yêu cầu giảm giá” Theo quyết định của Thủ tướng, gas thuộc diện mặt hàng bình ổn giá. Về nguyên tắc, các công ty bán gas phải đăng ký giá hoặc kê khai. Tuy nhiên, việc này chưa được thực hiện vì thông tư hướng dẫn chưa được Bộ Tài chính ban hành. Do đó, trước mắt các cơ quan chức năng có thể tiến hành kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá theo đúng cơ chế thị trường. Thị trường phân phối gas hiện tiềm ẩn nhiều vấn đề trong nhiều khâu. Nhiều công ty âm thầm giảm 10% chỉ là hành động cạnh tranh chứ chưa hẳn vì người tiêu dùng. Hiện tại, các công ty gas nên giảm giá, chia sẻ với người tiêu dùng. Sắp tới, khi thông tư của Bộ Tài chính ban hành, các cơ quan chức năng có quyền kiểm tra giá đầu vào, đầu ra, các chi phí, nếu cơ cấu giá giảm mà doanh nghiệp không giảm sẽ có biện pháp xử lý thích đáng. C.V.Kình |
Bình luận (0)