Do nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, giá giấy in sách báo và tập viết tăng lên khoảng một triệu đồng/tấn. Từ đầu năm 2008 đến nay, thị trường giấy trong nước đã qua nhiều đợt tăng giá, mặc dù đã lường trước diễn biến của giá cả thị trường, song các tờ báo in cũng phải vất vả, lao đao trước đợt tăng giá giấy lần này.
Mới đây, nhiều tờ báo được xem là “món ăn” không thể thiếu của người dân đã phải đồng loạt tăng giá từ 800 đến 1.000 đồng/tờ so với giá cũ để bù vào giá giấy tăng. Khó khăn lớn nhất của các tờ báo sau đợt tăng giá là giảm mạnh về số lượng phát hành. Cách đây vài tháng, để có một tờ báo như Tuổi Trẻ, Người Lao Động… người dân chỉ bỏ ra từ 1.500 đến 2.000 đồng, nay con số ấy lên đến 2.700, 3.500 đồng, thậm chí có nhiều sạp báo ở các vùng ngoại thành bán một tờ báo với giá 4.000 đồng. Trước đây, theo thói quen của người dân là vừa nhâm nhi ly cà phê sáng và “nạp thông tin” thời sự chính trị, xã hội… bằng một đến hai tờ báo nhưng hiện nay con số ấy cũng đã giảm đáng kể. Với công nhân lao động đồng lương tròm trèm 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng thì việc bỏ ra 3.000-3.500 đồng để mua một tờ báo chẳng khác nào tự thắt lưng buộc bụng mình. Anh Huỳnh Công Hậu làm thợ cửa sắt (Tân Phú) phân trần: “Sáng nào cũng vậy, theo thói quen tôi mua hai tờ báo cho gia đình đọc, từ khi các tờ báo đồng loạt tăng giá tôi đành nhịn bữa sáng, có hôm ăn khổ hơn như bánh mì, mì gói hay xôi chẳng hạn”.
Còn với đồng lương nhân viên văn phòng, Hạnh Dung tính toán: “Không đọc báo thấy khó chịu trong người nhưng cũng phải tập cho quen, tranh thủ đọc ké báo của các anh chị trong cơ quan hay vào giờ nghỉ trưa lên mạng đọc. Bây giờ mua một tờ báo muốn bằng tiền mua hai gói mì, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó anh à”. Để giảm chi ở mức tối thiểu và đặc biệt để thỏa cơn “nghiện” báo, anh Trung Tấn (Nhà Bè) đưa vợ đi làm và chiều đón về để tiết kiệm tiền xăng. “Theo tôi, báo tăng giá là điều tất yếu theo quy luật của nền kinh tế thị trường, không có gì phải tranh cãi và mọi người phải chấp nhận thôi. Cơ quan bà xã và tôi đi hơi trái đường nhưng cũng quen rồi, còn đọc báo thì luôn ưu tiên cho bà xã đọc trước, tối về mình đọc cũng được”. Anh Tấn tâm sự.
Câu chuyện về giá báo tăng thời gian qua cũng là đề tài thời sự của không ít dân “nghiện” báo, những chi tiêu thường ngày cũng được đưa ra như “mua một tờ báo không còn rẻ hơn mua một bó rau muống như trước đây, nhịn đọc báo vài ngày là mua được một kg gạo, hay chịu khó đọc báo ké một ngày là đủ tiền mua cho con cuốn tập…”.
Chị Thúy, bán báo trên đường Lý Chính Thắng (quận 3) nói như than: “Trước đây, trung bình mỗi ngày chị bán từ 50 đến 70 tờ báo Tuổi Trẻ nhưng nay đã giảm chỉ còn phân nửa, có hôm không được. Những người mua quen từ nhiều năm nay cũng đã thưa dần vì đã thay đổi thói quen bằng cách đọc trên mạng hay báo của cơ quan”.
Trước thực trạng giá cả thị trường tăng, mọi chi tiêu của người dân đều bị co cụm lại, song việc tăng giá báo cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo chất lượng bài viết, thông tin kịp thời đến bạn đọc. Có thể người dân chưa quen với cách trả tiền nhiều hơn bình thường khi mua một tờ báo và dần dà cũng sẽ quen như mỗi sáng phải cầm trên tay tờ báo mà mình yêu thích.
Nhiều tờ báo sau khi tăng giá để duy trì lượng bạn đọc đặt báo dài hạn lại phải chịu thêm một khoản chi phí khá lớn là vẫn giữ giá cũ đối với bạn đọc là các cơ quan đơn vị, trường học đã hợp đồng mua báo theo quý hoặc năm. Con số này là không nhỏ, hiện nay với những tờ báo có lượng bạn đọc đặt báo dài hạn lớn, mỗi kỳ phát hành con số phải bù lỗ thêm giá giấy. Báo Giáo Dục TP.HCM là một ví dụ. Cũng như các tờ báo bạn, hiện nay Ban biên tập cũng phải tính toán chi ly việc tăng giá báo, bất khả kháng, và hy vọng bạn đọc, tập thể, các sở ngành và đơn vị trường học chấp nhận ủng hộ để tờ báo ngày càng nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng.
Trần Trọng Tri
Bình luận (0)